Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người cấy cây lúa nước ở “rừng ma”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ tấm lòng và sự nhiệt tình của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng, người Vân Kiều ở bản Cù Bai hôm nay đã biết cuốc đất trồng cây lúa nước
Đã qua rồi cái thời bà con đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn quan niệm “hạt thóc là ngọc trời” vì thế không được bón phân, không trồng trên ruộng trũng. Chính vì thế cuộc sống của người dân ở đây thường thiếu ăn quanh năm. Từ một sào ruộng lúa nước đầu tiên tại bản Cù Bai (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) đến nay diện tích lúa nước đã phát triển lên hàng trăm héc ta trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông…
Bà con không những có cuộc sống đầy đủ mà con cái họ còn được đến trường học hành đàng hoàng. Câu chuyện cổ tích ấy được viết nên bởi người lính Cụ Hồ – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng…
Phá bỏ lời nguyền ở “rừng ma”
Ở vào cái tuổi 77, ông Đào Xuân Hướng trông vẫn còn minh mẫn lắm. Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt và câu chuyện cổ tích lúa nước ở thung lũng Cù Bai, người lính già Đào Xuân Hướng linh hoạt hẳn lên. Ông bảo rằng hồi đó, mảnh đất Cù Bai bị bom đạn Mỹ – ngụy đánh phá ác liệt ngày đêm nên được mệnh danh là “cửa tử”. Lúc bấy giờ, ông là chiến sĩ Trung đoàn 270 đóng chân tại địa bàn Cù Bai. Bộ đội thì đã có lương thực, thực phẩm chi viện từ miền Bắc, còn đồng bào dân tộc Vân Kiều do bị bom đạn phong tỏa nên bữa ăn chỉ có củ mài… Không thể để dân trong tình trạng đói kém thường xuyên, khoảng đầu năm 1957 Trung đoàn 270 đã cử ông cùng với đồng chí cán bộ Ban lãnh đạo miền núi (Đặc khu Vĩnh Linh) đi vận động dân trồng lúa nước.
Sau chục ngày trời lặn lội khắp khe suối, núi đồi của bản Cù Bai, ông mới chọn được khu “rừng ma” là địa điểm thuận lợi nhất cho việc trồng lúa nước. Thuận lợi là bởi khu “rừng ma” nằm gần con suối có thể lấy nước tưới lại nằm khuất sau quả đồi cao nên có thể tránh được bom, đạn. “Ngặt một nỗi, vận động đồng bào trồng được cây lúa nước đã khó, thuyết phục bà con phá bỏ khu “rừng ma” linh thiêng đối với họ còn khó gấp ngàn lần. Bởi lẽ, với người Vân Kiều thì mảnh đất an táng cho người chết trong dòng họ dưới tán rừng xanh mát được gọi là “rừng ma”. Họ bảo vệ “rừng ma” như để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình… Người Vân Kiều quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật của tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trong rừng, có sinh ra, lớn lên thì cũng phải chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, ngôi nhà để ở, nước để uống, nên khi chết chỉ trở lại với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi. Khi chết, người Vân Kiều sẽ chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời khấn nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Vậy nên, “rừng ma” trở thành linh hồn của dòng tộc người Vân Kiều. Phá bỏ “rừng ma” để làm lúa nước là đụng đến chốn linh thiêng của người Vân Kiều.
“Không lẽ đành bó tay để cái đói nghèo bủa vây bà con mình? Phải vận động dân bản cho phá bỏ “rừng ma” trồng lúa nước. Phải tạo được thế trận lòng dân, tạo được niềm tin cho dân mới đuổi được “con ma đói” và có điều kiện hỗ trợ bộ đội đánh quân xâm lược. Để làm được điều đó cần phải vận động các đảng viên trong thôn đi tiên phong”, người lính Cụ Hồ – Đào Xuân Hướng nghĩ thế và cùng đồng đội bắt tay thực hiện ngay kế hoạch.
Người được nhắm đến đầu tiên là hai ông Hồ Tơ, Hồ Cưng vốn là đảng viên từ thời chống Pháp và luôn năng nổ nhiệt tình với cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Tính thì tính như vậy, nhưng hai anh em cũng phải suy nghĩ đến phương án có thể hai ông Hồ Tơ, Hồ Cưng sẽ không bằng lòng vì họ vốn có mồ mả cha ông ở trong khu “rừng ma”. Không ngờ, mới chỉ đến đặt vấn đề, cả Hồ Tơ và Hồ Cưng đều bằng lòng ngay không chút do dự. “Hai ngày sau, tôi với anh Châu được ông Hồ Cưng, Hồ Tơ gọi đến họp dân để nói cho dân biết cái lợi của việc trồng lúa nước. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng vì một số dân bản không đồng tình với lý do làm lúa nước là đụng đến mồ mả và sợ giàng phạt giáng bệnh tật xuống cho dân bản. Ngồi lắng nghe ý kiến của dân từ đầu cuộc họp, đến lúc gay cấn nhất ông Hồ Cưng đứng dậy nói với dân bản như “đinh đóng cột” là Hồ Cưng sẽ tình nguyện làm thử, nếu giàng phạt thì chính Hồ Cưng sẽ chịu chết. Tất cả dân bản đồng tình cho Hồ Cưng làm. Sáng hôm sau, tôi, anh Châu cùng Hồ Cưng, Hồ Tơ và một số dân bản Cù Bai có mặt tại “rừng ma”. Hồ Cưng đứng yên lặng lẩm nhẩm khấn vái khoảng mấy phút rồi từ từ tiến đến vung rựa chặt cây. Theo chân Hồ Cưng, chúng tôi bắt đầu chặt cây trong “rừng ma”…”, ông Hướng nhớ lại.
Mất một tuần lễ chặt cây, phát cây mới tạo nên được đám ruộng hơn một sào. Có ruộng rồi nhưng lại không có cày, giống lúa… ông cùng ông Châu phải đi tìm thủ trưởng Trung đoàn 270 để nhờ thủ trưởng tìm trong trung đoàn một người đẽo cày giỏi, còn giống lúa thì anh Châu giao nhiệm vụ cho chị Hồ Thị Oi – một cán bộ trẻ có uy tín trong thôn băng rừng về Đặc khu Vĩnh Linh lấy giống. Đường cày đầu tiên xé vỡ từng mảng đất ngai ngái mỡ màu ôm lấy hạt lúa gieo xuống trước sự ngỡ ngàng của người dân bản Cù Bai. Trong suốt vụ lúa đó, từ khi gieo hạt cho đến khi lúa làm đòng, Hồ Cưng dựng ngay lán bên ruộng để canh chừng. Cuối vụ, một sào lúa nước của Hồ Cưng cho thu hoạch ba tạ thóc. Sau vụ lúa nước thành công ấy, dân bản Cù Bai rỉ tai nhau là Hồ Cưng trồng lúa trong “rừng ma”, bón phân lên hạt ngọc của giàng mà vẫn cứ sống khỏe lại có gạo ngon ăn. Thế là họ bắt đầu vào “rừng ma” chặt cây trồng gần hai mẫu lúa nước. Từ đó, lúa gạo không những đủ cho dân bản Cù Bai ăn mà còn cung cấp cho bộ đội chiến đấu chống Mỹ.
Hạt lúa “rừng ma” đã xóa đói nghèo
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ khi ông Đào Xuân Hướng cùng dân bản Cù Bai (xã Hướng Lập) phá bỏ “rừng ma” để vỡ vạc nên sào ruộng trồng lúa nước đầu tiên đến nay diện tích trồng lúa nước của hai xã Hướng Việt, Hướng Lập đã lên đến hơn 110ha. Bây giờ, mỗi năm lúa nước được đồng bào dân tộc Vân Kiều trồng hai vụ với năng suất lúa hàng năm đạt 4 tấn/ha/vụ. Không chỉ có dân hai xã Hướng Việt, Hướng Lập trồng lúa nước mà nhiều xã của huyện Hướng Hóa, Đakrông sau ngày hòa bình lập lại đã biết tìm những khoảnh đất cạnh khe suối để trồng lúa nước.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Hồ Sâm, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập (Hướng Hóa) phấn khởi nói: “Hiệu quả mà cây lúa nước mang lại cho đồng bào dân tộc Vân Kiều trong thực tế không cần nói thì ai cũng biết. Bởi để trồng một héc ta lúa rẫy mỗi năm cho thu hoạch cao nhất cũng chỉ được 4-5 tạ lúa và đổi lại dân bản phải chặt mất một héc ta rừng, còn lúa nước thì chỉ canh tác năm này sang năm khác trên chính diện tích đó mà thôi. Hiện tại cũng như lâu dài, cây lúa nước đã và đang góp phần đảm bảo nguồn lương thực cho người dân ở thung lũng Cù Bai”.
Với người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, niềm vui đó được nhân đôi “5 năm trở lại đây, 100% con em trong xã trong độ tuổi đến trường đều được học hành đàng hoàng. Không còn tình trạng bỏ học. Đặc biệt, ngôi trường THCS Hướng Việt nằm dưới chân đỉnh Sa Mù – nơi học hành của con em ở Hướng Lập, Hướng Việt – đã trở thành điểm sáng giáo dục trên địa bàn tỉnh”, ông Sâm tự hào khoe.
Chia tay bà con Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai, chúng tôi hẹn trở lại với bà con trong ngày hội Arieuping – mừng lúa mới. Thật khó có thể cắt nghĩa thành lời niềm vui của những người dân nghèo suốt từ đời này sang đời khác nhọc nhằn bám rẫy với phương thức “phát, cốt, đốt, trỉa” vẫn thiếu cái ăn nay đã có được bát cơm trắng ấm lòng, cũng nhờ đó con cái được đến trường học chữ đàng hoàng. Có một điều chắc chắn rằng, người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn mãi không quên công lao của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng – người khai sinh cho cây lúa nước giữa điệp trùng mây ngàn đá núi đem lại sự no ấm cho bản làng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)