Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người dân đối mặt với ô nhiễm, bệnh tật vì rác

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyn Th Đng (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) bc xúc vì sng chung vi ô nhim t nhiu năm nay

Tại một số địa phương vùng ven TP.HCM, gần đây rác thải sinh hoạt lại vây kín từ hẻm đến kênh rạch khiến đời sống người dân đối mặt với ô nhiễm và bệnh tật.

Hàng chục hộ dân nhiều năm “sống chung” với rác ở khu dân cư nằm dưới chân cầu Kênh Tẻ (Q.4) phản ánh tình trạng rác thải ngập ngụa, ô nhiễm nặng khiến cuộc sống bị đảo lộn. Có mặt tại xóm nhà này, chúng tôi không thể tin rằng người dân đã phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm đã nhiều năm. Đây là một con rạch khá rộng thuộc Kênh Tẻ được xem là “túi” chứa nước nhưng rác ken kín mặt khiến dòng chảy tắc nghẽn, mùi tanh hôi xộc thẳng vào mũi.

Chị Nguyễn Thu Hằng, người sống tại đây cho biết, thỉnh thoảng phường có đợt thu gom rác lên chất thành đống rồi đốt nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mùi thối từ nước kênh đã chịu không thấu, đằng này thêm rác và xác chết động vật phân hủy nên phải đóng kín cửa cả ban ngày. Nhưng đáng sợ nhất là muỗi và ruồi nhặng, đêm đến là nỗi ám ảnh bởi giấc ngủ không tròn.

Bà Nguyễn Thị Đặng (ngụ P.Tân Hưng, Q.7) ngao ngán: “Những ngày mưa lớn gặp triều cường, nước dâng cùng với rác thải ngấp nghé cửa nhà, dọn hôm trước thì hôm sau trở lại như cũ”. Bà Đặng khẳng định, rác thải này do ở nơi khác thải ra theo con nước lên đây ứ đọng lại chứ người dân ở đây không hề đổ rác xuống rạch.

Ghi nhận của chúng tôi, hai bên con rạch này là xóm lao động nghèo. Ông Ngô Khởi, người sống lâu năm ở đây cho biết một bộ phận người dân kém ý thức trong sinh hoạt, bao nhiêu rác thải tiện tay vứt xuống, đặc biệt là rác khó phân hủy lâu dần con rạch bị “tắc”.

Chỉ tay xuống rạch ken cứng rác thải, ông Khởi khẳng định trước đây có nhưng không nhiều, nay mặt kênh muốn bằng những con đường ra vào hẻm do rác san bằng.

Chạy dọc theo đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) là con rạch thuộc nhánh của rạch Đỉa dù mới được nạo vét, cải tạo mới đây nhưng đã ngập rác thải. Anh Nguyễn Văn Ngoan sửa xe gắn máy gần đây nói như than: Ngày mưa thì còn dễ chịu, hôm nào nắng gắt mùi hôi rất khó chịu.

“Người dân thiếu ý thức xả rác xuống rạch cũng có nhưng nhiều nhất vẫn là rác từ tiểu thương chợ chồm hổm dọc theo con đường này. Cuối mỗi buổi chợ trưa, chiều, từng bao rác quăng thẳng xuống rạch như thể đấy là một bãi rác”, anh Ngoan quả quyết.

Con hẻm 480 Bình Quới dẫn vào các khu dân cư thuộc P.28, Q.Bình Thạnh gần đây đã trở thành “con hẻm rác”, rác theo triều cường xuống các con kênh gây ô nhiễm. Anh Nguyễn Hạnh (KP.6, P.28) bức xúc: Mặc dù xe rác dân lập thu gom 2 lần/ ngày nhưng nhiều hộ dân vẫn có thói quen xấu vứt rác ra đường. Những ngày mưa hoặc triều cường, rác lênh láng đường, môi trường sống vốn trong lành trở nên ô nhiễm nặng.

Chị Nguyễn Thị Phượng (cán bộ Hội Phụ nữ P.28) cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định còn hướng dẫn người dân phân loại rác nhưng một bộ phận người dân chưa làm được.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) khẳng định tình trạng xả rác xuống kênh rạch ở một số địa phương vẫn còn tái diễn, đây cũng là nguyên nhân gây ngập sau mỗi đợt triều cường cũng như mưa lớn khiến người dân phải đối mặt với ô nhiễm, bệnh tật. “Quy định về chế tài đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đã có nhưng các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong xử lý”, bà Mỹ nói.

T.A

 

Bình luận (0)