Em Nguyễn Thị Thúy chia vui với “mẹ” Vân về hai chiếc HCV vừa giành được |
“Khi sinh ra, dù may mắn hay bất hạnh thì trong mỗi con người đều ẩn chứa niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Vì thế, ngoài cái tâm nghề nghiệp, tôi luôn dành cho các con tình yêu thương của người mẹ, mong góp phần nhỏ bé giúp các con vượt qua mặc cảm, hướng tới tương lai tươi sáng hơn”.
Xuất phát từ chữ tâm ấy, suốt 12 năm liền chị tự nguyện làm huấn luyện viên tình nguyện cho môn thể thao bơi lội của người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Không những thế,5 năm trở lại đây, chị đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 5 học trò tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị là Nguyễn Thị Hồng Vân, bạn bè và đồng nghiệp thường gọi chị một cách trìu mến là người “chèo” những chuyến đò nghiêng.
Nhận về mình phần… gian khổ
Tôi tìm gặp chị ở bể bơi tổng hợp thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Lúc chị đang say sưa hướng dẫn các vận động viên khuyết tật từng cử chỉ, động tác trên đường bơi. Người phụ nữ ấy tầm 50 tuổi, khuôn mặt sạm đen vì nắng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng ở chị vẫn toát lên vẻ phúc hậu của người mẹ thảo hiền. Chị Vân nhớ lại: “Một lần, trên đường đi làm về chị bắt gặp một cô bé đầu quấn vành tang trắng, tay cầm xấp vé số ướt nhoẹt, đang khập khiễng lê từng bước chân khó nhọc dưới cơn mưa tầm tã. Hỏi ra mới biết mẹ em vừa mất, gia đình khó khăn nên em phải đi bán dạo vé số kiếm tiền đóng học phí”. Hình ảnh cô bé tật nguyền đi trong mưa cứ ám ảnh mãi vào giấc ngủ của chị hằng đêm. Trong thâm tâm, chị luôn muốn làm một việc gì đó để giúp những mảnh đời kém may mắn.
Cách đây 12 năm, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh quyết định thành lập đội thể thao người khuyết tật. Đang có cuộc sống hạnh phúc, yên ổn với vợ chồng con cái đề huề, công việc hành chính văn phòng khá an nhàn, chị lại tự nguyện nhận nhiệm vụ làm huấn luyện viên tình nguyện môn bơi lội, một công việc mà rất nhiều đồng nghiệp của chị ái ngại lắc đầu: “ôm rơm nặng bụng”.
Những ngày đầu mới nhận công việc, ngày nào chị cũng phải đi xa hàng chục cây số, len lỏi đến từng bản làng ở các xã vùng sâu, vùng xa để tìm vận động viên. Chị Vân tâm sự: “Tìm được các em đã khó, giúp những đứa trẻ thiếu khuyết một phần thân thể ấy hòa nhập cộng đồng thật chẳng dễ dàng chút nào”. Hàng ngày chị phải bỏ ra phần lớn thời gian theo sát các em, hướng dẫn từ cử chỉ, nhịp thở cho đến động tác nổi trên mặt nước. Chị bảo: “Công việc của chị ngoài cái tâm nghề nghiệp, phải có cả tấm lòng. Người huấn luyện viên của trẻ khuyết tật đồng thời phải là người tình nguyện viên đắc lực nhất, là bác sĩ tâm lý, là người mẹ, người chị, người bạn thân thiết của các em”. Để các em vượt qua mặc cảm về bản thân, đủ tự tin sải mình trên đường bơi cho đến bục vinh quang là một quá trình làm việc miệt mài bằng cái tâm tận tuỵ của chị, cái tâm ở đời giản dị thường nhận về mình một chút thiệt thòi.
Giúp các “con” chiến thắng bản thân
Chị kể: “Cách đây 5 năm, khi kinh tế gia đình tạm ổn định, chị bàn với chồng về tâm nguyện nhận nuôi những đứa trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa bày tỏ tâm tư, chị lo chồng từ chối, nhưng không ngờ anh ủng hộ chị rất vui vẻ”. Sau nhiều suy nghĩ, chị quyết định chọn 5 em có hoàn cảnh khó khăn nhất về nuôi dạy, chăm sóc.
Ngôi nhà nhỏ bé của vợ chồng chị nằm sâu trong con hẻm nhỏ, đường Nguyễn Trãi, thị xã Đông Hà, dù có phần chật hẹp nhưng vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Tôi để ý thấy chị dành riêng một chiếc tủ đứng to để cất giữ hơn 100 chiếc huy chương của các em. “Đó là thành quả của 5 đứa con trong 5 năm qua đấy”, chị Vân tự hào khoe. Bất ngờ hơn nữa là cô bé bán vé số dạo ngày nào giờ đã trở thành vận động viên xuất sắc của tỉnh nhà. Em là Lê Thị Dung, ở phường Đông Giang (thị xã Đông Hà). Chị Vân xoa đầu con, cười hiền: “Ngày đầu, hễ chạm chân xuống nước là con hét toáng lên, thế mà bây giờ nó đã giành hàng chục huy chương vàng từ các kỳ Paragames”. Năm 2005, Dung vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng ba và bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Dung xúc động: “Thành tích của em là công sức của mẹ Vân đấy, nếu không có mẹ, không biết bây giờ cuộc sống của em sẽ đi về đâu”.
Ngoài Dung, còn có 4 em nữa đến từ các huyện miền núi khó khăn. Hiện có 2 em đang theo học lớp 11, 2 em còn lại và Dung đang học ở Trường Trung cấp và nghề may. Thấy tôi ái ngại về khoản chi tiêu cho các cháu ăn học, chị cười hiền: “Quả thật có thêm các cháu thì cuộc sống vợ chồng chị khá vất vả, nhưng chị nghĩ khổ một tí mình chịu khó được, chủ yếu là cố gắng cho các cháu một mái ấm gia đình. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” em à!”.
Tôi thầm cảm phục tấm lòng nhân ái của chị, một người phụ nữ Việt Nam giàu đức hi sinh và lòng nhân hậu. “Điều hạnh phúc nhất với tôi là giúp các con có số phận kém may vượt lên chính mình để giành chiến thắng”, chị nói với tôi lúc chia tay.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)