Hội nhậpGiáo dục phát triển

Người bồi bổ tâm hồn cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô Nguyễn Thị Đức – Hiệu trưởng nhà trường
Tiết trời cuối năm se lạnh, chúng tôi có dịp về thăm lại Trường Mầm non Phước Bình (Q.9). Tất cả vẫn không có gì thay đổi ngoài bức tường được quét vôi lại sạch sẽ, thoáng mát hơn. Ngồi tiếp chuyện, trông cô Hiệu trưởng vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát, nhưng cô nói sắp về hưu làm chúng tôi có chút bất ngờ.
Người mà chúng tôi muốn nói ở đây là cô Nguyễn Thị Đức – Hiệu trưởng nhà trường – một người làm chuyên môn và lãnh đạo lâu năm. Cô Đức tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Nuôi dạy trẻ Trung ương II, tôi về làm giáo viên ở nhiều trường mầm non tại Q.Thủ Đức, rồi vài năm sau được lên làm cán bộ Tổ mầm non thuộc Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức và sau đó là Q.9. Năm 2003, tôi về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thạnh, hai năm sau chuyển công tác sang Trường Mầm non Phước Bình; từ đó tôi gắn bó với ngôi trường này đến nay”. Có lẽ ai cũng có những kỉ niệm buồn vui, riêng cô chia sẻ: “Lúc tôi về làm cán bộ ở Q.Thủ Đức, khoảng năm 1986, thời điểm đó địa bàn Thủ Đức rất rộng, sáng khoảng 4 giờ ngủ dậy chưa kịp ăn cơm đã đạp xe xuống từng đơn vị để kiểm tra, nhiều lúc vừa đói vừa mệt lả cả người. Tối về tới nhà thì gia đình đã đi ngủ nhưng vì trách nhiệm nên mọi khó khăn tôi đều phấn đấu vượt qua. Công việc cực khổ là vậy nhưng tôi rất vui vì lúc nào cũng hoàn thành tốt, được các cấp ngành đánh giá cao”.
Khi tiếp quản ngôi trường này, suốt gần 10 năm qua những khó khăn và thách thức luôn là mối quan tâm lớn nhất của cô. Nhiều đêm cô nằm suy nghĩ phải làm sao để tạo ra cho ngôi trường một môi trường thân thiện, gắn với thương hiệu riêng. Để đạt được điều đó cô cùng giáo viên nhà trường ra sức chỉnh trang, cải tạo môi trường, phòng học, sân chơi… và nay trường đã có nét đẹp riêng của một ngôi trường vùng ven. Trong chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, internet, cũng như từ đồng nghiệp để từ đó có thêm những kiến thức bổ ích giúp cho việc nuôi dạy trẻ tốt hơn. Ví dụ điển hình là nhà trường đã kết hợp với cha mẹ học sinh tìm các vật liệu có sẵn từ địa phương để tạo ra những đồ chơi dân gian, vừa tiết kiệm chi phí vừa phục vụ cho công tác giảng dạy. Đây là hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy được lãnh đạo ngành học mầm non luôn chỉ đạo các trường trong những năm qua…

Tập thể sư phạm nhà trường

 
Chúng tôi được biết, cô Đức đã cống hiến hơn 30 năm cho ngành giáo dục. Cô đã bỏ qua tuổi thanh xuân của mình để gánh trên vai trách nhiệm làm mẹ của những mầm xanh tương lai. Khi chúng tôi hỏi cô có chút gì hối tiếc khi chọn cho mình một ngành luôn cần sự chịu đựng, sự thiệt thòi cho bản thân, thay cho câu trả lời, cô hướng cặp mắt về nơi các cháu đang nô đùa, ánh mắt đó chúng tôi thầm hiểu cô yêu trẻ đến dường nào. Chợt chúng tôi nhớ lại câu thơ ai đó đã từng viết “… chưa làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ, bởi yêu nghề nên quý lớp măng non”. Vâng! Hơn lúc nào hết chúng tôi hiểu cô đang nghĩ gì – một ước mơ được làm mẹ, mẹ của những đứa trẻ đang nô đùa trước mắt mình.
Những gì cô cống hiến lâu nay đã mang lại kết quả đáng tự hào cho nhà trường cũng như cá nhân cô. Gần đây, cô là một trong những cá nhân điển hình trong Tập kỷ yếu giai đoạn 2011-2013 của ngành giáo dục giới thiệu về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và tiêu biểu của ngành GD-ĐT TP.HCM.
Đăng Tuấn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)