Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dân đi lại bình thường nhưng phải có lý do

Tạp Chí Giáo Dục

TP bước vào lộ trình bình thường mới từ ngày 1-10 chỉ duy trì chốt kiểm soát ở các cửa ngõ, tuy nhiên sẽ có một số chốt lưu động kiểm soát ngẫu nhiên người đi đường. Trường hợp cần thiết sẽ được lưu thông bình thường, ngược lại sẽ không cho đi.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại buổi đối thoại trực tiếp với người dân tối 30-9 (Ảnh: HMC)

Thông tin này được ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại buổi trực tiếp Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” lúc 20h ngày 30-9.

Chỉ duy trì chốt kiểm soát ở các cửa ngõ

Sau khi UBND TP.HCM ban hành chỉ thị “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP”, TP sẽ bước vào lộ trình bình thường mới từ ngày 1-10. Theo đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu TP mở cửa rồi có đóng lại không, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết khó có thể nói trước được.

Theo ông Hoan, kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới sau giãn cách sẽ nới lỏng, nhưng lại đóng cửa vì dịch tái phát. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân, kinh tế xã hội quốc gia. Việc nới lỏng cũng như giãn cách thế nào là băn khoăn, trăn trở, đắn đo của lãnh đạo TP. Để làm sao từng bước đi trong đời sống kinh tế vừa chặt chẽ, vừa vững chắc đòi hỏi phải có những cách tổ chức lại các công việc một cách phù hợp.

TP đã trải qua 4 tháng vất vả, dốc toàn lực và có quyết tâm cao trong chống đại dịch. TP đã đón nhận sự hỗ trợ quan trọng từ Trung ương về vật chất, tinh thần, con người, kể cả ý kiến chỉ đạo sát thực để chống dịch hiệu quả. Cả hệ thống chính trị TP đã vào cuộc, hơn bao giờ hết là sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân. “Nếu không có sự góp sức thì TP khó có thể đạt được kết quả như thời gian này”, ông Hoan nhấn mạnh.

Hiện TP đang đứng trước sự lựa chọn giữa phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế, xem đây là hai mặt trận phòng chống Covid. Một mặt bảo vệ sức khỏe nhân dân, một mặt bảo vệ “sức khỏe” nền kinh tế. “Cả hai mặt trận này đều quan trọng, hỗ trợ lẫn nhau và phải làm đồng thời. Khi TP chống dịch có hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tử vong sẽ tạo ra nguồn lực tác động sự phát triển nền kinh tế. Việc ban hành Chỉ thị 18 là nhằm thực hiện mục tiêu này”, ông Hoan cho biết.

Ông Hoan cho rằng, chúng ta phải xác định sống thích ứng an toàn trong môi trường có dịch vì phải tiếp tục sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập. Tuy nhiên, an toàn vẫn là quan trọng nhất. Người dân là chủ thể của phòng chống dịch.  Khi mở cửa, vai trò của các thủ trưởng cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đều được đề cao, phải có trách nhiệm trước hết về phòng chống dịch.

“Để không xảy ra tình trạng nới lỏng một thời gian ngắn rồi phải đóng cửa trở lại, TP đang cố gắng làm từng bước, an toàn mới nới lỏng. Nơi nào nới lỏng tới đâu phụ thuộc vào chỗ an toàn tới đó”, ông Hoan nhấn mạnh.

Trước câu hỏi người dân ra đường cần những giấy tờ gì, ông Hoan cho biết, tất cả người dân đi lại bình thường, chỉ cần chuẩn bị mã QR khai báo di chuyển tại ứng dụng VNEID và thông tin đã tiêm vắc xin. TP chỉ duy trì chốt kiểm soát ở các cửa ngõ, tuy nhiên sẽ có một số chốt lưu động kiểm soát ngẫu nhiên người đi đường. Trường hợp cần thiết sẽ được lưu thông bình thường, ngược lại sẽ không cho đi.

Dự kiến chi hỗ trợ đợt 3 trong 15 ngày

Với trường hợp người dân mong muốn về quê sau thời gian dài giãn cách, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đây là tâm trạng phổ biến và TP rất chia sẻ. Nếu bắt buộc phải về, TP luôn tạo điều kiện bằng việc phối hợp với các tỉnh thành tổ chức đưa người dân về quê với điều kiện địa phương đủ năng lực đón nhận người trở về.

“Ở góc độ nào đó nói không cho về thì không được, nhưng chúng ta cũng nên suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu về quê mà chưa tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ lây bệnh cho gia đình, địa phương và khả năng điều trị bệnh khó khăn hơn vì thế TP khuyến khích người dân ở lại. Hơn nữa, ở lại khi TP mở cửa sẽ có việc làm, có thêm thu nhập, cơ hội tiêm vắc xin…”, ông Hoan nói.

Còn trường hợp người lao động TP đang mắc kẹt tại các tỉnh thành, theo ông Hoan, doanh nghiệp cần thông báo cho người lao động biết và cung cấp thông tin cho TP để có sự phối hợp tổ chức xe đón về.


Từ 1-10, người dân đi lại bình thường nhưng phải có lý do

Thông tin về gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn bởi Covid-19, ông Hoan cho biết, nguyên tắc thực hiện dựa trên cơ sở gói hỗ trợ đợt 1, 2 và cả những trường hợp phát sinh, dự kiến hơn 7,3 triệu người.

Như vậy, những người đã nhận đợt 2 sẽ tiếp tục được nhận đợt 3. Trừ trường hợp đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021 sẽ không được nhận hỗ trợ.

“TP dự kiến chi hỗ trợ đợt 3 trong 15 ngày, từ ngày 1 đến 15-10. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/ người, chi trả một lần bằng tiền mặt. Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú, không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)