Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người bệnh chóng mặt với viễn cảnh tăng viện phí

Tạp Chí Giáo Dục

“Chỉ với mức đồng chi trả bảo hiểm y tế 5% mà nhiều người chạy thận nhân tạo như tôi đã méo mặt vì chưa biết xoay sở thế nào. Giờ lại tăng giá viện phí, chả nhẽ lại bỏ về quê chờ chết”, ông Cường, người có "thâm niên" chạy thận 8 năm buồn bã nói.
Bỏ quê, một thân một mình ông Cường (45 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) lên Hà Nội tìm chỗ trọ gần Bệnh viện Bạch Mai để tiện đến chạy thận nhân tạo tuần 3 lần. Không làm được việc nặng nhọc, hằng ngày ông ngồi bán nước ở cổng viện, được đồng nào hay đồng đấy để bù một phần vào tiền thuốc men, ăn uống, sinh hoạt… Tháng nào ít thì vài trăm, nhiều thì tiền triệu. Ốm đau, bệnh tật là thế nhưng bữa cơm của ông phần lớn chỉ có cơm, rau và đậu.
Giống như ông Cường, phần lớn bệnh nhân chạy thận tại khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, đều là người nghèo. Chỉ riêng khoản tiền đồng chi trả bảo hiểm y tế 5% (có người 20%) hiện nay mà họ đã phải cùng nhau viết đơn xin được Nhà nước trợ giúp. Vì thế, trước thông tin giá viện phí có thể tăng mạnh, nhiều người không khỏi bàng hoàng.
Không chỉ bệnh nhân chạy thận, nhiều bệnh nhân khác có hay không có thẻ bảo hiểm y tế cũng thực sự lo ngại nếu mức viện phí được điều chỉnh tăng lên. Trong đó có nhiều dịch vụ y tế tăng 10, 15, 20 lần, thậm chí hơn, chẳng hạn chi phí làm sinh thiết ruột tối thiểu đang là 10.000 đồng thì nay sẽ tăng lên mức 300.000 đồng. Tăng mạnh nhất là sinh thiết tủy xương: từ 10.000 tới 30.000 đồng sẽ lên đến 1,8-2 triệu đồng.
Trước những lo lắng của người dân, sáng nay (21/7), Bộ Y tế đã buổi gặp mặt để lý giải việc sẽ tăng giá một số dịch vụ y tế.
Giá dịch vụ y tế tăng không đồng nghĩa với việc chất lượng phục vụ được nâng cao. Ở rất nhiều bệnh viện vẫn còn cảnh bệnh nhân nằm ghép chật chội như thế này. Ảnh: P.N.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, việc tăng khung giá viện phí lần này là cần thiết. Trước hết là vì kỹ thuật y tế ngày càng phát triển, các bệnh viện đưa trang thiết bị mới vào sử dụng, những phương pháp điều trị ngày càng hiện đại làm cho chi phí dịch vụ đều tăng lên. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện còn thấp, việc duy trì hoạt động của bệnh viện chủ yếu dựa vào nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế.
"Mức giá viện phí được tính điều chỉnh lần này mới chỉ là mức thu một phần viện phí, chứ chưa tính đúng, tính đủ, vì lương của cán bộ nhân viên y tế, khấu hao tài sản cố định… vẫn đang được bao cấp. Hơn nữa, trong đợt này chỉ có khoảng 350 dịch vụ trong số 3.000 dịch vụ các bệnh viện đang thực hiện được điều chỉnh, chiếm khoảng 12%", ông Quang giải thích.
Theo lý giải của Bộ Y tế, mức phí dịch vụ mới áp dụng cho cả người có và không có thẻ bảo hiểm y tế. "Vì thế, với đợt điều chỉnh giá lần này, về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến những người đã có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 62% dân số). Nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt tăng giá này chính là những người chưa tham gia bảo hiểm y tế vì họ không được hỗ trợ", đại diện Bộ Y tế cho biết.
Dù Bộ Y tế lý giải như trên, song thực tế, nhóm người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ "thiệt hại" nặng trong đợt tăng giá này. Bởi tuy 62% dân số có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không phải tất cả họ đều đi khám bằng thẻ khi có bệnh. Đa phần người sử dụng thẻ là người nghèo hoặc bệnh nặng, vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Chính vì thế, khi giá dịch vụ y tế tăng thì với mức đồng chi trả 5% hoặc 20%, số tiền mà nhiều người bệnh có bảo hiểm phải trả cũng sẽ tăng cao.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng giá tiền giường bệnh nằm một ngày ở bệnh viện đầu ngành đang là 10.000 đồng, nay tăng lên đến 100.000-120.000 đồng. Như vậy, nếu như trước kia nằm viện 10 ngày, bệnh nhân chỉ mất 100.000 thì nay phải thanh toán đến một triệu đồng.
Với những người ít hoặc không dùng thẻ bảo hiểm, đề xuất khung giá dịch vụ mới không khiến họ bất ngờ, vì từ lâu, họ đã phải trả giá dịch vụ y tế ở mức cao, chứ không theo khung giá từ năm 1995.
Chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Từ trước đến nay tôi đi khám không theo bảo hiểm y tế ở các bệnh viện có bao giờ thấy phí khám là 3.000 đồng, họa chăng đó là tiền mua sổ khám bệnh, tất cả đều 30.000 đồng. Làm xét nghiệm công thức máu ít nhất cũng 50.000 đồng chứ làm gì có giá 9.000 đồng…”.
Một số bác sĩ tại TP HCM cũng thừa nhận, mức phí cũ mà Nhà nước quy định là thấp nhưng thực thu tại các bệnh viện nhiều năm nay đã cao gấp chục lần. Đây là hướng cân chỉnh nhằm giảm bớt nạn bù lỗ khi mà mức viện phí cũ đã quá không hợp thời.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, mức viện phí cũ ban hành từ năm 1995 đến nay không còn hợp lý. Ví dụ: phí khám bệnh là 3.000 đồng, phí nằm viện cũng vài nghìn đồng, thậm chí các loại phẫu thuật chỉ vài chục nghìn đồng.
"Viện phí vài nghìn đồng mỗi ngày chỉ đủ dùng cho việc thay băng bông, gạc, kim tiêm… Trong khi đó, chi phí thở máy, các dịch vụ chăm sóc, vệ sinh của mỗi bệnh nhân tại phòng hồi sức cấp cứu có khi đã lên đến vài trăm nghìn đồng", một bác sĩ cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng quyết định tăng giá viện phí là đúng nhưng phải có lộ trình, cần phải nghĩ đến người nghèo. Bản thân cơ sở y tế, bảo hiểm y tế phải có chính sách với người nghèo, không để bệnh nhân chết vì không có tiền chữa bệnh.
“Khi giá viện phí tăng, những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ thấy thiệt thòi. Chúng ta đang hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, 90% dân số tham gia bảo hiểm để giúp đỡ, hỗ trợ 10% còn lại. Hơn nữa khi đã tăng giá viện phí thì cơ quan quản lý phải đảm bảo nâng cao chất lượng”, Tiến sĩ Luận cho biết.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, khung giá này mới chỉ là dự thảo lần một xin ý kiến của các bộ, ngành, bệnh viện để có sự điều chỉnh giá cho phù hợp. Bộ Y tế cũng sẽ thành lập một hội đồng để thẩm đỉnh lại giá.
Thiên Chương – Nam Phương (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)