Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Người chăn nuôi lại méo mặt vì gia cầm

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, đàn gia cầm, nhất là gà tam hoàng, gà công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL tăng chóng mặt. Giữa lúc hàng triệu con gà đến thời điểm "xuất chuồng" thì giá trên thị trường tụt giảm thê thảm, trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục khiến người chăn nuôi khốn đốn.

Điều đáng lo ngại hơn, trong khi gia cầm tăng “nóng” thì vaccine phòng cúm AH5N1 không còn, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vào cuối năm đang cận kề…

Đổ xô vào nuôi gà,người chăn nuôi lại điêu đứng vì giá xuống thấp.
 

Một xã nuôi hơn nửa triệu gia cầm

Ông Nguyễn Hồng Sơn, người nuôi gà tam hoàng chuyên nghiệp ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi ở thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc đang phát “sốt” vì gà. Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, đàn gà tam hoàng tăng đến mức chóng mặt. “Do tháng 8 và 9 vừa qua, giá gà tam hoàng quá cao, có thời điểm lên gần 50.000 đồng/kg gà lông, thấy có lãi nên người dân đổ xô vào nuôi”, ông Sơn nói.

Ông Đặng Quốc Khánh, chủ trại gà tam hoàng trên 50.000 con ở xã Bão Hòa, Xuân Lộc buồn rầu nói: gia đình tôi nuôi gà quanh năm, trong trại lúc nào cũng có gà bất kể giá cao hay thấp. Nhưng một số hộ chỉ căn me giá thị trường lên mới nhảy vào đầu tư nuôi, khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm.
Từ đầu tháng 10 đến nay, theo Trung tâm thú y vùng IV, đàn gà khu vực các tỉnh miền Đông tăng khoảng 30% so với trước. Tổng đàn hiện nay lên tới khoảng 100 triệu con.
Tại Long An, theo ông Đinh Văn Thế, chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Long An thì chỉ trong một tháng, đàn gia cầm của địa phương này tăng thêm 4 triệu con, lên 10 triệu như hiện nay là quá khủng khiếp. “Riêng xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, người dân nuôi nửa triệu con gà”, ông Thế cho hay.
 

Điêu đứng vì gà

Nhu cầu nuôi tăng lên đã đẩy con giống trên thị trường lên 10.000-12.000 đồng/con, tăng 4.000-5.000 đồng so với trước. Ngoài ra, do tác động tỷ giá và nguyên liệu thế giới tăng cao cũng khiến giá thức ăn chăn nuôi “nhảy” giá liên tục. Một kg thức ăn hiện giao động 8.400-8.700 đồng, tăng 2.000 đồng so với thời điểm tháng 8, tháng 9/2010.

Ông Khoa, một chủ trại chăn nuôi ở Biên Hòa, Đồng Nai ngao ngán nói: “Trại gà gia đình tôi sử dụng hết công suất khoảng 310 tấn thức ăn mỗi tháng. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, giá 1 kg thức ăn tăng thêm 400 đồng/kg, tức phải bỏ ra thêm 124 triệu đồng/tháng".
Với giá con giống và thức ăn như hiện nay, theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành gà tam hoàng giao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg, gà trắng công nghiệp 23.000-24.000 đồng. Ông Đặng Quốc Khánh cho biết: “từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi mới có lợi nhuận được đúng hai tháng (8 và 9), nay giá gà lại giảm dưới giá thành. Hơn 50.000 con gà của gia đình nếu bán dịp này, phải chịu lỗ ít nhất 2.000 đồng/con, tức 100 triệu đồng”. Còn những hộ nuôi gà trắng công nghiệp thì đang chịu lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Mười tháng đầu năm nay, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi tính toán giá trị nhập khẩu nguyên liệu gần 2 tỉ USD. Tỉ giá tăng làm tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ tính hết vào giá bán và người chăn nuôi, nhất là nuôi gà với giá sản phẩm đang thấp hơn giá thành như hiện nay, thì hầu hết phải gánh chịu thua lỗ.
Nguy cơ dịch tái phát
Hơn 10 triệu con gia cầm ở Long An hiện nay chưa tiêm vaccine cúm gia cầm. Ông Đinh Văn Thế nói vui: "Những ngày này đang phải “lạy trời” dịch cúm đừng tái phát, vì điều kiện thời tiết lạnh, mừa phùn đang ở giai đoạn rất “lý tưởng” để H5N1 tấn công đàn gia cầm. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị cục Thú y cấp vaccin từ tháng 8/2100 nhưng nay là đầu tháng 11 rồi mà vẫn chưa có".
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc trung tâm thú y vùng IV, với mật độ chăn nuôi dày đặc như hiện nay, thì nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát là rất lớn. Thời tiết các tháng cuối năm thuận lợi cho virus cúm tái phát. Nếu không tiêm phòng đầy đủ thì đàn gà không có kháng thể, rất dễ để virus tấn công.
Theo ông Thế, những trại chăn nuôi chuyên nghiệp thì không sao, còn những hộ thấy có lời mới nhảy vào nuôi mới đáng lo ngại. Họ chưa có kinh nghiệm, thập chí thiếu ý thức, nếu dịch bùng phát sẽ lây lan nhanh.
Nguồn SGTT

Bình luận (0)