Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người bắc cầu kiều cho học sinh nghèo đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bà Lê Minh Ngọc thời sinh viênBà là một trong những thành viên đầu tiên vận động thành lập Hội Khuyến học TP.HCM. Mười mấy năm qua ngôi nhà khuyến học ngày càng thêm vững chãi. Từ tổ ấm này nhiều đứa trẻ khuyết tật, kém may mắn đã vượt lên số phận để trở thành học sinh, sinh viên giỏi. Các em dù đã trưởng thành hay đang sống trong “Ngôi nhà khuyến học” vẫn gọi bà bằng tiếng gọi thân thương là “má”. Bà là nhà giáo Lê Minh Ngọc – Phó chủ tịch Hội Khuyến học, kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học TP.HCM

Cô bé mồ côi và chuyến hành trình ra Bắc…

Mới năm tuổi bé Ngọc đã phải mồ côi ba nên bao nhiêu tình thương mẹ đã dồn hết vào giọt máu duy nhất của người cha đi kháng chiến để lại. Dù là một cơ sở cách mạng hoạt động ngay giữa lòng địch ở Sài Gòn nhưng mẹ của Ngọc không bao giờ rời đứa con gái yêu của mình. Năm 1954, thiếu tướng Tô Ký cùng các cô chú ở Trung đoàn 312 là đồng đội của ba đã thuyết phục mẹ đưa bé Ngọc ra Bắc đi học. Mười hai tuổi, cô con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Lai (cha của Ngọc) đã có mặt trên chuyến tàu rời Sài Gòn đi Hải Phòng. Ký ức tuổi thơ của cô bé đã ghi đậm hình ảnh người mẹ cả cuộc đời vất vả, hạnh phúc chưa có một ngày trọn vẹn, khăn vắt vai, nước mắt lã chã, chân đất chạy theo con tàu mỗi lúc một xa…

Ra Bắc nhớ má quá cô đã lên đài phát thanh “Nhắn tin vào Nam”, kết quả là má Ngọc bị địch bắt, rồi sau đó cũng bặt vô âm tín. Trong những năm học ở Trường miền Nam số 24 Hải Phòng, một phần thưởng lớn nhất đã đến với cô bé là năm 1959, Ngọc được vinh dự về Hà Nội gặp Bác Hồ. Khi vào trong Phủ Chủ tịch, biết Ngọc là học sinh miền Nam, Hồ Chủ tịch đã ân cần hỏi thăm và ưu tiên cho Ngọc ngồi vào ghế giữa cùng với Người. Lần gặp đó đã trở thành kỷ niệm không phai mờ trong tâm trí Ngọc và lúc nào Ngọc cũng nhớ mãi lời căn dặn của Người: “Nhớ má, nhớ miền Nam thì phải cố gắng học cho giỏi”. Vâng lời Bác, Ngọc càng phấn đấu tu dưỡng đạo đức và học tập thật tốt, ngay năm đó cô nữ sinh Trường miền Nam được kết nạp vào Đoàn. Ước mơ được làm cô giáo ấp ủ từ lâu nên học hết phổ thông Lê Minh Ngọc quyết định thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành giáo viên dạy văn ở tỉnh Nam Hà và Hà Bắc. Tháng 1-1969, vinh dự đã đến với Bí thư Chi đoàn giáo viên cấp 3 Hiệp Hòa (Hà Bắc) Lê Minh Ngọc khi cô được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Dám nghĩ dám làm

Tháng 3-1975, đang dạy Trường cấp ba Chu Văn An (Hà Nội) cô giáo Lê Minh Ngọc được lệnh trở về miền Nam. Thời điểm này chiến dịch Hồ Chí Minh liên tiếp giành thắng lợi lớn ở chiến trường miền Nam, quân giải phóng chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn, ngày thống nhất đất nước đang đến gần. Ngôi trường đầu tiên cô về tiếp quản cũng là trường mang tên Chu Văn An, quận 5 với cương vị phó hiệu trưởng. Từ năm 1977 đến năm 1989, cô đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục TP như: Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Thạnh, Trưởng phòng Chính trị tổng hợp, Trưởng phòng Mầm non và Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Đây là thời kỳ cô đã cống hiến hết tâm huyết, sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục TP trong thời kỳ cả nước đang gặp khó khăn khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Nếu trong những năm trực tiếp đứng lớp, Lê Minh Ngọc là một giáo viên giỏi được nhiều học sinh yêu mến tin cậy thì trong công tác quản lý, cô là người luôn đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy các hoạt động phong trào mà nổi bật là công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Năm 1989 khi cô được giao chức vụ Trưởng phòng GD Mầm non của Sở, một vài người ngạc nhiên và lo lắng vì sợ cô không đảm trách được công việc đó. Thế nhưng được các anh chị đi trước nhắn nhủ và đặc biệt là sự động viên của nhiều người nên cô đã dám đứng ra gánh vác trọng trách mà cấp trên tin tưởng giao phó. Đứng trước thách thức của cơ chế thị trường là thời điểm này hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non có nguy cơ giải thể, địa phương trưng dụng vào mục đích kinh doanh, gây khó khăn cho ngành học. Vì thế cô liền chỉ đạo tập trung xây dựng mô hình trường lớp bán trú để các cháu có chỗ học ổn định, làm một bước đột phá về giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Cô xác định nếu cơ ngơi không tốt thì không thu hút được học sinh và sẽ khó khăn trong việc vận động học phí nên cô đã mạnh dạn tổ chức hội nghị cơ sở vật chất để trưng cầu ý tưởng xây trường mầm non theo mô hình mới. Chính ý tưởng này, ngành giáo dục TP.HCM đã trở thành đơn vị điển hình trong cả nước thực hiện thành công việc sáp nhập nhà trẻ và mẫu giáo thành hệ thống trường mầm non. Những trường được xây theo mô hình mới như thế sau này đều đạt chuẩn quốc gia.

Khi thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, Trưởng phòng MN Lê Minh Ngọc cũng có cách làm rất đặc biệt. Cô tâm sự: “Phải đặt chuyện chăm sóc sức khỏe của trẻ nhỏ lên trước hết, sau đó mới tính chuyện khác. Có như vậy cha mẹ các cháu mới phấn khởi chịu giao con mình cho các cô”. Sau khi thành công tổ chức bữa ăn sáng tại các lớp bán trú trong nội thành, cô nghĩ đến chuyện cải thiện bữa ăn sáng cho các cháu ở ngoại thành bằng phong trào “Ngày hội hột gà”. Ban đầu mỗi phụ huynh mang đến trường một hột gà cho trẻ ăn tại lớp, sau đó là củ khoai, chiếc bánh… Cách thức này vừa tận dụng được sản phẩm của người nông dân vừa không để trẻ bị đói, bị thiếu chất đồng thời ý thức quan tâm đến sức khỏe trẻ nhỏ của người dân cũng được nâng cao. Với những thành quả có ý nghĩa xã hội đó, cô đã được Bộ Y tế trao tặng huy chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

“Má Ngọc” của học sinh nghèo

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, nhà giáo Lê Minh Ngọc hiểu rất rõ hoàn cảnh của các em học sinh vì gia đình khó khăn mà bỏ dở ước mơ đến trường. Từ những trăn trở này nên khi đang là Phó giám đốc Sở, dù bận trăm công ngàn việc nhưng bà đã cùng một số cán bộ tâm huyết khác như ông Ba Nam, ông Tám Hanh đứng ra vận động thành lập Hội Khuyến học. Sáng kiến đầu tiên của bà đưa ra đã có ảnh hưởng lớn trong cả nước là chương trình “Học bổng khuyến tài” dành trao tặng cho sinh viên nghèo hiếu học với hình thức một ân nhân trao tặng cho một sinh viên trong bốn năm học đại học. Học bổng này vừa có ý nghĩa thiết thực như là chiếc cầu nối tình cảm giữa người cho và người nhận và đến nay đã có 530 sinh viên được nhận học bổng này. Từ thành công đó, bà đã cùng Hội Khuyến học TP lập thêm các chương trình học bổng khác như: Vòng tay đồng đội, Chắp cánh ước mơ, Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học, Đi bộ gây quỹ khuyến học… để “làm sao tất cả học trò có hoàn cảnh đều vượt ra khỏi nghèo bằng trí tuệ” như mong mỏi của bà. “Câu lạc bộ sinh viên nhận học bổng khuyến tài” ra đời đã thực sự trở thành mái ấm gia đình của nhiều số phận. Cũng từ ngôi nhà chung này, hai tiếng “má Ngọc” đã được các em gọi bằng tất cả tình cảm yêu thương trìu mến.

Nói tới những đóng góp của bà với công tác khuyến học không thể không kể đến sự ủng hộ của người thân trong gia đình. Chồng bà – Anh hùng Lao động Ngô Thường San – nguyên là một cán bộ cấp cao của ngành dầu khí luôn tạo điều kiện thuận lợi cho vợ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và hai cô con gái cũng ủng hộ mẹ nhận đóng góp nhiều suất học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học.n

Phan Ngọc Quang

 Từng đi vận động nhiều nơi nên bà nghiệm được một điều: khi đã coi những em học trò nghèo như chính con em ruột thịt của mình thì bất cứ ai cũng sẵn lòng cưu mang giúp đỡ bằng tất cả tinh thần tự nguyện của tấm lòng. Chính vì thế, từ con số không sau 9 năm hoạt động tổng kinh phí vận động của Quỹ Khuyến học TP.HCM đến nay đã có trên 9,5 tỷ đồng và quỹ khuyến học từ các cơ sở phường xã, quận huyện đã vượt qua con số 60 tỷ đồng. Một con số mà không phải ai cũng có thể làm được như “má Ngọc”.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)