Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người Chứt ở bản Rào Tre

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ biên phòng  đang khám bệnh cho trẻ em ở bản Rào Tre
Bản Rào Tre thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) là một địa danh khi nhắc đến mọi người lại nhớ ngay tới bản làng quần tụ của đồng bào dân tộc Chứt – một tộc người thiểu số lấy vỏ cây rừng che thân, với nhiều hủ tục mông muội nhất ở đại ngàn Trường Sơn… Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre hôm nay đã biết mặc áo quần bằng vải, cho con tới trường và ốm đau đã biết tìm tới trạm y tế…
“Xá lá vàng” đã văn minh!
Bản Rào Tre – cái tên nghe hoang sơ, khơi gợi sự tò mò của những ai lần đầu được nghe. Và cái tên “Xá lá vàng” mà người Pháp từng ví khi nói về đồng bào dân tộc Chứt lại càng thôi thúc bước chân chúng tôi tìm đến. Phần vì muốn tìm hiểu về đời sống hoang dã của một tộc người có cái tên lạ lẫm, phần khác để được tự mình nhìn thấy sự đổi thay của những “Xá lá vàng” nay đã không còn mông muội khi có sự chung tay của những người lính biên phòng.
Hơn 20 năm trước, năm 1991, những người lính biên phòng trong lúc đi tuần tra biên giới đã gặp một tộc người sống trong hang đá ở đại ngàn Trường Sơn, thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Một kế hoạch được đặt ra, cùng với nhiều ban ngành liên quan, lần đầu tiên nhóm người dân tộc Chứt ở nơi đây được hỗ trợ thành lập bản làng, sống trong những ngôi nhà ấm áp và bắt đầu học cách tiếp cận với cuộc sống văn minh: Xem ti vi, trồng cây lúa nước, mặc áo quần thay vỏ cây, trẻ con được tới trường học chữ…
Từ 20 nhân khẩu ban đầu khi phát hiện, nay bản Rào Tre đã có tới 33 hộ dân, với 132 nhân khẩu. Tuy nhiên, để một tộc người từng được gọi là “Xá lá vàng” (lạc hậu, mông muội, tách biệt, sống hoang dã chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm, mặc vỏ cây, ngủ hang đá, quan hệ huyết thống) có những bước tiến trong đời sống văn minh không phải chuyện ngày một ngày hai. Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác của bộ đội biên phòng ở bản Rào Tre – người có gần 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc Chứt – cho biết bà con vẫn còn rất nhiều hủ tục lạc hậu. Đơn cử như việc sinh đẻ thì người phụ nữ phải vào ở trong cái lán giữa rừng. Qua kỳ phong long theo quan niệm mới được đưa con trở về bản. Có nhiều trường hợp, do thiếu thuốc thang, không hợp vệ sinh, đứa trẻ sớm nhiễm bệnh rồi tử vong. Và không ai khác, chính người mẹ ấy phải dằn lòng bới đất chôn đứa con bất hạnh của mình xuống ngay nơi nó cất tiếng khóc chào đời. Hay như việc để đồng bào quen với việc mặc quần áo vải, ngủ nhà sàn, nấu cơm ăn bằng nồi niêu cũng là vấn đề không dễ. Những người lính biên phòng cắm bản phải thường xuyên xuống tận bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hướng dẫn cho bà con từng chi tiết nhỏ cách tiếp cận đời sống văn minh. Họ vừa nói, vừa thực hành làm trước. Dần dà bà con mới tin và làm theo.
“Bản Rào Tre bây giờ hết tin thầy mo rồi. Chỉ có bác sĩ mới chữa khỏi con bệnh cho đồng bào. Không cần phải bán gia sản để thuê thầy mo như trước đây nữa”, ông Hồ Kinh, Trưởng bản Rào Tre, tự hào nói.
Dấu ấn người lính quân hàm xanh

Những người lính biên phòng cắm bản hướng dẫn đồng bào ở bản Rào Tre trồng lúa
Trung tá Dương Thanh Tịnh cho biết: “Ban đầu khi đưa bà con về bản, anh em phải bám bản thường xuyên. Rồi sau đó tìm mọi cách vận động bà con bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Khó nhất là hủ tục mời thầy mo cúng bái chữa bệnh. Ngày đó, anh em không chỉ vận động người bệnh mà còn tìm cách vận động cả thầy mo. Rồi đưa khoa học ra chứng minh làm sao cho bà con và thầy mo tin để từ bỏ hủ tục”.
Còn nhớ cách nay vài năm, các chiến sĩ biên phòng vận động mãi nhưng thầy mo Hồ Phúc ở bản không chịu nghe theo. Mãi đến khi chính thầy mo bị bệnh, ông cũng cương quyết ở nhà tự chữa bằng cách cúng bái. Bệnh ngày càng nặng. Chính lúc đó, các chiến sĩ biên phòng đến tận nhà vận động người thân đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Sau khi được bác sĩ thăm khám, cho thuốc uống cắt cơn sốt, thầy mo Hồ Phúc mới gật đầu phục tài của bác sĩ và hứa sẽ bỏ hủ tục cúng bái chữa bệnh.
Từ 20 nhân khẩu ban đầu khi phát hiện, nay bản Rào Tre đã có tới 33 hộ dân, với 132 nhân khẩu.
Khi bà con từ bỏ được hủ tục, tiếp cận dần với đời sống văn minh, các chiến sĩ biên phòng cắm bản bắt tay vào vận động bà con ăn chín, uống sôi. Tập thói quen canh tác theo hình thức thâm canh, thay thế cho phương thức săn bắn, hái lượm vốn đã thành thói quen cố hữu của bà con. Một trong những điều đáng mừng nhất đó là bà con đã đồng ý cho con em tới trường. Mặc dù việc tới trường của các em chưa được tự giác lắm, còn cần phải có sự nhắc nhở thường xuyên của chính quyền địa phương cũng như các thầy cô giáo và chiến sĩ biên phòng.
Khi chúng tôi đi dọc con đường ngược ra bản, thấy những đứa trẻ phong phanh trong manh áo mỏng, chân nhảy loi choi đọc thuộc làu những bài học trên lớp, chợt nhớ tới lời vị Trưởng bản Hồ Kinh: “Đồng bào Chứt ở bản Rào Tre bây giờ đã ấm no hơn trước nhiều lắm. Vui cái bụng nhất là mấy đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết làm con tính nữa chứ. Xưa nay ông bà nó chỉ giỏi cầm cây rựa, cái bẫy thôi chớ có biết cái tên mình viết thế nào đâu. Có được điều đó, phần lớn là nhờ các chú bộ đội biên phòng chỉ dẫn, giúp đỡ đấy!”.
Bài, ảnh: Phan lệ
 
Bằng chứng của cuộc sống văn minh!
Hôm gặp chúng tôi ở Rào Tre, Trưởng bản Hồ Kinh dắt theo một bé gái mới 11 tuổi. Ông phấn khởi khoe: “Nó chính là bằng chứng của cuộc sống văn minh ở bản người Chứt chúng tôi!”. Chuyện về đứa trẻ ấy như cuốn phim quay chậm qua lời kể ông Hồ Kinh. Em tên là Hồ Thị Lài, hiện đang học lớp 5. 11 năm trước, chị Hồ Thị Lĩnh sinh khó. Chị gần như kiệt sức theo mỗi nhịp gõ mo cúng bái của thầy mo. May thay, chị được những người lính biên phòng phát hiện, kịp thời đưa đến Bệnh viện huyệnHương Khê mới cứu được mẹ và con. 
 

Bình luận (0)