Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Người cán bộ quản lý trước yêu cầu đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Rèn luyện phẩm chất năng lực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của người cán bộ quản lý giáo dục trong xu thế đổi mới và hội nhập.

Tiết học mẫu về đổi mới phương pháp giảng dạy tại Trường Tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận)

Đây là mục tiêu hướng đến của Hội thảo khoa học “Vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 8-4.

Với 26 tham luận sinh động và phong phú của các đại biểu là những nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý giáo dục từ cơ sở đến Trung ương, hội thảo tập trung đưa ra những vấn đề then chốt về nhiệm vụ xây dựng và phát huy nguồn nhân lực thông qua vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục.

Người cán bộ quản lý với trách nhiệm nặng nề

Trong công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam không thể phủ nhận vai trò tối quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Là một trong những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục, GS.TSKH Thái Duy Tuyên chỉ rõ, trong lúc xã hội đặt ra nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực đó được cụ thể hóa là một thế hệ thanh thiếu niên trở thành công dân toàn cầu với những phẩm chất cần thiết. Đó là lòng yêu nước, cần kiệm hiếu học, nhân ái hữu nghị hợp tác, liêm chính trung thực kỷ luật. Nhưng như thế cũng chưa đủ nếu thiếu năng lực về kiến thức khoa học công nghệ hiện đại, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành và kỹ năng vận dụng kiến thức. Có thể coi nguồn nhân lực chất lượng cao chính là gia tài vô cùng quý báu để làm nền tảng cho việc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) nhìn nhận phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoàn cảnh hiện nay đang trở thành vấn đề lớn, quan trọng cấp bách của các nhà trường: “Xây dựng nguồn nhân lực để phát triển xã hội là việc làm thường xuyên liên tục, là sự quan tâm hàng đầu của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tùy mỗi giai đoạn phát triển, nghị quyết của Đảng đều có chương trình hành động phù hợp”.

Nhiều tham luận đưa ra các biện pháp xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao xét trên nhiều bình diện khác nhau, bao gồm: Đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới tư duy quản lý trường học, đổi mới quản lý hoạt động dạy – học… Trước hết là chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm của người thầy nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Đề cập tới vấn đề này, TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – người có nhiều kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn quản lý từ cấp cơ sở đến cấp ngành) cho biết: “Công tác bồi dưỡng nhà giáo phục vụ yêu cầu đổi mới hiện nay cần tập trung nâng cao nhận thức về mục tiêu đổi mới, yêu cầu đổi mới và biện pháp đổi mới. Phải làm cho đội ngũ quán triệt yêu cầu đổi mới một cách sâu sắc để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ và phát huy lực lượng đúng hướng, hiệu quả”.

+ Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM): Hội thảo rất thiết thực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Thời gian qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có những bước chuyển biến tích cực về công tác nâng cao vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường. Hội thảo khoa học “Vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận và Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp tổ chức một lần nữa cho thấy sự quan tâm của ngành và các đơn vị về vai trò của người cán bộ quản lý giáo dục trước tình hình mới hiện nay. Đây là chương trình mang tính truyền thống giữa Báo Giáo dục TP.HCM và phòng GD-ĐT các quận/huyện trên địa bàn thành phố, được thực hiện từ nhiều năm qua mang ý nghĩa thiết thực góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà Nghị quyết 29 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 8 khóa 11 đã đề ra.

+ ThS. Võ Cao Long (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận): Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Để đổi mới giáo dục thành công, điều kiện cần thiết là đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ sức đảm đương nhiệm vụ, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Đội ngũ sư phạm trong mỗi trường học đạt chất lượng cao sẽ đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng trường học dân chủ, thành công trong nhiệm vụ giáo dục toàn diện, đào tạo nên những công dân Việt Nam phù hợp yêu cầu kinh tế, xã hội thời kỳ hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát huy đội ngũ sư phạm đạt chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng đối với người cán bộ quản lý giáo dục, yêu cầu người cán bộ quản lý giáo dục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: giáo dục tư tưởng chính trị, phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, xây dựng văn hóa nhà trường, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ về kỹ năng đổi mới giáo dục…

Ở góc độ khác, TS. Lê Ngọc Thạch (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM) đề xuất cần tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để họ có thể tự học và học tập suốt đời, giao lưu và hợp tác với giáo viên, giảng viên, đồng nghiệp cả trong nước và quốc tế. Dù đi bằng nhiều con đường học tập khác nhau nhưng người cán bộ vẫn về đích cuối cùng để nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý. Cụ thể hơn, ThS. Phan Tấn Chí (Phó Trưởng khoa Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM) cho rằng để xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhà trường hiện nay, người hiệu trưởng cần làm tốt 6 việc: nâng cao nhận thức; phát hiện bằng hết; thu hút bằng được; bồi dưỡng kịp thời; sử dụng khéo léo; đãi ngộ thỏa đáng.

Làm thế nào đáp ứng nguồn nhân lực cho tương lai?

Đổi mới quản lý hoạt động dạy – học là nhiệm vụ đòi hỏi người “thủ lĩnh” phải có con mắt nhìn xa trông rộng được hiện thực hóa bằng việc chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, đào tạo nên thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy mỗi đại biểu nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhưng đều có chung một quan điểm đồng nhất và khoa học. “Để xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều giải pháp và công việc cần làm, trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, bởi lẽ nó tác động trực tiếp và lan tỏa đến sự phát triển bền vững của đất nước và là cơ sở vững chắc để đón bắt những thành tựu khoa học – công nghệ mới phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, NGƯT.TS Ninh Văn Bình (giảng viên chính Trường ĐH Sài Gòn) khẳng định.  Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Gia Cầu (Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục) đề xuất biện pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao từ việc bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh để đào tạo nên thế hệ trẻ năng động, sáng tạo. Ngoài việc bồi dưỡng học sinh có hứng thú và động cơ tự học, tự bồi dưỡng, nhà trường còn giúp các em nắm vững nội dung cơ bản của bài học, môn học để từ đó hình thành kỹ năng tự học quan trọng thông qua việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của người thầy. Với quá trình 20 năm quản lý trường học, TS. Hà Thị Kim Sa (Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà) mong muốn đội ngũ sư phạm cần bền bỉ, kiên trì và quyết tâm trên con đường giáo dục toàn diện học sinh, tạo điều kiện để các em phát huy được năng lực giải quyết các vấn đề trong đời sống, có kỹ năng sống tích cực, có kỹ năng định hướng nghề nghiệp tương lai, nhằm tham gia vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Theo ThS. Nguyễn Văn Đến (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận), hiệu quả của đổi mới giáo dục thể hiện bằng kết quả xây dựng lối sống lành mạnh, giàu lòng yêu thương con người, có tinh thần đoàn kết, khát khao cống hiến đất nước cho thế hệ trẻ. Các bậc học phải tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, kỹ năng sống cho học sinh. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần những con người năng động, sáng tạo. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết đối với giáo dục trong giai đoạn mới là “tạo dựng được môi trường học thân thiện, tích cực có chất lượng giáo dục toàn diện và chuyên sâu, để học sinh yêu thích học tập và có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo, góp phần hình thành nhân cách người công dân tương lai cho đất nước”.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)