Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dẫn chương trình cần được đào tạo bài bản

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh (trái) tham dự cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức. Ảnh: S.M

Vấn đề đào tạo bài bản đối với người dẫn chương trình đang được cấp thiết đặt ra, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này hiện đang nở rộ và thu hút nguồn nhân lực lớn.
Riêng Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM mỗi năm đã có đến 1.000 học viên đăng ký học các khóa dẫn chương trình, con số này ở Cung Văn hóa Lao động là 800. Người dẫn chương trình không chuyên có thể thu nhập từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng sau mỗi chương trình. Đối với người dẫn chuyên nghiệp, thù lao mỗi show như vậy lên đến 15 triệu đồng.
Đa dạng “đầu vào”
Từng có hội thảo bàn về nhu cầu nhân lực biên tập và dẫn chương trình ở phía Nam do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức, nhiều người tham gia cùng nhìn nhận, việc đào tạo người dẫn chương trình hiện nay chủ yếu thông qua các khóa ngắn hạn, chưa đầu tư đúng mức cho khoản đào tạo “dài hơi”.
Trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, với sự phát triển mạnh mẽ và lâu đời của ngành truyền thông, chương trình giáo dục rất chú ý đến đào tạo người dẫn chương trình. Tại Pháp, Đức và Hà Lan còn luôn có những chương trình hợp tác đào tạo người dẫn chương trình với chất lượng cao, cho phép học viên có thể thực tập tại nhiều nước, thích nghi và làm việc tại các môi trường đa văn hóa. Các khóa học thường kéo dài 2 đến 3 năm nhằm phát triển khả năng sáng tạo và những kỹ năng. Học viên cũng cảm thấy yêu thích các chương trình đào tạo chuyên nghiệp hơn vì cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn.
Các chương trình đào tạo người dẫn chương trình tại châu Á được đánh giá là chưa thực hiện một cách chuyên nghiệp. Riêng Việt Nam, theo TS. Nguyễn Công Hoan (giảng viên Khoa Du lịch, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM), hiện đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp đang phụ trách lĩnh vực dẫn chương trình đều không được đào tạo chính quy về chuyên ngành tại các trường ĐH-CĐ và trung học chuyên nghiệp văn hóa nghệ thuật mà chủ yếu kiêm nhiệm hoặc từ mảng khác chuyển sang. Số khác chỉ tham gia các khóa học ngắn hạn và “hành nghề”.
TS. Hoan nêu cụ thể, người dẫn chương trình hiện được tập hợp từ nhiều nguồn như diễn viên, ca sĩ, người mẫu, người làm công tác Đoàn Đội, người có giọng nói truyền cảm hoặc người có chút ngoại hình. Thậm chí người có mối quan hệ với đơn vị tổ chức sự kiện cũng được mời dẫn chương trình. TS. Hoan đánh giá, sự đa dạng nguồn lực dẫn chương trình hiện nay trở thành… gánh nặng, nỗi lo sợ của công chúng, người thưởng thức các chương trình giải trí nghệ thuật do người dẫn chương trình làm sai lệch một số giá trị văn hóa. Một số người dẫn chương trình còn gây phản cảm về ngôn từ, trang phục, phô diễn trình độ…
Chú trọng đào tạo bài bản
Trong khi đó, thống kê của bà Nguyễn Thị Phà Ca (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), thu nhập của người dẫn chương trình khá hấp dẫn. Người dẫn chương trình không chuyên có thể thu nhập từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng sau mỗi chương trình. Đối với người dẫn chuyên nghiệp, thù lao mỗi show như vậy lên đến 15 triệu đồng. Chính vì lẽ đó mà thời gian qua, ngày càng có nhiều người trẻ “chen chân” vào lĩnh vực này.
Dù chỉ đào tạo ngắn hạn, riêng Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM mỗi năm đã có đến 1.000 học viên đăng ký học các khóa dẫn chương trình, con số này ở Cung Văn hóa Lao động cũng lên tới 800. Nhiều địa chỉ khác trên cả nước cũng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo này như Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, Công ty Truyền thông tư vấn và đào tạo Ý tưởng Việt, Trung tâm Du lịch hội thảo và sự kiện Vitours (Đà Nẵng), Trung tâm Nghiệp vụ báo chí và truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Trung tâm Đào tạo Connect Đài Truyền hình Việt Nam)… và thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Thế nhưng, đánh giá khác cũng cho thấy, các khóa học ngắn hạn thường giống nhau ở phương thức người đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho người đi sau. Kiến thức được truyền đạt mới chỉ dừng ở mức sơ đẳng, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, người dẫn chương trình không chỉ đòi hỏi ở năng khiếu mà còn phải mạnh các kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, khả năng xử lý tình huống, viết, biên tập, diễn đạt…
Hiện, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là đơn vị tiên phong trong cả nước mở chuyên ngành đào tạo biên tập và dẫn chương trình văn hóa – nghệ thuật. Vấn đề đào tạo bài bản để tạo ra đội ngũ chuyên trách công tác biên tập và dẫn chương trình có đủ tầm đòi hỏi phải có một chương trình đào tạo với các học phần chuẩn về lý luận cơ bản, khả năng thích nghi cao… đã được TS. Hoan nhấn mạnh. TS. Hoan cũng thừa nhận, việc mở chuyên ngành mới mẻ này sẽ gặp những khó khăn trong xác định nội dung lẫn mục tiêu đào tạo, các học phần đại cương, học phần cơ sở, tiêu chí chọn lựa các học phần… Một số đề xuất khác cũng nhằm vào việc xây dựng chương trình sao cho đảm bảo cung cấp cho người học lượng kiến thức chuyên môn lẫn khối kiến thức về văn hóa, xã hội.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)