“Hoàng ơi, đi học” – “Cháu chờ Hoàng tí, hôm nay nó đi bán vé số về muộn, giờ đang thay quần áo”. Tối nào cũng vậy, sau một ngày lao động mưu sinh, những đứa trẻ nơi đây lại cắp sách đến lớp học của cô giáo Hạnh "để tìm con chữ".
Những bóng điện đường bật sáng, tiếng gọi nhau đi học í ới của những đứa trẻ vạn đò phường Kim Long, TP Huế làm nhộn cả một vùng.
Đều đặn mỗi ngày cứ đúng 7h tối, cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh (53 tuổi) lại lên phòng học số 3 Trường Tiểu học số 1, cơ sở 2 Kim Long (khu vực 6, phường Kim Long) để bắt đầu buổi dạy học cho trẻ vạn đò khu vực 6, Kim Long.
Một buổi lên lớp của cô giáo Hạnh.
Tiếp bước đến trường
Vừa tròn 53 tuổi, cô Hạnh (ở 172 Nguyễn Phúc Thái, phường Kim Long, TP Huế) là người sở hữu nhiều "chức" nhất vùng: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trưởng nhóm Công tác xã hội, hội viên Hội Chữ thập đỏ phường, cộng tác viên dân số, y tế thôn, tổ. Học sinh trong lớp học của cô phần lớn là những đứa trẻ trong khu vạn đò Kim Long nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thất học, mù chữ vẫn còn là vấn đề "nóng" nơi xóm đò nghèo này.
Mệ Nguyễn Thị Chi (74 tuổi) cho biết, trẻ con ở đây ban ngày đứa thì theo ghe, thuyền bố mẹ đi đánh bắt, đi làm cát sạn, đứa thì đi mưu sinh. Nhóm khác chưa làm được gì thì được đi học chứ lên lớp 3, lớp 4 rồi cũng nghỉ học đi làm, nhiều đứa không biết đọc, không biết viết. Rồi cô Hạnh đến từng gia đình khuyên bảo, động viên, vận động các em đến lớp học vào ban đêm.
Nhiều em mới lớp 2, lớp 3 đã trở thành lao động chính trong gia đình, việc đi học ở trường đã không thể, mà việc đi học lớp ban đêm cũng không dễ vì bố mẹ bắt ở nhà đi ngủ sớm để mai đi làm. Nhóm học sinh này thì phải đến nhà vận động thường xuyên, cứ hai, ba ngày không thấy trò đến lớp thì cô phải về tận nhà vận động, thuyết phục gia đình. Đó là công việc của cô Hạnh ngoài giờ lên lớp, vì muốn duy trì lớp không còn cách nào khác, phải đi vận động. "Lớp học miễn phí hoàn toàn, không có sự ràng buộc giữa cô và trò nên việc duy trì sĩ số lớp là rất khó khăn, mặc dù vào đầu năm học mình có quà, tặng sách, vở, bút cho các em" – cô tâm sự.
Lớp học có 48 em có độ tuổi từ 9 – 18 tuổi, học từ lớp 1 – 5. Năm học vừa qua có 10 em đã học xong chương trình lớp 5 và được gửi hồ sơ, học bạ lên học lớp 6. Nhờ liên kết với Trường Tiểu học số 1, cơ sở 2 Kim Long nên những em học ở lớp học ban đêm này cũng được làm học bạ như những em học chính quy ban ngày. Sau khi học xong lớp 5 các em có đủ điều kiện sẽ được cô chuyển lên cấp 2 để học lớp chính quy. Trong những năm qua, hàng ngàn học sinh nơi đây đã được "tiếp sức đến trường".
Dắt trẻ vào đời
Vào năm 1999, cô Hạnh đã có gần 20 năm dạy xóa mù chữ cho người lớn, trẻ em vạn đò có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực bến Me dọc bờ sông Hương. Sau đó khu vực này được giải tỏa lên vùng Kim Long. Đến vùng đất mới, cô Hạnh lại tiếp tục "triệu tập" học sinh để "thực hiện sứ mệnh" của mình. Chồng cô làm nghề chạy xe, 5 đứa con cô cũng đã thành đạt và đã có công ăn việc làm nên cô có nhiều thời gian và điều kiện để "toàn tâm, toàn ý" cho lớp học của mình.
Đi học, Hà Thị Mỹ ở xóm vạn đò, phường Kim Long đang học lớp 3 mang theo cả gàu, nón… để tát nước, đãi cát sạn để khi học xong là đi làm luôn. Em là lao động chính trong gia đình, cuộc sống gia đình chạy vạy từng bữa. Bố mẹ em Mỹ nhiều lần bắt em nghỉ học, nhiều hôm cô Hạnh phải đích thân đến nhà khuyên bảo, động viên gia đình cho em đi học. Giờ thì Mỹ đã ra trường đi làm nghề cắt tóc ở Đà Nẵng được một năm rồi. Sau đó, hai em của Mỹ là Hà Thị Nguyệt, Hà Thị Hằng đã được ông Hà Văn Châu mang ra lớp "trăm sự nhờ cô".
Cũng chính từ đó đã giảm thiểu đáng kể số lượng học sinh nghỉ học, cũng nhờ vậy mà cô Hạnh có thêm thời gian đứng lớp, soạn giáo án. “Để tạo được sự thích thú cho từng nhóm, từng lớp, từng độ tuổi thì mình phải có sự chuẩn bị, bố trí tốt để các em học thoải mái, tập cho các em tính tự giác trong học tập” – cô Hạnh chia sẻ.
Lớp học đã tan được 15 phút, chúng tôi đã nghe từ trong những chiếc ghe nhỏ chênh vênh giữa sóng nước của những cư dân xóm Vạn đò vọng lại những tiếng ê, a… những bài đọc tiếng việt cứ vang lên rõ mồn một, cứ nối tiếp nhau vang xa. Tiếng vọng cứ lan dần, xa dần trong màn đêm tĩnh lặng.
Khi còn là đoàn viên thanh niên của phường, cô Bạch Thị Ngọc Hạnh đã là một "dũng sĩ" diệt giặc dốt nhiệt tình, năng nổ. "Tham gia dạy xóa mù chữ cho người dân vạn đò ở bến Me dọc sông Hương (từ sau năm 1975). Cũng từ đó mình gắn bó với lớp, với trò cho đến tận bây giờ" – cô Hạnh cho hay.
|
Theo Công An Nhân Dân
Bình luận (0)