Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người cha tội lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

TAND TP.HCM vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Ái Khanh (SN 1959, ngụ tại quận Gò Vấp) mức án tù chung thân về tội “Giết người”. Theo cáo trạng, Khanh từng có một đời vợ, đã ly dị và cùng chị T.T.T.X (SN 1982) sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, hai người có 2 con trai chung là cháu Khoa (SN 2005) và cháu Phong (SN 2009). Do mâu thuẫn, từ năm 2011, Khanh và chị X. sống xa nhau, chị X. một mình nuôi 2 con nhỏ. Với ý định giết chết con trai mình để chị X. ân hận nên 19 giờ ngày 4-1-2014, Khanh đưa cháu Phong đi chơi rồi hại con mình tử vong, sau đó Khanh tự đâm vào mình 5 nhát dao nhưng không chết.
P.V

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người cha tội lỗi!

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Đoàn Gia Lộc trong phiên xử phúc thẩm

Đang có một mái ấm hạnh phúc, vợ hiền con ngoan, người đàn ông ấy… ham chơi rồi trượt dài trên những sai lầm. Kết cục của thói tật này là mái ấm gia đình rơi vào thảm cảnh.
Sáng 11-12, TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm, xét xử bị cáo Đoàn Gia Lộc (SN 1978, trú tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) tội giết người. Nạn nhân là chị Phan Thị Minh Trang – vợ Lộc. Từ diễn biến phiên tòa có thể tóm lược nội dung án mạng: Năm 2001, Lộc và Trang kết hôn, có với nhau hai mặt con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Do Lộc thường xuyên chơi đá gà ăn tiền dẫn đến vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Thất vọng về chồng, ngày 30-11-2011, Trang đòi ly hôn và yêu cầu chồng đưa giấy đăng ký kết hôn cho mình nhưng Lộc không đồng ý khiến hai bên cãi vã. Trong lúc gây nhau, thấy vợ đang cầm dao làm đồ ăn trong bếp, Lộc lao tới giật lấy rồi bất ngờ đâm hai nhát liên tiếp lên người vợ. Nạn nhân đau đớn chạy vội ra sân kêu cứu song vết thương quá nặng nên đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Phần Lộc cũng tự sát ngay sau đó nhưng bất thành. Tháng 8-2012, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử, tuyên phạt Lộc mức án chung thân. Lộc kháng cáo, mong một mức phạt có thời hạn để sớm về lo cho các con.
Ham chơi và trượt dài
Vợ chồng Lộc đã có một chặng đời hạnh phúc. Gần 4 năm yêu rồi mới kết hôn, thời gian đủ để cả hai hiểu thấu về nhau. Khi ấy, Lộc là một thanh niên giỏi giang, biết suy nghĩ cho gia đình và là niềm tự hào của ba mẹ trong số các anh chị em. Hết mực yêu vợ, thương con nên thời gian đầu, Lộc chí thú làm ăn chăm lo cho tổ ấm bằng cách huy động vốn từ bạn bè, người thân mở một xưởng hạt điều. Cuộc sống thuận hợp, khấm khá những tưởng là nền tảng để gia đình càng hạnh phúc hơn. Nào ngờ, có chút tiền trong tay, Lộc bỗng dưng… sinh tật, thay đổi tính tình. Thấy nhiều người rảnh rỗi ôm gà đi đá với nhau, Lộc nổi máu muốn tham gia. Ban đầu chỉ là trò vui đùa song Lộc ngày càng “lậm” vào thứ trò chơi này khi mà đá gà từ là thú giải khuây được nâng lên thành mức chiến – bại, ăn – chia với trị giá “cá độ” đến hàng chục triệu đồng. Tài sản hai vợ chồng Lộc tạo dựng theo đó lần lượt “đội nón ra đi”. Đã dùng hết lời khuyên nhủ, năn nỉ chồng không thành, Trang còn bị Lộc trút giận, trút thất bại sau mỗi lần thua độ bằng những cú đánh đập vô tâm. Hạnh phúc rạn nứt theo cơn chán ngán trong lòng người vợ trẻ đối với người chồng vũ phu, ham mê cờ bạc, bỏ bê gia đình. Nhiều lần Trang viết đơn ly hôn mong chấm dứt bi kịch song phần vì Lộc giấu nhẹm giấy đăng ký kết hôn, phần thương con vắng cha nên chị lại thôi. Cứ thế, sự bức xúc dâng đến đỉnh điểm, Trang muốn ly hôn để thoát khỏi người chồng vô tâm nhưng buổi sáng hôm ấy thì bi kịch đã xảy ra…
Nỗi đau còn lại
Phòng xử B của tòa tối cao. Khi được hỏi vì sao ra tay với người vợ đầu ấp tay gối và là mẹ của hai đứa con mình, Lộc không gợn chút thành khẩn, nghênh mặt đáp: “Tại bị hại cầm dao như một sự… khiêu khích bị cáo”. Câu nói khiến bao người có mặt ngỡ ngàng, chậc lưỡi. Chỉ đến khi nhắc tới con, Lộc mới rưng rưng nói lời hối hận đã đẩy gia đình đến thảm cảnh, khiến các con trong tích tắc mất mẹ, cũng không còn hơi ấm, chỗ dựa của người cha từ đây. Ngoài phòng xử, con gái của Lộc thỉnh thoảng nhìn cha, đôi mắt ráo hoảnh, gương mặt gợn một nỗi buồn. Suốt phiên xử cho đến giờ nghị án xong, tòa tuyên bác kháng cáo của Lộc, y mức án chung thân và khi tòa bế mạc, chiếc xe bít bùng đưa Lộc về trại giam, cô bé vẫn giữ nguyên gương mặt ấy, ánh mắt ấy nhìn về phía cha. Không một lời nói. Trong lòng em, có lẽ nỗi đau mồ côi, nỗi đau mất mẹ gây nên từ chính người cha tội lỗi của mình quá lớn, đọng lại thành vết thương sâu hoắm khiến em khó lòng tha thứ.
Nỗi đau của em còn là bi kịch chia rẽ thâm tình. Sau ngày xảy ra vụ án, mối quan hệ giữa gia đình hai bên nội ngoại như có hố sâu ngăn cách. Và hai đứa trẻ phải sống cảnh chia đôi… “vỹ tuyến”: Đứa theo nội về tận Vũng Tàu, đứa sống với ngoại tại Bình Phước, hiếm có cơ hội gặp nhau. Phiên phúc thẩm, phía ngoại không đến dự cũng đồng thời có nghĩa đã dập tắt hy vọng của cô gái nhỏ mong gặp lại đứa em gánh chung nỗi đau như mình.
Bài, ảnh: Yên Thanh
Phiên tòa đọng lại những giọt nước mắt ăn năn chảy dài trên gương mặt người cha tội lỗi trong cái nhìn đau đáu dành cho con. Thế nhưng, cô con gái của Lộc đã quay đi trốn ánh mắt này…