Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người cao tuổi cần được hưởng tuổi già trong tôn trọng, an sinh xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 18-3, Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và giới thiệu một số chuyên đề năm 2023.


Người cao tuổi TP.HCM tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin và định hướng chung những vấn đề về người cao tuổi Việt Nam; đánh giá vai trò của người cao tuổi trong xã hội, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi.

Bà đã nhấn mạnh vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, từ đó, hội người cao tuổi các cấp phải chủ động phối hợp với các cấp ủy, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện và sớm có các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi, chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần; tạo động lực để người cao tuổi cả nước tiếp tục đóng góp, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nêu gương sáng trong phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng” và được hưởng tuổi già trong tôn trọng, an sinh xã hội.

Cụ thể, tính đến tháng 4-2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người trong đó 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 trở lên; 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên; gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Giai đoạn  2009-2019, dân số tăng bình quân 1,14 %/năm, trong khi dân số cao tuổi tăng bình quân 4,35%/ năm; từ năm 2019-2021, bình quân tăng 600 ngàn người cao tuổi/ năm.

Nơi sinh sống chủ yếu của người cao tuổi ở nông thôn, chiếm 63,2%. Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi là 73,6 tuổi; tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,2, còn nữ giới là 76,4.

Theo bà Trương Thị Mai, người cao tuổi tiếp tục đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng bảo vệ tổ quốc. Với 6,5 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; 100 ngàn người làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh; hơn 350 ngàn người đạt danh hiệu làm kinh tế giới; 64% số hội viện hội khuyến học là người cao tuổi; và 656 ngàn người tham gia công tác Đảng hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, hiện nay có không ít thách thức đặt ra, Việt Nam đã bước vào già hóa dân số, dự báo đến năm 2036 sẽ chuyển sang dân số già. Quá trình này ngắn hơn nhiều so với các nước khác như Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Nhật Bản 26 năm.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, già hóa dân số ảnh hưởng đến năng suất lao động, thị trường lao động, thu nhập, bất bình đẳng xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chính sách bảo trợ xã hội. Số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi khoảng 64 năm; mô hình bệnh tật thay đổi nhanh, có nhiều bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư… Người cao tuổi thường phải gánh nặng bệnh kép, cứ trung bình người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên mắc 3 bệnh; 80 tuổi mắc 6 bệnh là nguyên nhân gây ra 75% các trường hợp tử vong, trong đó 40% tử vong trước 70 tuổi.

Trong khi đó, hiện nay số giường bệnh viện chuyên ngành hoặc cơ sở y tế, viện dưỡng lão, cán bộ y tế chuyên khoa, giường bệnh dành cho người cao tuổi rất thiếu. Hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi chưa đáp ứng nhu cầu; còn ít chương trình, công trình công cộng phục vụ lợi ích người cao tuổi. Sự di cư lao động từ nông thôn ra thành thị tăng nên một bộ phận người cao tuổi ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cái.

Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Người cao tuổi có vai trò, vị thế là nền tảng quan trọng của gia đình, nguồn lực quan trọng của sự phát triển xã hội, là lớp người có công lớn đối với gia đình, xã hội, đất nước; tiếp tục đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm  cống hiến cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc. Do vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng. Lồng ghép vấn đề già hóa dân số trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Bên cạnh đó, khuyến khích, phát huy người cao tuôi tham gia các hoạt động kinh tế xã hội. Chú trọng chính sách bảo hiểm xã hội; phát triển mạnh chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi. Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước; tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa người cao tuổi và với xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội người cao tuổi các cấp…”.

Cũng tại hội nghị, ông Trương Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã quán triệt các nội dung chính của Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thông tin tình hình kinh tế – xã hội trong nước và thế giới.

Hội nghị cũng được nghe lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương giới thiệu một số nội dung cơ bản trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)