Cá ở ao hồ, ruộng đồng ở thôn Lệ Sơn Nam bị chết trắng |
Những ngày qua, người dân thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chưa kịp mừng vì những ruộng lúa chuẩn bị trổ đòng thì lại lo lắng vì bỗng dưng nguồn nước ao hồ, ruộng đồng bị ô nhiễm. Những cây lúa đang mùa trổ đòng cho ra những bông lúa trắng xóa, lép hạt; cá chết trắng ao; người dân lội xuống ruộng bị ngứa ngáy…
1.Đây không phải lần đầu tiên người dân thôn Lệ Sơn Nam lâm vào cảnh này. Trước đó, vào tháng 6, 7 năm 2016, nguồn nước ở bàu Lệ Sơn và đồng ruộng trên địa bàn cũng bị ô nhiễm nặng khiến cá chết, lúa và sen chết dần hoặc đơm bông kết hạt, nhưng lép hạt. Ông Mai Hồng Lạc, Trưởng thôn Lệ Sơn Nam cho biết, sau đợt ruộng đồng bị ô nhiễm đó, thôn nghi ngờ do xả thải của Công ty TNHH T.Đ.T, ở thôn 2, Thái Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), địa bàn giáp ranh với Lệ Sơn Nam. Bà con cũng đã làm đơn kêu cứu lên xã Hòa Tiến, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Đến tháng 4-2017, vụ việc lặp lại thêm một lần khi hàng ngàn con cá ở đây lại tiếp tục bị chết, nổi lềnh bềnh. Bà con khi đi làm đồng, da dẻ bị ngứa ngáy rất khó chịu, thậm chí bị ghẻ lở phải khám chữa bệnh dài ngày mới khỏi. Tần ngần đứng bên ruộng sen bị ảnh hưởng, anh Lê Thái Anh (59 tuổi) cho biết, ruộng sen này rộng tới 7ha, gia đình anh thuê thời gian 5 năm nộp thuế 1 lần là 15 triệu đồng. Gần 20 năm qua, gia đình anh sống bằng nghề trồng sen. Những năm gần đây, hạt sen có giá, với diện tích hồ 7ha, bình quân mỗi năm thu về khoảng 90 triệu đồng chưa trừ chi phí đầu tư, tạo việc làm cho cả gia đình với 3 lao động chính và 6 lao động trên địa bàn thôn. “Vụ sen 2015 và 2016, trồng sen xuống thì phần lớn bị chết, số sống sót cho năng suất thấp. Năm nay, số vốn bỏ ra chăm sóc đã 25 triệu đồng rồi coi như mất trắng”, anh Anh buồn bã.
2.Thôn Lệ Sơn Nam có 350 hộ dân với 1.543 nhân khẩu. Bà con sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với khoảng 70%, còn lại một số bà con làm nghề buôn bán, dịch vụ và ngành nghề khác. Trước năm 2015, việc trồng lúa, cây nông nghiệp khác trên địa bàn đạt năng suất khá cao, nhưng năm 2015 về sau, năng suất cây trồng nông nghiệp giảm dần, đặc biệt vụ đông – xuân 2016, có tới 3ha lúa bị mất trắng hoàn toàn. Ước tính, với 1 sào (500m2) thu hoạch được 300kg lúa, thì 3ha đã mất trắng tới 18 tấn lúa một vụ. Năm nay, bà con thôn Lệ Sơn Nam tiếp tục gieo cấy lúa trên một phần diện tích này, nhưng cũng như vụ mùa trước, lúa có khả năng bị mất trắng hoàn toàn. Hiện cây lúa đã ra đòng trổ bông, kết hạt nhưng hạt rất lép, nhiều bông lúa trắng khô.
Ông Nguyễn Ái, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, vừa rồi UBND xã Hòa Tiến, Phòng TN-MT huyện Hòa Vang và Sở TN-MT Đà Nẵng đã nhiều lần lấy mẫu, đề nghị ngành chức năng thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam cùng phối hợp tìm nguyên nhân gây ô nhiễm, giải quyết sự việc, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. |
3.Theo anh Nguyễn Phú Minh, cán bộ địa chính – xây dựng, UBND Hòa Tiến cho biết: “Không chỉ thôn Lệ Sơn Nam bị ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm, mà người dân ở 2 thôn cận kề là Lệ Sơn 2 và Nam Sơn cũng bị ảnh hưởng. Ngày 1-8-2016, Sở TN-MT Đà Nẵng đã có Công văn số 1870/STNMT-CCMT gửi UBND thị xã Điện Bàn, với nội dung: Sở TN-MT Đà Nẵng nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng cá, vịt nuôi bị chết tại khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến. Ngày 8-7-2016, sở đã phối hợp với Phòng TN-MT huyện Hòa Vang và người dân địa phương khảo sát thực tế, lấy 2 mẫu nước mặt để phân tích chất lượng. Trên cơ sở kiểm tra thực tế và kết quả phân tích chất lượng nước, Sở TN-MT Đà Nẵng có ý kiến. Theo đó, gần khu vực thôn Nam Sơn có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T đang hoạt động có xả thải vào mương dẫn nước chảy vào khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn. Hai là, theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước tại đây cho thấy, thông số sắt vượt 2,3 lần và kẽm 2,9 lần so với quy chuẩn Việt Nam. Do vậy, Sở TN-MT Đà Nẵng đề nghị UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty T.Đ.T, yêu cầu đơn vị phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, phía thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn chưa trả lời ngành chức năng Đà Nẵng và người dân xã Hòa Tiến. Mới đây, ngày 12-4-2017, trước phản ánh của người dân, các đơn vị chức năng như TN-MT, Cảnh sát môi trường của huyện Hòa Vang và TP.Đà Nẵng đã lấy mẫu phân tích nhằm có cơ sở xử lý sự việc cùng các đơn vị có chức năng liên quan của thị xã Điện Bàn đến Hòa Tiến cùng lấy mẫu. Hiện tại, chúng tôi đang đợi đơn vị chức năng và chính quyền liên quan trả lời”, anh Minh cho biết thêm.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)