TP.HCM hạn chế tối đa chi trả tiền hỗ trợ đối với người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 qua các cơ quan hành chính, thay vào đó sẽ chi trả trực tiếp qua tài khoản cá nhân. Trường hợp người được hưởng hỗ trợ không có tài khoản thì liên hệ cơ quan hành chính tại địa phương để tiếp nhận tiền mặt.
Người bị tác động bởi dịch Covid-19 nhận hỗ trợ qua tài khoản cá nhân
Trưa 5-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về triển khai gói hỗ trợ lần 2 của TP đối với người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, ông Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của TP.HCM khi xây dựng chính sách hỗ trợ này thông qua Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM là thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền TP trước những khó khăn của người dân yếu thế bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đây là một trong nhiều giải pháp của chính quyền TP vừa hỗ trợ cho người lao động, vừa thực hiện mục tiêu kép “phòng chống dịch có hiệu quả và thúc đẩy sản xuất kinh doanh”. Chính sách mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình, là một trong những truyền thống mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP xây dựng, hun đúc ngày càng phát triển.
Đối với việc triển khai thực hiện, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, TP đặc biệt đề cao trách nhiệm người sử dụng lao động, chính quyền địa phương, cơ sở để phục vụ người được nhận hỗ trợ một cách tốt nhất. Nếu lúc trước người lao động phải tự làm thủ tục để nhận hỗ trợ thì lần này cơ quan quản lý lao động, chính quyền địa phương cơ sở phải chịu trách nhiệm làm thay. Theo đó, mặt trận tổ quốc, ban quản lý các khu, lãnh đạo chính quyền địa phương phải thường xuyên yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp danh sách để thực hiện chính sách. Việc thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất từ chiều ngang các sở ngành và chiều dọc từ TP xuống quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Quá trình thực hiện cần linh hoạt, nếu gặp vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay cấp trên để xử lý, tránh tình trạng ách tắc.
Về thời gian thực hiện, ông Võ Văn Hoan cho biết, gói hỗ trợ được thực hiện ngay trong tháng 7-2021 và kết thúc vào tháng 8-2021. Trong vòng 7 ngày từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan chức năng phải thẩm định, phê duyệt và chi trả ngay tiền hỗ trợ, hoặc phản hồi lại người dân nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. “Phương thức chi trả là thông qua tài khoản cá nhân của người lao động. TP sẽ hạn chế tối đa chi trả qua các cơ quan hành chính. Trường hợp người được hưởng hỗ trợ không có tài khoản thì liên hệ cơ quan hành chính tại địa phương để tiếp nhận tiền mặt”, ông Võ Văn Hoan nói.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm, cùng với thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM, TP cũng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ngoài các nhóm hỗ trợ đã trùng khớp, TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung để thực hiện hỗ trợ đối với nhóm được quy định trong Nghị quyết 68 mà Nghị quyết 09 chưa quy định. Quá trình triển khai gói hỗ trợ, TP vừa giám sát vừa tăng cường hậu kiểm, xem xét đánh giá hồ sơ mà địa phương, doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo thực hiện gói hỗ trợ đúng mục đích.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, HĐND TP khóa X đã thống nhất chi khoảng 886 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, các đơn vị tại cơ sở đã và đang thống kê danh sách các đối tượng được hưởng để giải ngân gói hỗ trợ này. Thời gian cho việc thống kê danh sách được thực hiện trong khoảng 1 tuần. Sau đó, các đơn vị gửi lên các phòng lao động thương binh và xã hội tại UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức để thực hiện chi trả 1 lần cho người lao động.
Theo đó, TP sẽ hỗ trợ cho những lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ). Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm công việc thuộc các lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động cũng được hỗ trợ.
Thương nhân tại các chợ truyền thống tại chợ hạng 1 được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng. Các hộ kinh doanh phải dừng hoạt động tại khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 sẽ được hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng/hộ.
Đối với người bị cách ly y tế là đối tượng tại điểm b, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số đặc thù trong phòng, chống dịch được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người. Người tham gia công tác phòng, chống dịch là đối tượng quy định tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP và các lực lượng trực tiếp khác được đề xuất hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.
Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được đề xuất hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đáp ứng điều kiện về thời gian chấm dứt hợp đồng lao động cũng được đề xuất hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)