Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Người dân bến Bình Đông không còn lo sạt lở!

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bến Bình Đông trước chùa Long Hoa (phường 15, quận 8) vừa được Sở GTVT TP.HCM triển khai khiến bà con khu vực này vô cùng phấn khởi.

Đội ngũ kỹ sư, công nhân đang tích cực thi công dự án chống sạt lở tại khu vực bến Bình Đông trước chùa Long Hoa (quận 8) (ảnh chụp ngày 26-5)

Từng xảy ra sạt lở lên đến 35m đường

Ông Trịnh Xuân Vĩnh, người dân khu vực chia sẻ, thực sự khi chứng kiến lễ khởi công dự án, người dân hết sức vui mừng vì mùa mưa tới không còn nơm nớp lo sợ đoạn đường này lẫn nhà cửa xung quanh bị dòng nước kênh Tàu Hủ cuốn trôi bất cứ lúc nào. Ngay từ năm 2010, đoạn bờ kè giữa kênh Tàu Hủ và đường Bình Đông đã sạt lở nghiêm trọng. Người dân khu vực có phản ánh, thậm chí bức xúc, theo đó Sở GTVT đã đưa ra những biện pháp xử lý, chống sạt lở tạm thời song vẫn không chống lại được những cơn thủy triều lên xuống, xói mòn bờ kè gây lún sâu, biến dạng.

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, hiện thành phố có hơn 40 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, trong đó 31 vị trí đặc biệt nguy hiểm.

“Qua quan sát quá trình thi công của đội ngũ kỹ sư công trình hết sức khẩn trương mỗi ngày khiến chúng tôi cảm thấy vui mừng, có sự an tâm”, ông Vĩnh cho biết.

Bà Trần Thị Lý, người dân khu vực cũng tâm sự, trước đây, đoạn đường này đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. 35m đường đã hư hỏng toàn bộ, nhiều công trình công cộng xung quanh bị phá hủy. Cuộc sống sinh hoạt, việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều vì không có đường để đi và luôn trong tình trạng lo sợ nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng kênh.

Theo bà Lý, ngay đoạn sạt lở, sụt lún là địa điểm của Trường THPT Ngô Gia Tự, chùa Long Hoa. Ngày thường có rất đông học sinh, phụ huynh qua lại ở đoạn đường này. Còn các ngày rằm, mùng 1, người dân, khách tứ phương đến chùa lễ bái rất đông. Chưa kể, đây còn là bến tàu sông phục vụ khách du lịch đường thủy để ngắm cảnh thành phố. Xuất phát từ chùa Long Hoa, khách du lịch được đi dọc kênh Tàu Hủ, qua quận 6, quận 5, quận 4 và cập cảng du lịch Bạch Đằng, quận 1.

“Việc tiến hành thi công chống sạt lở lần này không còn sớm, nhưng phần nào thể hiện sự quan tâm của thành phố, sớm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và trả lại sự an toàn cho người dân khu vực”, bà Lý cho biết.

Còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm

Trước tình trạng này, khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố cho lập dự án đầu tư chống sạt lở. Có 28 điểm đã được triển khai dự án được lắp đặt biển hiệu cảnh báo và phối hợp với các địa phương trong việc thông báo, vận động người dân di dời khỏi khu vực sạt lở.

Theo Sở GTVT, dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bến Bình Đông có mức đầu tư 18 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 11-2016. Dự án sẽ xây dựng bờ kè mới dài 100m từ trước cửa chùa Long Hoa, rộng 5m và cao 2,2m.

Trả lời với báo chí, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thừa nhận, đoạn bờ kè này là một trong những vị trí đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Vì thế, thành phố đã ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, trả lại cảnh quan sinh thái khu vực. Ông Cường thông tin thêm, tại địa bàn quận 8, sắp tới sẽ có nhiều công trình hạ tầng giao thông được triển khai như: xây dựng cầu đường Bình Tiên, làm cầu Nhị Thiên Đường 1 mới, xây dựng nâng cấp đường bến Bình Đông, đường Ba Đình.

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, hiện thành phố có hơn 40 vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, trong đó 31 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Chỉ riêng năm 2015, thành phố xảy ra 13 vụ sạt lở tập trung ở quận 2, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Và đầu năm 2016, địa bàn thành phố đã phát sinh 3 điểm sạt lở mới tại khu vực Giồng Ông Tố (quận 2), cầu Tân Thuận (quận 4) và bờ hữu sông Sài Gòn, xã An Phú, huyện Củ Chi. Trước tình trạng này, khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố cho lập dự án đầu tư chống sạt lở. Có 28 điểm đã được triển khai dự án được lắp đặt biển hiệu cảnh báo và phối hợp với các địa phương trong việc thông báo, vận động người dân di dời khỏi khu vực sạt lở.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)