Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người “bố” tận tụy

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Mạnh đang hướng dẫn các “con” của mình đóng tập

“Vì các con bố học tập. Vì các con bố làm việc. Cả cuộc đời bố sẽ dành trọn cho các con” – đó là điều mà ông Nguyễn Đức Mạnh luôn tâm niệm. Năm nay 63 tuổi, chưa từng lấy vợ và sinh con nhưng hiện ông được… 53 đứa trẻ gọi bằng “bố”.
Tuổi thơ của ông Mạnh chịu nhiều thiệt thòi, cha mất khi ông vài tháng tuổi, mẹ quyết định ở vậy nuôi con khôn lớn. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ, ông đã sớm trăn trở trước những cảnh đời không may. Ban đầu, ông chỉ nhận nuôi vài ba em. Sau này, nhờ có sự giúp đỡ của gia đình, bè bạn cùng các mạnh thường quân, ông mạnh dạn xin phép và được UBND Q. Tân Phú, TP.HCM đồng ý cho mở Mái ấm Sơn Kỳ tại số 243, đường Tân Quý, P. Tân Quý. Số trẻ được nhận nuôi ngày một nhiều thêm và hiện nay đã lên đến 53 em.
Một cách dạy “con” hiệu quả
Ông Mạnh rất tự hào khi khoe những cuốn sổ do những đứa trẻ ở mái ấm tự đóng lấy, trong đó nhiều câu tiếng Anh, các bài văn do các em viết hoặc sưu tầm. Theo ông, việc đưa ra đề tài cho các em tự thực hiện như thế sẽ giúp các em lấy lại niềm tin vào bản thân, cảm thấy mình có ích. 53 đứa trẻ là 53 tính cách, 53 mảnh đời. Đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa còn cha hoặc mẹ nhưng người cha, mẹ đó lại lâm cảnh nghiện ngập, túng quẫn… Do các em sớm chịu nhiều mất mát, thiếu sự giáo dục đàng hoàng nên việc nuôi dạy “đàn chim non” này trong những ngày đầu thật lắm chông gai. Ông luôn chú trọng đến việc giúp các “con” hình thành tính thành thật, đoàn kết và lòng yêu thương con người. Mỗi em đều có hai cuốn sổ, một để tự đánh giá việc chấp hành nội quy trong mái ấm, một để tự đánh giá về quá trình sửa chữa những lỗi, thói xấu hàng ngày hay mắc phải như lười học, nóng nảy, chửi tục, hỗn với người lớn… Ông Mạnh chủ trương dùng tình thương yêu cảm hóa các “con” thay vì roi vọt. Khi đứa “con” nào làm sai và biết nhận lỗi, ông chẳng những không phạt mà còn biểu dương. Dần dần, cảm nhận được tấm lòng của ông, bọn trẻ đã biết tự sửa mình cho tốt hơn, ngoan hơn bởi “chúng không muốn làm cho bố phải buồn” – ông Mạnh vui vẻ nói.
Bên cạnh việc giáo dục nhân cách, việc học văn hóa, tập luyện thể thao, giải trí của các “con” cũng được ông Mạnh chú trọng. Giờ chơi, giờ học được sắp xếp thật cân đối. Bậc tiểu học được học ngay tại mái ấm. Đối với những trẻ ở cấp cao hơn, ông liên hệ với trung tâm GDTX cho các “con” học hệ bổ túc. Ngoài ra, nhằm giúp các “con” có được nền tảng tốt trong tương lai, thường ngày ông mời thầy, cô về dạy thêm tiếng Anh và vi tính. Đa phần các em hiện nay đều nói ngoại ngữ khá tốt, nhiều em đã biết sử dụng photoshop. Ông Mạnh tâm sự: “Bọn trẻ khá thông minh, nếu được giáo dục tốt, tôi tin chúng sẽ thành người có ích cho xã hội”.
“Gia đình” sẽ đông hơn…
Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ông Mạnh rất nhiều lần nhắc đến hai chữ “gia đình”. Cùng sống dưới một mái nhà, các “con” luôn được dạy phải biết yêu thương và giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Những đứa lớn giúp ông trông chừng cũng như bảo ban các em nhỏ. Qua đó, giúp cho chúng ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và với mọi người. Ngoài ra, vào các ngày chủ nhật, “bố con” ông lại mang những phần quà do các nhà hảo tâm tặng đi san sẻ cho các cụ già neo đơn hay các gia đình có con em bị ảnh hưởng của chất độc da cam trên địa bàn. Nói về dự định sắp tới, ông cho biết cuối năm nay sẽ chuyển toàn bộ về địa chỉ mới ở Q.12 để các “con” được tập trung một chỗ, thay vì phải chia làm hai chỗ như hiện nay. Xa hơn, ông mong muốn mình sẽ có điều kiện mở rộng thêm mái ấm để có thể nhận nuôi thêm nhiều “đứa con” nhỏ nữa.
Bài, ảnh: Công Luận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)