3 ngày qua, nhiều hộ dân ở Đà Nẵng không có nước sinh hoạt cho cả nhu cầu cá nhân tối thiểu nhất, đặc biệt là ở các khu trọ công nhân và sinh viên không có bồn chứa dự trữ nước cần thiết. Nhiều hộ dân đi xin nước giếng khoan, thậm chí thuê thợ đến tận nhà khoan giếng để lấy nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế!
Nhiều người dân Đà Nẵng phải đến bồn cấp nước dã chiến lấy nước dùng trong mấy ngày qua
Khoan giếng tìm nước
Mấy ngày nay, mặc dù Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã phát đi thông báo kêu gọi bà con tiết kiệm nước, lưu ý các khu vực cuối nguồn như ở phường Khuê Mỹ, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và một số điểm ở quận Sơn Trà, Thanh Khê… bà con canh tầm 11 giờ 30 phút đêm trở về sáng để tích trữ nước. Nhưng thực tế, có thức thâu đêm, vòi nước vẫn khô khốc không rỉ giọt nào. Ông Nguyễn Văn An, trọ ở đường Mỹ An 17 (phường Mỹ An) than thở: “Cả 3 ngày nay không có lấy giọt nước để dùng, tôi phải đi xin từng can nước 20 lít về để phục vụ nhu cầu cá nhân. Trọ vừa chật, nóng, lại không có nước tắm giặt, mọi thứ cứ chất đống lại rất khó chịu”.
Còn bà Hoa ở Khu dân cư Nam Việt Á (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc: “Nhà máy thông báo sẽ điều tiết nước giúp bà con tích trữ nhưng vòi nước để cả ngày lẫn đêm không có giọt nào. Tui phải sang xin nhờ nước máy bơm của chú Thủy hàng xóm về phục vụ cho việc vệ sinh”.
Để giải quyết tình trạng này, Dawaco đã đặt 19 bồn chứa cấp nước dã chiến ở những khu dân cư cuối nguồn nước thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… Nhưng lượng nước cấp không đủ. Ông Nguyễn Văn Thủy ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngũ Hành Sơn) nói: “Hôm qua nhà máy nước đặt bồn nước ở đây, được đâu vài chục phút bà con đã lấy cạn sạch. Chẳng thấy cấp thêm. Tui phải thuê thợ về khoan giếng ngay ở sân nhà với giá 3 triệu đồng để lấy nước dùng tạm”. Tình trạng thiếu nước còn dẫn đến nhiều đảo lộn sinh hoạt khác. Thậm chí, xe chuyên dụng của lực lượng PCCC phải vận chuyển nước đến cung cấp cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm khắc phục nhưng nguồn nước thô vẫn còn khó khăn. Đến ngày 22-8, một số khu vực ở Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê… vẫn trong tình trạng bị cắt nước. Ông Hồ Hương – Tổng Giám đốc Dawaco cho rằng, độ mặn của sông Cầu Đỏ liên tục gia tăng. Dawaco đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất tối đa đưa nước thô về cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất. Tuy nhiên, công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.00m3/ngày nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hiện nay của TP là 306.000-307.000m3/ngày.
Họp khẩn tìm giải pháp
Ngày 21-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng, Đặng Việt Dũng đã họp khẩn với các sở, ngành tìm giải pháp khắc phục thiếu nước sinh hoạt. Tại cuộc họp, các sở, ngành của TP đã đề nghị hồ thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng tối đa 25m3/s trong 24 giờ để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ. Ông Dũng yêu cầu các sở, ngành chức năng và Công ty Dawaco phối hợp với các chủ hồ thủy điện phía thượng nguồn Quảng Nam lập kế hoạch vận hành các hồ thủy điện trong thời gian này. Đặc biệt là việc chọn thời điểm bắt đầu xả nước để sử dụng hợp lý và tiết kiệm tối đa nguồn nước; xây dựng kế hoạch vận hành đến ngày 31-8. Qua tháng 9-2019, tình hình vẫn không được cải thiện thì xây dựng kế hoạch bổ sung.
Ở một diễn biến khác, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng về việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn và tình trạng xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ. Sở TN&MT Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo TP có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn Đà Nẵng, đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp rà soát, thống nhất phương án, báo cáo gửi Bộ TN&MT chỉ đạo các hồ xả nước điều tiết nước.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 21-8 giữa đại diện các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn của tỉnh Quảng Nam như A Vương, Sông Bung, Đắk Mi 4 và các sở ban ngành Đà Nẵng có liên quan do UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, đại diện Công ty thủy điện Đắk Mi 4 cho rằng, hiện lòng hồ đang ở dưới mực nước chết 8m, việc phát điện hay không, theo ý kiến của Sở TN&MT Đà Nẵng là không quan trọng vì lượng nước về hồ hiện nay chỉ ở mức 4m3/s, nếu có mưa thì khả năng đến giữa tháng 9-2019, nguồn nước mới được phục hồi.
Thực tế mỗi lần nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, Đà Nẵng lại phải gửi công văn đề nghị thủy điện Quảng Nam xả nước đẩy lùi độ mặn. Nếu các hồ thủy điện ở dưới mực nước chết thì tình trạng nhiễm mặn ở Đà Nẵng là khó khắc phục. Thiết nghĩ, cần có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết tình trạng này một cách tối ưu.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)