Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Người dẫn chương trình song ngữ có cơ hội bứt phá

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng MC song ngữ” do Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM tổ chức vừa qua cho sinh viên thấy được rằng có khả năng dẫn chương trình bằng song ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn trong tương lai.

 

Thu hút 100 sinh viên từ các trường ĐH khu vực TP.HCM tham gia, những thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi đều chứng tỏ được khả năng ngoại ngữ với trình độ tiếng Anh IELTS từ 7.0.

 

Cơ hội vươn tầm nhờ ngoại ngữ

 

Theo lời khuyên từ nhiều nhà tuyển dụng, tham dự các kỳ thi chính là một trong những cách hữu hiệu để người trẻ, nhất là sinh viên tiếp cận và chinh phục cơ hội việc làm phù hợp. Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng MC song ngữ” 2024 sau hơn một tháng khởi tranh, trải qua các vòng loại, bán kết đã trao giải nhất (Én vàng) cho thí sinh Lê Phương Khánh Như (sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM).

Sinh viên thi dẫn chương trình bằng song ngữ

Cùng với đó, sinh viên Văn Phương Quỳnh (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đoạt giải “Én bạc”; sinh viên Hồng Gia Lâm (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) đoạt giải “Én đồng”. Giải “Én Inspiration” thuộc về sinh viên Lương Thiện (Trường ĐH Văn Lang).

Trước đó, vòng thi chung kết chứng kiến sự tranh tài của 6 thí sinh đến từ các trường ĐH : Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Kinh tế TP.HCM, Văn Lang và Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Phần lớn thí sinh ở vòng thi này đều đạt trình độ tiếng Anh IELTS từ 7.0. Các em có 10 phút để thể hiện phần thi. Theo đó, mỗi thí sinh tự đề xuất chủ đề và trình bày với các khách mời, diễn giả sao cho phần thi tạo được ấn tượng, để lại những dấu ấn cá nhân. Song song đó, mỗi thí sinh phải xử lý các tình huống, phản biện câu hỏi thử thách từ ban giám khảo.

Được biết, trước thềm chung kết, các thí sinh đã được tổ chức tập huấn nhiều kỹ năng quan trọng như dẫn sân khấu ảo, dẫn chương trình bằng tiếng Anh, xây dựng kịch bản, tư duy biên tập chương trình. Đây là nội dung không kém quan trọng tại kỳ thi. Đại diện nhà trường cho hay, cuộc thi là sân chơi chuyên nghiệp cho sinh viên có đam mê với nghề dẫn chương trình. Cuộc thi đã nhận được sự đồng hành của hơn 30 biên tập viên, phát thanh viên, MC chuyên nghiệp với vai trò ban giám khảo và huấn luyện viên.

Vượt qua khuôn khổ cuộc thi, điều mà nhà trường mong mỏi chính là sinh viên có cơ hội vươn tầm, thông qua khả năng dẫn chương trình với trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có được công việc như ý và phát triển cao với nghề nghiệp trong tương lai.

 

Nhiều lợi thế

 

Hiện đang tham gia giảng dạy sinh viên Khoa Báo chí (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) môn kỹ năng dẫn chương trình và các môn về truyền thông, ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng ban Truyền thông Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định, khi thế giới trở nên phẳng, chúng ta gần hơn với khái niệm công dân toàn cầu. Tính kết nối, hợp tác trên toàn thế giới mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho đa dạng lĩnh vực. Và nghề dẫn chương trình cũng là một trong những nghề được “nở hoa” nhờ vào quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ.

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng ban Truyền thông Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) dẫn một chương trình bằng song ngữ

“Các sự kiện hợp tác, giao lưu, liên hoan, khánh thành, hội nghị, hội thảo quốc tế… cần trên 2 thứ tiếng ngày càng nhiều hơn. Và lúc này, người dẫn chương trình nếu giỏi thêm 1 ngoại ngữ nữa ngoài giỏi tiếng Việt sẽ là một lợi thế. Bên cạnh lợi thế về số lượng chương trình được dẫn, lợi thế cạnh tranh thì MC dẫn song ngữ cũng có thu nhập tốt hơn” – ThS. Ngọc đánh giá.

Đồng quan điểm, MC Hồ Phạm Thanh Giang (từng là biên tập viên của VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam) chỉ ra rằng, bản thân chị trong hơn 15 năm dẫn chương trình bằng song ngữ, trước đây cứ 10 sự kiện thì có 1-2 sự kiện dẫn song ngữ nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thì con số sự kiện dẫn song ngữ lên đến 8/10. Và một trong những lợi thế khi dẫn chương trình song ngữ chính là thù lao nhận được luôn cao hơn.

MC Hồ Phạm Thanh Giang dẫn chương trình song ngữ tại một sự kiện

Cả hai MC cùng cho rằng, để dẫn được song ngữ, đòi hỏi người dẫn chương trình ngoài không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức nói chung còn phải thường xuyên trau dồi khả năng ngoại ngữ. Dẫn chương trình, có khả năng ngoại ngữ, MC tự tin hơn, thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Chưa kể, điều kiện học ngoại ngữ hiện nay rất thuận lợi, từ sách, các phần mềm, YouTube, mạng xã hội, trung tâm ngoại ngữ, thầy cô, bè bạn… Đặc biệt, hiện nay còn có sự xuất hiện và trợ giúp đắc lực của trí tuệ nhân tạo (AI).

Cả hai MC cũng tiếp tục đồng quan điểm khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện, nâng cao khả năng tiếng Việt đối với công việc của MC. Trong đó có việc phát âm chuẩn, vốn từ vựng phong phú, cách sử dụng câu từ chuẩn xác, phù hợp… Bởi có những trường hợp người dẫn chương trình phải phiên dịch trực tiếp, nếu thiếu vốn từ vựng, thiếu kiến thức nền tảng sẽ khó chuyển tải chuẩn xác nội dung.

“Thêm một điều nữa, các sinh viên cần cố gắng tập luyện để trở nên duyên dáng và văn minh trong cách ứng xử. Dẫn chương trình không đơn giản chỉ thuộc và đọc lại kịch bản mà phải biết khéo léo chuyển tải nội dung, thông điệp của sự kiện đến người xem một cách đáng nhớ và ấn tượng nhất” – ThS. Ngọc nói.

ThS. Ngọc mở rộng thêm, MC song ngữ không chỉ giới hạn ở tiếng Việt và tiếng Anh. Có những chương trình tìm kiếm MC biết tiếng Nhật, Hàn, Nga, Hoa… nên các bạn trẻ cũng cần đầu tư các ngoại ngữ này nhiều hơn để tăng thêm cơ hội. MC Thanh Giang nhìn nhận, thực tế hiện nay vẫn xảy ra tình trạng MC có chuyên môn vững, kinh nghiệm dày dặn cho những sự kiện lớn thì thiếu ngoại ngữ trong khi MC trẻ có ngoại ngữ tốt thì lại thiếu kinh nghiệm. Chính vì vậy, chị một lần nữa nhấn mạnh việc đầu tư kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ ở những người trẻ, nhất là sinh viên trong việc hoàn thiện bản thân để có một tương lai nghề nghiệp vững chắc.

Theo chị, những cuộc thi dẫn chương trình song ngữ rất thiết thực, giúp sinh viên định hình sớm yêu cầu của công việc mà có sự chuẩn bị. Biết dẫn thêm ngoại ngữ cũng là điểm cộng để người dẫn chương trình có động lực, định hướng phấn đấu, trang bị. Bởi như đã nói, lợi thế dành cho người có khả năng dẫn chương trình song ngữ là rất đáng kể.

Việt Ngân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)