Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người bắc nhịp cầu vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Thị Lan (thứ 3 từ trái qua – hàng đầu) cùng đồng nghiệp
Theo thông báo, buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm của Trường THCS Thông Tây Hội, (Q.Gò Vấp) bắt đầu từ 9 giờ sáng. Nhưng trước đó gần một tiếng đồng hồ đã có vài người đến trường tranh thủ vào gặp các thầy cô trong BGH để trao đổi về chuyện trường chuyện lớp. Trong phòng cô Hiệu trưởng Phạm Thị Lan rộn lên tiếng cười nói vui vẻ và những cái bắt tay nồng ấm. 
Chẳng phải ai xa lạ, họ là những người dân ở phường 11 và các nơi lân cận có con vào học tại trường nên đã quen thuộc với từng dãy nhà, từng lớp học nơi đây. Nhiều cô bác còn nhớ rõ mồn một đâu là lớp học con mình hồi mới vào lớp 6, đâu là dãy nhà con mình ở bán trú tại trường.
Mất và được
Thường thường, phòng làm việc của BGH là “tổng hành dinh” nên ít ai “dám” lui tới trừ phi có việc “cấp bách”. Vậy mà tại Trường THCS Thông Tây Hội, PHHS lại tìm thấy nơi đây sự gần gũi, thân thiện. Những khi có điều muốn chia sẻ, các bậc PH không phải chần chừ khi bước chân vào phòng làm việc của BGH.
Nhiều PHHS đã rất ngạc nhiên khi nhận ra cô Hiệu trưởng chính là người họ gặp không ít lần ở cổng trường hay trong lớp bán trú và cả ở phía ngoài con đường Quang Trung thuộc phường 11. Những lúc đó, PHHS cứ tưởng cô chỉ là một GVCN xuống thăm lớp bán trú hay ra trước cổng trường hướng dẫn học sinh (HS) lớp mình băng qua đường vào giờ cao điểm. Vì họ nghĩ hiệu trưởng chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh “điều binh khiển tướng”, lâu lâu đi thị sát hay “vi hành” một chút là được, chứ tội gì phải “dầm mưa dãi nắng” cho cực khổ. Thế nhưng, cô Lan lại nghĩ khác. Với cô, người cán bộ quản lý có nhiều cách lãnh đạo nhưng làm gì cũng phải hợp ý quần chúng và hiểu được tâm tư tình cảm của số đông. Làm lãnh đạo ai cũng biết, sinh thời Bác Hồ không ưa những kẻ công quyền và quan liêu. Người luôn khuyên răn cán bộ là đầy tớ của dân phải biết phục vụ dân và lo cho quần chúng, biết đặt lợi ích chung lên trên hết. Cho đến bây giờ, lời dạy chí tình đó của vị lãnh tụ vẫn là tấm gương đạo đức sáng ngời để mọi người học hỏi và làm theo. Tuy phải mất nhiều cái để hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng chưa bao giờ cô Lan chùn bước bởi cô luôn nhìn vào những mặt được để sống lạc quan. Phải bỏ thêm thời gian và công sức nhưng cô Hiệu trưởng lại “gom” về được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý. Có như thế, cô mới hiểu vì sao lớp này còn nhiều em chậm tiến, lớp kia có trò chưa chịu nghe lời thầy cô. Cô biết rõ hơn lý do đồng nghiệp chưa an tâm giảng dạy, có người tư tưởng chưa thông. Những vấn đề còn vướng mắc, cô đưa vào cuộc họp giao ban hội đồng sư phạm đầu tuần để cùng anh em tìm giải pháp cứu chữa. Như con bệnh được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, mọi việc trong trường từ lớn đến bé đều được sắp xếp ổn thỏa và nhanh chóng.
Cũng nhờ chủ trương “cùng ăn cùng ở” với thầy trò trong trường nên cô Lan hiểu học trò và đồng nghiệp của mình hơn ai hết. Vì thế, cô luôn được mọi người tin yêu, quý mến. Tình thương yêu học trò từ cô Hiệu trưởng như được cộng hưởng trong nhà trường rồi dần dần lan tỏa xuống từng thầy cô. Khi có HS nào phạm lỗi, thay vì la mắng nặng lời, cô Lan lại nhắc nhở giáo viên (GV) tìm cách “thu phục nhân tâm” bằng tình thương yêu rộng mở. Một nụ cười thân thiện, một cái vỗ vai nhẹ nhàng đôi khi có sức mạnh hơn cả một lời trách phạt hay bản tự kiểm cá nhân. Cô Hiệu trưởng luôn muốn, là GV bất kể chủ nhiệm hay GV bộ môn đều phải hiểu tính nết từng em một, biết các em nói gì và suy nghĩ như thế nào. Có như vậy thầy cô mới giáo dục và “uốn nắn” được những “cây non” dù chưa đứng thẳng được ngay nhưng không bị gãy cành hư lá.
Sợi dây vô hình
Sau nhiều năm gắn bó với ngôi trường THCS Thông Tây Hội, cô Lan nhận thấy may mắn lớn nhất của mình là được PHHS tin yêu và luôn nhận được những phản hồi tích cực từ các cộng sự. Đã có lần cô đem một tập hồ sơ ra khoe với tôi. Lúc đầu cứ tưởng là bản báo cáo thành tích trong năm của đơn vị, nhưng tôi đã bị nhầm. Đó chỉ là những ý kiến đóng góp sau các buổi họp thăm dò PHHS được cô Hiệu trưởng tập hợp lại thành một “tập nhật ký”. Trong hồ sơ lưu trữ đó có rất nhiều lời khen nhưng điều mà cô quan tâm nhất là những ý kiến đóng góp cần sửa đổi cái này, nên cải tổ chuyện kia. Những ý kiến ấy được cô Hiệu trưởng gạch chân, tô đậm, kẻ viền rồi từng bước triển khai thực hiện. Cô Lan thật sự trân trọng từng câu, từng chữ và tấm lòng mà PHHS gửi gắm vào trong đó. Cô có cách nhìn rất mới mẻ: “PHHS bây giờ khác xưa rồi, họ có học thức và hiểu biết cao nên lắm người dạy con còn hay hơn cả thầy cô. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà anh em GV cần học hỏi”. Theo cô Lan, nhờ có chiếc cầu nối này mà khoảng cách giữa nhà trường và gia đình HS ngày càng được thu hẹp. Không có tình trạng PHHS cúp máy khi nghe nhà trường phản ánh chuyện học hành của con em mình. PHHS hết lo lắng khi nhận được thư mời hay điện thoại của nhà trường dù chưa biết đó là chuyện lành hay chuyện dữ. Ai cũng có tâm lý dễ chịu và thoải mái khi trò chuyện với GV hay với ban lãnh đạo nhà trường. 
Thế nhưng, cuộc đời không bao giờ chỉ có những gam màu tươi sáng. 14 năm làm công tác quản lý tại một ngôi trường theo hệ bán công, cô Lan đã “nếm” biết bao vất vả, nhọc nhằn. Ai cũng biết thiệt thòi của mô hình trường bán công không chỉ phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà còn do nhiều hệ lụy khác. Thời gian đầu, trường lớp thiếu ngân sách để xây sửa, BGH phải lo từ A đến Z, tìm mọi cách để “giật gấu vá vai”. Cứ bắt đầu chuẩn bị vào năm học mới là cả “bộ sậu” như ngồi trên đống lửa vì chằng chịt nỗi lo. Phải tìm nguồn thu để xây trường, phải lo lương hàng tháng cho GV không chỉ trong năm học mà cả ba tháng hè dù thu học phí chỉ có trong chín tháng. Trường bán công lúc đó được ví như một hồ nước rộng và sâu, ai cũng phải tự bơi để tìm cách tồn tại. Những khó khăn về mặt vật chất có là gì so với nỗi trăn trở về chất lượng đầu vào của HS. Đa số các em rớt nguyện vọng từ các trường công lập theo kiểu “chuột chạy cùng sào” mới vào đây. Thế nhưng, yêu cầu đầu ra của Trường THCS Thông Tây Hội phải bằng các trường “đàn anh đàn chị” khác vì cùng thi chung một đề thi của sở và phòng GD-ĐT. Tình cảnh đó đòi hỏi người thầy phải vắt kiệt sức mình để luôn có những sản phẩm giáo dục đảm bảo “chất lượng ISO”. Được cái là không chỉ thầy cô trong trường hiểu PHHS mà bà con cô bác nơi đây cũng “tâm đầu ý hợp” với BGH nhà trường trong cách giải quyết khó khăn.
Còn biết bao nhiêu chuyện buồn khác nữa mà thầy và trò Trường THCS Thông Tây Hội phải trải qua nhưng bây giờ mọi thứ đã lùi vào dĩ vãng. Ngày trước, không ít người lần đầu tiên đưa con vào trường tuần trước thì tuần sau đã xin chuyển trường vì họ chưa có niềm tin. Khi nghe BGH khuyên nhủ, PHHS đành “nhắm mắt liều mình” cho con học thử một năm xem sao. Thế rồi chỉ sau chín tháng, sự hoài nghi đã dần dần tan biến. Thực ra không phải vì PHHS suy nghĩ nông cạn mà chính công sức dạy dỗ của đội ngũ GV Trường THCS Thông Tây Hội đã có “câu trả lời” sòng phẳng cho sự hồ nghi đó. Lòng tin càng bền vững khi được xây đắp bằng những việc làm dù nhỏ nhưng lại thiết thực nhất của BGH nhà trường. Vì thế, nhiều PHHS đã quay lại trường không phải để làm lớn chuyện mà là để nói lời xin lỗi và thể hiện sự biết ơn. Những lúc như thế, bao nỗi cực nhọc, phiền muộn trong một ngày vất vả của các thầy cô bỗng chốc tan thành mây khói, niềm hạnh phúc thêm được đong đầy.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, nên ngay từ khi học phổ thông, cô Phạm Thị Lan đã có mơ ước trở thành một cô giáo. Hiện nay, bốn anh em trong gia đình cô đều là GV và nhiều người nói rằng, cả bốn người đều có “gen” làm lãnh đạo. Điều đó quả không sai khi cả thầy Phạm Văn Phiệt, cô Phạm Thị Ngọc, cô Phạm Thị Xuân, cô Phạm Thị Lan đều đang là hiệu trưởng của các trường THPT Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Trường THCS Võ Thị Sáu, và Trường THCS Thông Tây Hội. Đây thật sự là niềm tự hào của gia đình họ Phạm.

 

Bình luận (0)