Từ ngày 1-1, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế từ tuyến quận, huyện trở xuống sẽ được tự do đến bất kỳ bệnh viện cùng tuyến khám chữa bệnh mà không bị hạn chế quyền lợi như trước.
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) – Ảnh: Thùy Dương |
Hơn 13g ngày 15-1, chị B.K.V. (35 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) đến đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh Bệnh viện Q.2. Nơi khám chữa bệnh ban đầu của chị là phòng khám trong công ty chị đang làm việc. Chị V. kể trước đây mỗi lần đến khám bệnh tại Bệnh viện Q.2 nếu không có giấy chuyển viện của công ty, chị đều phải đóng tiền vì trái tuyến. Không ngờ chiều nay chị đưa thẻ BHYT ra lại được nhân viên ở đây chấp thuận.
Nhiều bệnh nhân chưa biết
Sau đó, chị V. mới biết từ ngày 1-1-2016 những người như chị sẽ không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh, được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT (giữa tuyến xã và tuyến huyện) trên cùng địa bàn. Nhận được thông tin này, chị V. hồ hởi nói: “Tôi rất mừng vì từ nay có thể đến bệnh viện quận khám bệnh mà không phải đến công ty xin giấy chuyển viện. Điều sửa đổi này rất hay vì mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT”.
Ông Nguyễn Anh Cường, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng Bệnh viện Q.2, cho biết khoảng hai tuần gần đây đã có một số bệnh nhân BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu ở các bệnh viện như Bệnh viện Q.9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Quân dân Miền Đông (Q.9), Bệnh viện Phúc An Khang (Q.2), các trạm y tế một số phường trong quận… chuyển đến Bệnh viện Q.2 khám. Tuy nhiên, ông Cường nói vẫn còn nhiều người dân chưa biết về thông tin thông tuyến này.
Bệnh viện Q.Bình Thạnh là một trong những bệnh viện quận, huyện thu hút rất nhiều người dân đăng ký khám bệnh BHYT tại đây nhiều năm qua. Nhưng theo bác sĩ Phạm Bảo Lâm – giám đốc Bệnh viện Q.Bình Thạnh, bệnh viện chưa ghi nhận được tình trạng bệnh nhân từ bệnh viện quận, huyện khác đến đăng ký khám bệnh tại đây.
Còn bác sĩ Đinh Thanh Hưng, giám đốc Bệnh viện Q.Tân Phú, cho biết số bệnh nhân đến bệnh viện khám trong hai tuần qua chưa có biến động. Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc thông tuyến đã giúp người dân có quyền lựa chọn nơi mình muốn đến khám bệnh. Thời gian đầu việc này chưa gây xáo trộn nhiều ở các bệnh viện quận, huyện, nhưng về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh giữa các nơi này. Khi đó bệnh viện nào có chất lượng phục vụ tốt, người bệnh sẽ tìm đến khám và điều trị bệnh.
Nhiều thuận lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lưu Thị Thanh Huyền – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 và hướng dẫn từ thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-1-2016 người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được xem đi đúng tuyến.
Khi đi đúng tuyến, người bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh theo mức quyền lợi hưởng BHYT. Trong khi năm 2015, khi tự đi khám không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện, mức hưởng BHYT chỉ được 70% chi phí theo mức quyền lợi. Việc thông tuyến này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến huyện trở xuống được tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh ban đầu gần nhất, nhanh nhất và hưởng quyền lợi ở mức cao nhất. Ngoài ra, người bệnh đi khám ở các bệnh viện đa khoa tỉnh, TP (được Bộ Y tế giao là tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật) kể từ ngày 1-1-2016 cũng được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí theo mức quyền lợi, thay vì chỉ 40% như trước đây.
Theo bà Huyền, từ khi chưa thực hiện thông tuyến huyện, gần như người dân đã lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu theo nguyện vọng, theo hướng thuận tiện việc đi lại chứ không phải vì chất lượng, do chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến huyện ở TP.HCM gần như tương đương nhau. Trước khi thông tuyến, Bảo hiểm xã hội TP và Sở Y tế TP chỉ can thiệp, không cho đăng ký thêm thẻ BHYT vào một vài đơn vị y tế do quá tải bệnh nhân và hướng dẫn người dân đăng ký vào chỗ khác.
Về lo ngại người đăng ký BHYT ban đầu tại trạm y tế tuyến xã sẽ đổ về bệnh viện tuyến huyện, bà Huyền nói không đáng ngại vì toàn TP hiện chỉ có hơn 25.000 thẻ BHYT đăng ký ở trên 130 trạm y tế tuyến xã. Những người đăng ký BHYT tại tuyến xã đều tự nguyện đăng ký theo nguyện vọng. Hiện các trạm y tế nhận khám chữa bệnh BHYT ban đầu đều đáp ứng rất tốt yêu cầu khám chữa bệnh thông thường của người dân. Những trạm y tế này đều có bác sĩ của trạm y tế hoặc bác sĩ của bệnh viện tuyến huyện cử luân phiên về thường trực tại trạm.
Bà Huyền cũng khẳng định để tránh việc lạm dụng BHYT khi thực hiện thông tuyến huyện lúc đi khám chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội TP đã ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát bằng phần mềm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh giữa ngành y tế và Bảo hiểm xã hội TP. Theo đó, khi phát hiện bệnh nhân thật sự có lạm dụng BHYT (ví dụ cùng một bệnh đi khám ở nhiều nơi trong ngày…) sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết theo quy định của thông tư 40/2015/TT-BYT, tất cả bệnh viện đa khoa tuyến huyện dù là hạng 1, 2 hay 3 cũng thuộc tuyến huyện. Tại TP.HCM, trước đây có 9/23 bệnh viện quận, huyện được xem là bệnh viện tuyến tỉnh, nay theo quy định trên đều là tuyến huyện. Chín bệnh viện này là Bệnh viện Q.Thủ Đức (hạng 1) và các bệnh viện quận 2, 4, 6, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh (đều là bệnh viện hạng 2). Ngoài ra, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 (được Bộ Y tế giao là tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật) trước là tuyến trung ương thì nay được xem là tuyến tỉnh…
Mức hưởng khi khám chữa BHYT không đúng tuyến
LÊ THANH HÀ – THÙY DƯƠNG/TTO
Bình luận (0)