Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người dẫn đường cho trẻ mù đến với tri thức

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phan Thị Bé đang hướng dẫn các em học sinh khiếm thị đo hình
Chị là 1 trong 7 cá nhân được nhận Giải thưởng vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố lần thứ VI của Quỹ vì sự tiến bộ phụ nữ TP.HCM. Với dáng người nhỏ bé, ít ai nghĩ chị lại có nhiều sáng kiến đổi mới công tác giảng dạy cho học sinh khuyết tật đến thế. Chị là Phan Thị Bé – giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Chị tâm sự: “Đổi mới công tác giáo dục (GD), đó là nhiệm vụ cấp thiết mà ngành GD nước ta đang hướng tới. GD trẻ khuyết tật là một mảng của GD Việt Nam, do đó đổi mới công tác GD trẻ khuyết tật là không ngoại lệ. Chúng tôi, những người làm công tác GD trẻ khiếm thị luôn trăn trở làm sao đem lại hiệu quả thiết thực trong quá trình dạy học”.
Từ cô giáo trường làng…
Chị sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi. Cũng như nhiều người con của vùng đất anh hùng này, tốt nghiệp THPT chị thi vào trường sư phạm. Năm 1987, chị tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn). Sau đó chị được phân công dạy vật lý ở Trường THCS Tân Tiến, rồi Trường THCS Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Trong những năm tháng dạy học ở đây, chị luôn tiếp xúc với những cô cậu học trò quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Có nhiều đứa, quanh năm phải mặc những chiếc áo miếng vá chồng lên miếng vá để tới trường. Thương cho lũ học trò nghèo, cái đầu lúc nào cũng khét lẹt mùi nắng, chị đã dành hết tình cảm của một người chị, một người mẹ cho các em. Những đồng lương ít ỏi của nghề dạy học, chị dành phần lớn để lo cho học sinh. Đứa này chị mua cho cái áo, đứa kia chị mua cho cái quần, đứa thì được vài cuốn tập, cây viết. Biết bao đứa học trò vì nghèo mà phải “bước ra” khỏi lớp học, nhưng chị đã dang tay ra níu giữ các em ở lại.
Hơn 20 năm đã trôi qua, có lẽ chị không còn nhớ được những gương mặt học trò lấm lem ngày ấy. Nhưng, những cô cậu học trò của ngày xưa thì mãi mãi không bao giờ quên công lao của chị. Nhờ chị mà các em đã nên người…
Có lẽ, trong thâm tâm, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình rời ra vùng đất này. Rời xa những đứa học trò, sáng tới trường, chiều ra đồng mót lúa hay lóc cóc theo đuôi con trâu, con bò.
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”, năm 1995, sau khi lấy chồng (Q.3, TP.HCM) chị đã chuyển công tác về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Về đây, chị không chỉ dạy môn vật lý mà dạy cả môn toán, chị bảo: “Vì trường thiếu giáo viên”.
… đến đem “ánh sáng” cho trẻ khiếm thị
Gặp chị ở buổi lễ trao Giải thưởng vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố lần thứ VI, tôi xin số điện thoại của chị để viết bài. Chị nói, chị không có di động và cho tôi hai số điện thoại bàn – một ở trường và một ở nhà. Lạ thật! Ở một thành phố lớn, ngay cả mấy bà thu mua ve chai, mấy cậu bé bán vé số, đánh giày còn có điện thoại di động để mà xài thì tại sao một cô giáo làm trong nghề hơn 20 năm như chị lại không có.
Cũng vì chị không có di động mà sau rất nhiều cuộc gọi tôi mới hẹn và gặp được chị…
Nhớ lại những ngày đầu tiên mới về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chị kể: “Ở trường bình thường, học sinh thấy giáo viên là chào. Còn ở đây, học sinh cứ đụng cô hoài vì các em không thấy đường. Bởi vậy, sau này mỗi lần thấy học sinh là tôi phải tránh để khỏi bị các em đụng vào”.
Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ. Khó khăn nhất là dạy làm sao để các em hiểu được bài. Với học sinh sáng mắt, nói cái gì các em cũng hiểu. Nhưng với học sinh khiếm thị thì khác, khi nói đến một vật nào đó là phải diễn tả, phải so sánh thì may chăng các em mới hiểu.
“Chẳng hạn trong môn vật lý, khi mô tả về cái máy phát điện. Với học sinh sáng mắt chỉ cần chỉ vào hình ảnh hoặc cái máy và cứ thế nói là các em hiểu. Nhưng đối với học sinh khiếm thị, khi giáo viên nói cái máy phát điện gồm một cục nam châm hình chữ U thì cô giáo phải cầm cái cục nam châm này đưa cho học sinh sờ. Trong lớp có bao nhiêu học sinh thì đưa bấy nhiêu lần. Mỗi lần đưa là một lần hướng dẫn tỉ mỉ từng ly từng tý một. Trong môn toán, ví dụ như vẽ hình tam giác. Với học sinh sáng mắt, giáo viên chỉ cần vẽ cái hình lên bảng là xong. Nhưng khi dạy học sinh khiếm thị, đầu tiên là yêu cầu các em quan sát hình trong sách (sờ bằng tay, hình nổi). Sau đó nói với các em hình tam giác là hình có 3 đỉnh và yêu cầu các em xác định 3 điểm không thẳng hàng trên bảng mút rồi nối các điểm lại với nhau. Với những hình như chữ nhật, hình bình hành, hình lục giác… thì phức tạp hơn nên phải có dụng cụ hỗ trợ”, chị Bé cho biết.
Những sáng kiến kinh nghiệm
“Để học sinh chiếm lĩnh được tri thức tốt nhất trong thời đại hiện nay thì người thầy cần phải cải tiến phương pháp GD. Trong nhiều năm giảng dạy ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cùng với đồng nghiệp, chúng tôi đã suy nghĩ, tìm tòi để đưa ra một vài sáng kiến cải tiến phương pháp GD đổi mới việc dạy các môn khoa học tự nhiên cho học sinh khiếm thị”, chị Bé chia sẻ.
Trước tiên phải nói đến sáng kiến “Tập hợp và hệ thống hóa một số dạng tính nhẩm môn toán cho học sinh khiếm thị”. Ví dụ, 25×0,5 tức là 25 chia cho 2; 25×0,125 là 25 chia cho 8; 23×11 thì lấy 2+3=5 rồi chen số 5 vào giữa số 23 tức là 253. Với sáng kiến này, khi tính toán học sinh khiếm thị ít phải sử dụng bàn toán Soroban. Bởi nếu tính bằng bàn toán này thì rất chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Kế đến là sáng kiến “Một vài giải pháp thực hành thí nghiệm vật lý – phần điện cho học sinh khiếm thị lớp 7”. Chị tâm sự: “Bình thường học sinh khiếm thị ít thực hành, vì nhiều người nghĩ các em không thể làm được. Học mà không hành thì rất thiệt thòi cho các em và tiết học cũng không sôi động, không gây được hứng thú cho học sinh. Xuất phát từ thực tế này, sáng kiến thực hành thí nghiệm vật lý – phần điện đã ra đời. Theo đó, học sinh khiếm thị đã biết mắc bóng điện này nối với bóng điện kia, mắc song song…”.
“Bảng từ dành cho học sinh khiếm thị sử dụng trong việc học tập” cũng là một trong những sáng kiến kinh nghiệm của chị. Với học sinh sáng mắt thì vẽ những vòng tròn chồng lên nhau không có gì là khó. Tuy nhiên với học sinh khiếm thị, đó lại là một việc không hề đơn giản. Vì vậy, khi “bảng từ” ra đời, chị đã lấy những cái vòng tròn bằng kim loại gắn lên bảng từ (mặt bảng bằng kim loại, bên trong có nam châm). Lúc đó, học sinh sờ vào và nhanh chóng hiểu bài.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi Bộ GD-ĐT thay sách giáo khoa, chị đã cùng với các đồng nghiệp trong trường là những người tiên phong thực hiện chuyển dịch sách giáo khoa từ chữ in sang chữ Braille cho học sinh của trường. Sau đó, chị và các đồng nghiệp đã được Viện Khoa học GD mời phối hợp chuyển dịch bộ sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị trong cả nước.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bằng tình yêu và sự kiên trì của một người thầy, từ ngày này qua tháng khác, chị đã truyền đạt bao kiến thức đến với các em học sinh thiếu may mắn. Có lẽ vì vậy mà những học sinh do chị dạy đều đạt loại khá, giỏi, đặc biệt là học sinh lớp 9 tốt nghiệp 100%.

 

Bình luận (0)