Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Người dân khổ vì dịch muỗi bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Ô nhiễm dưới chân cầu An Lộc, P.Thạnh Lộc, Q.12 là nguyên nhân gây nên dịch muỗi bùng phát ở khu vực này
Không chỉ dọc bờ kênh, bãi rác mà ngay cả những khu dân cư sạch sẽ, muỗi vẫn tìm cách đột nhập để sinh sôi nảy nở và gieo rắc mầm bệnh.
Ngán vì “giặc muỗi”
Khu du lịch Bến Xưa (P.Thanh Lộc, Q.12) có khuôn viên rộng và thoáng mát nằm sát bên sông Vàm Thuật đang bị ô nhiễm nặng nên mùa mước cạn rất nặng mùi hôi. Cặp 2 bên bờ sông có nhiều bãi rác thải đã thành nơi trú ngụ của họ hàng nhà muỗi trong mấy tháng cuối mùa khô. Trước đây khách có thể vào uống cà phê đến 6, 7 giờ tối nhưng gần đây đến giờ đó muỗi đã bay ra quá nhiều nghe “tiếng kêu như sáo thổi”. Không chỉ “oanh tạc” dọc bờ sông, muỗi còn “làm mưa làm gió” tại các hộ dân và chung cư gần đó. Anh Bảy Cù chủ tiệm phở trên đường số 1 cho biết: “Nếu trước đây 2 anh em tôi thức suốt đêm bán vẫn không sao thì hai tháng nay muỗi nhiều quá nên sau 9 giờ là phải đóng cửa đi ngủ”. Điều lạ hơn là những căn hộ ở tầng 5, 6 trở lên tại chung cư An Lộc, chung cư Nguyễn Văn Dung (P.6, Q.Gò Vấp) trước đây không hề có muỗi nhưng bây giờ gia đình nào cũng phải giăng mùng trước khi đi ngủ để khỏi bị loài động vật hút máu quấy nhiễu.
Đó cũng là thảm cảnh của các hộ gia đình trên đường Phạm Văn Đồng và Nơ Trang Long thuộc P.13, Q.Bình Thạnh khi sống gần rạch Lăng và rạch Thủ Tắc – địa bàn lý tưởng nhiều năm nay của họ hàng nhà muỗi. Bà Lan, 60 tuổi, nhà ở gần cầu Bông nói đùa: “Tụi tôi sống chung với muỗi quen rồi, ngày nào không có mới là lạ”. Đúng như lời bà Lan, khi chúng tôi bước chân xuống bờ kênh thì đi tới đâu đàn muỗi thấy động bay ra tới đó và có cảm giác như giơ tay ra là vơ được một nắm muỗi vậy. Theo ý kiến nhiều người dân không chỉ các con rạch bị ô nhiễm mà ngay những công trình đang xây dựng dở có nhiều ao tù nước đọng cũng đầy muỗi. Đây cũng là chuyện bức xúc của nhiều người dân với chính quyền địa phương vì mỗi khi có dịch muỗi bùng phát là cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Không chỉ các hộ kinh doanh buôn bán mà các trường học, nhà trẻ cũng bị ảnh hưởng từ dịch muỗi.
Hậu quả mà muỗi gây ra nặng hơn đó là căn bệnh sốt xuất huyết. Để thực hiện chức năng sinh sản muỗi cái Anophen phải chích hút máu người và trở thành trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và cả sốt rét. Không chỉ có trẻ em là nạn nhân chính của “giặc” muỗi mà nhiều người lớn cũng bị sốt xuất huyết do muỗi truyền bệnh. Chính vì thế, cứ đến mùa này vợ chồng bà Lan khuyên đứa con dâu đưa 2 đứa cháu nội “sơ tán” sang bên nhà ngoại để tránh “kẻ thù” muỗi.
Không chủ quan với sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Phòng Kế hoạch Tổng hợp, thời điểm này mỗi tuần Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận trung bình từ 6-8 ca sốt xuất huyết mặc dù chưa phải là cao điểm mùa dịch. Riêng con số bệnh nhân khám điều trị thường xuyên ngoại trú và nội trú thì vẫn cao hơn. Vì thế, các BS cũng khuyến cáo không nên chủ quan mà luôn theo dõi thường xuyên để đề phòng căn bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra. Theo BS. Lê Thị Bích Liên – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu phụ huynh thấy con mình sốt liên tục trên 2 ngày, khóc nhiều, đau bụng đôi khi chảy máu cam hoặc ói ra máu, mệt mỏi bỏ bú thì nên nghĩ đến sốt xuất huyết. Chính vì thế không nên tự ý mua thuốc chữa tại nhà mà phải đưa ngay vào bệnh viện để chẩn đoán và điều trị. Khó khăn của căn bệnh này là nhiều người dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, siêu vi… Cũng theo BS. Liên, trẻ dưới 10 tuổi dễ bị sốt xuất huyết và sức đề kháng yếu nếu phát hiện trễ thì trẻ càng đuối sức và khó chữa hơn. 
Qua điều tra chúng tôi thấy, nhiều năm nay trung tâm y tế dự phòng các quận/ huyện thật sự quan tâm tới công tác phòng chống dịch sốt huyết nhất là vào những thời điểm giao mùa nhạy cảm. Ngoài việc dọn cỏ rác, nhân viên của trung tâm còn tổ chức các đợt phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên tình hình ô nhiễm tại các địa phương không phải lúc nào cũng được cải thiện theo chiều hướng tốt do ý thức của người dân. Các lò mổ gà vịt, heo bò dọc các con sông và kênh rạch vẫn xả nước thải vô tội vạ đó là chưa nói đến các loại rác trôi nổi khác ngoài đường. Chính vì thế trung tâm y tế dự phòng các quận/ huyện luôn làm công tác, vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không được xả rác bừa bãi, phát quang bụi rậm, khai  thông ao tù nước đọng.
Bài, ảnh: Quang Phan
 
BS. Lê Thị Bích Liên khuyến cáo: “Ngoài việc đi ngủ phải mắc mùng, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện loại cửa lưới chống muỗi rất hữu ích cho việc ngăn chặn dịch muỗi bùng phát, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cho cả cộng đồng nhất là trẻ nhỏ. Phải chung tay giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, có như vậy chúng ta mới xây dựng được mô hình thành phố văn minh, xanh sạch đẹp”. 

Bình luận (0)