“Những việc tôi làm chung quy lại cũng để tri ân cuộc đời và những tấm lòng đã dang rộng vòng tay san sẻ yêu thương giúp một đứa trẻ mồ côi như tôi được lớn lên, trưởng thành”, chị Trịnh Thị Hồng, ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bộc bạch.
Chị Hồng trò chuyện với chuyên gia khởi nghiệp đến từ Israel |
Sáng chế biến rác thành… tiền!
Nhắc đến câu chuyện làm ra sản phẩm nước rửa chén hữu cơ của chị Trịnh Thị Hồng, ở Đà Nẵng không ai là không biết. Nhưng câu chuyện chị Hồng phát minh ra sáng chế nước rửa chén từ rác thải càng khiến nhiều người ngạc nhiên và khâm phục hơn. Chị Hồng kể, cách đây tầm bảy năm về trước, có một dạo hình như xe rác ở khu phố chị sống bị hỏng, gần một tuần rác ùn ứ lại bốc mùi hôi nồng nặc. Lúc đó chị chợt nghĩ, bây giờ phải nghĩ ra cách biến rác thành thứ có thể sử dụng được thì mới hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường. Ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy chị ngay cả lúc lên giường ngủ. Ý tưởng có cơ may thành hiện thực khi năm 2012, chị được cử sang Philippines dự hội thảo phát triển cộng đồng nghèo châu Á. Được nghe nhiều chuyên gia thuyết trình về những việc làm cải tiến giúp ích cho xã hội – cộng đồng, trong đó có phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Trở về từ chuyến đi ấy, chị mày mò thực hiện. Nhiều người lắc đầu bảo chị khùng khi thấy chị suốt ngày cứ loay hoay bên những thùng đựng rác thải, rồi về nhà mua dụng cụ cất, ủ rác… Dăm bảy lần thất bại, trầy trật đến ba năm, chị mới thành công. “Thành công rồi, tôi mang sản phẩm đi kiểm định chất lượng. Cũng trầy trật khi ngành chức năng hỏi tôi đó là chất gì. Tôi bảo, nếu biết rõ thành phần thì tôi không phải đưa đi xét nghiệm và kiểm định chất lượng. Cuối cùng, sản phẩm ấy cũng được kiểm định thành phần. Ngày cầm trên tay tờ giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, tôi mừng rơi nước mắt”, chị Hồng nhớ lại. Các dòng sản phẩm khác như nước rửa chén, nước lau nhà và nước giặt sinh học làm từ rác thải tiếp tục được chị nghiên cứu thành công.
Sáng chế ra sản phẩm, đã được kiểm định khẳng định sản phẩm sinh học an toàn cho người sử dụng, nhưng chị bảo, lúc đó chị cũng lúng túng chưa biết làm những gì tiếp theo để bảo vệ sáng chế của mình cũng như giới thiệu với nhiều người khác. Rồi chị may mắn gặp một phóng viên làm cầu nối, ít lâu sau, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở KH&CN đến tận nơi khảo sát, rồi Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND quận Liên Chiểu cũng lần lượt đến tìm hiểu chế phẩm của chị. Chị được Sở KH&CN được hỗ trợ làm logo để đưa sản phẩm ra thị trường sau khi kiểm định. Đầu năm 2016, dự án của chị được tuyển chọn là 1 trong 8 dự án đầu tiên được ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
San sẻ yêu thương
Chị Hồng kể, ngay trong thời điểm miệt mài nghiên cứu các chế phẩm, chị nhận tin mình bị ung thư vú. Nhiều lúc định dừng việc nghiên cứu lại nhưng nghĩ đến sản phẩm ra đời sẽ giúp ích được cho bà con nghèo nên chị gượng dậy, vừa điều trị bệnh, vừa nghiên cứu tiếp tục. “Khi thành công, tôi không nghĩ mình sẽ mở công ty như bây giờ. Lúc đó tôi bày cách cho bà con làm để kiếm thu nhập nhưng hình như việc cứ chọn tôi. Nên cuối cùng tôi quyết định mở công ty và đưa ra kế hoạch trực tiếp hướng dẫn, thu mua sản phẩm cho bà con nghèo, phụ nữ đơn thân không còn tuổi lao động…”, chị nói.
Chị Hồng bảo, dù đã khởi nghiệp thành công nhưng chị vẫn thường xuyên có mặt trong các diễn đàn khởi nghiệp, sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm cho các bạn trẻ nếu họ cần. Bởi cuộc sống cho đi cái gì mình sẽ nhận lại được cái ấy. |
Mở công ty, chị tạo công ăn việc làm cho hơn 90 lao động nghèo, thời điểm nhiều nhất lên đến 126 lao động. Chị kỹ càng trong khâu chọn lựa để truyền đạt kiến thức, tạo việc làm. Mỗi tháng, cơ sở của chị xuất khoảng 5.000 lít thành phẩm cả ba dòng sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà và nước giặt sinh học. Thu nhập đem lại cho mỗi lao động tầm 4 đến 5 triệu đồng. Sáng chế của chị từng được nhiều nhà đầu tư tìm đến đặt vấn đề mua bản quyền, những cuộc thương thảo có khi lên đến con số 5 tỷ đồng nhưng chị vẫn lắc đầu từ chối. Chị bảo, duy trì công ty của riêng mình là cách giúp bà con nghèo khó có cơ hội việc làm, kiếm thu nhập. Nếu bán bản quyền thì bà con mất nốt việc làm trong khi họ không đủ sức để đi làm việc khác, và phần khác biết đâu sẽ không thể hạn chế được ô nhiễm môi trường ở khu dân cư khi mà bà con không tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.
Duy trì phát triển công ty tái chế sản phẩm sinh học từ rác thải, chị Hồng còn tham gia Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận. Mỗi tháng, chị đều đặn có mặt trong các chương trình từ thiện bữa cơm cho bệnh nhân tâm thần, học bổng cho học sinh nghèo…
Lặng thầm cống hiến, chị bảo đó là cách chị tri ân với cuộc đời, với những tấm lòng thơm thảo đã dang rộng vòng tay đối với chị. “Hơn 1 tháng tuổi, tôi mồ côi mẹ. 6 tháng tuổi tôi mồ côi cha. Ngày ấy, chị gái lớn nhất của tôi vừa tròn 17 tuổi, một tay chăm 4 đứa em thơ. Nếu không nhờ sự san sẻ của bà con lối xóm từng bát cơm, hộp sữa thì hẳn bây giờ tôi không có cuộc sống như hôm nay”, chị Hồng rưng rưng kể.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)