Những ngày qua, cuộc sống của nhiều người dân vùng ven thuộc phía Nam Sài Gòn như Q.4, Q.7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ gần như đảo lộn do ruồi xuất hiện dày đặc, bâu kín khắp nơi…
Chưa đầy 10 phút các miếng keo dính đã đen vì ruồi (ảnh chụp tại một quán ăn trên đường Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) |
Chỉ còn thiếu mắc mùng ăn cơm
“Lau sàn nhà, bàn ghế và khu vực bếp mỗi ngày 4-5 lần, không dự trữ bánh ngọt, thức uống có đường trong nhà nhưng ruồi vẫn bâu kín khắp các vật dụng”, bà Nguyễn Thị Lai (ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) rầu rĩ. Theo người dân địa phương, ruồi xuất hiện nhiều khoảng một tuần nay. “Cứ tưởng sau cơn mưa, dội rửa các chỗ dơ bẩn thì ruồi sẽ giảm nhưng còn nhiều hơn”, bà Lai tiếp.
Chúng tôi vào sâu trong một con hẻm dưới chân cầu rạch Dơi thuộc xã này, người dân cho biết vừa quét dọn, thu gom rác, ruồi có giảm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại xuất hiện dày đặc. Không khó bắt gặp hình ảnh ruồi bâu kín trên trái cây thừa, bã mía… rơi vãi trong hẻm. Theo phản ánh của người dân, ruồi xuất hiện với mật độ dày vào buổi chiều, khoảng từ 14 giờ đến 17 giờ. “Cứ nghĩ do các thùng rác, bô rác chưa kịp thu gom là nguyên nhân nhưng không phải, khi vận chuyển, xử lý rồi vẫn còn ruồi”, bà Tiến, hàng xóm của bà Lai than thở. Trước bữa ăn, người dân nhặt bã mía, cùi bắp… bỏ ngoài sân để “dụ” ruồi. “Tới bữa cơm, tui bật quạt thật mạnh chĩa vào mâm cơm và bỏ thức ăn “dụ” ruồi ở các góc thì may ra mới yên”, bà Tiến tiếp.
Cách đó không xa, xã Phước Lộc (Nhà Bè) những ngày qua bà con ăn không ngon ngủ không yên vì ruồi. Tại chợ cùng tên, từ quán bán đồ ăn sáng đến sạp thịt heo, hàng cá ruồi bu đen kín. “Nhiều quá, quạt qua bên này thì ruồi lại đáp xuống bên kia”, bà Lệ, tiểu thương bán cá ở chợ lắc đầu ngán ngẩm.
Tại Q.4, một cửa hàng thịt heo, giò chả trên đường Đoàn Văn Bơ (P.12), phía trước bày những tờ báo dính máu heo rồi đặt lên đó miếng keo dính ruồi. Chị chủ cửa hàng nói: “Chỉ có cách đó mới hạn chế được ruồi”. Quan sát của phóng viên, chừng 10 phút cả hai miếng dính đã đen kịt ruồi. “Mỗi buổi chợ phải mất từ 3-5 miếng như thế này”, người này cho biết thêm.
“Ruồi, nhặng xuất hiện khá dày đặc tại các bãi rác dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Người dân ngụ trong các khu dân cư thuộc địa bàn xã cũng hết sức vất vả trong những ngày qua. Ban đầu ruồi chỉ có ở khu vực bên ngoài, sau đó lan ra khắp nơi và “tấn công” bữa ăn. Chưa đến nỗi phải mắc mùng để ăn cơm như những năm trước nhưng chúng tôi thật sự quá mệt mỏi vì ruồi”, bà Thủy, người dân ngụ ấp 3, xã Bình Hưng, Bình Chánh nói.
Ruồi lờn… thuốc
Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo (Bệnh viện An Bình) cảnh báo: “Ruồi, nhặng là những ổ bệnh cực kỳ nguy hiểm mà người dân không thể lơ là. Bất kỳ chỗ nào trong nhà cũng có thể là nơi nhặng (ruồi xanh) sinh trưởng và đẻ ấu trùng. Nhặng thường xuất hiện ở nơi ô nhiễm, các điểm giết mổ hoặc chế biến thịt tươi. Khi bâu vào thức ăn, thịt cá tươi sống, rau củ quả hỏng và đẻ ấu trùng sống ký sinh. Bô rác, thùng rác trong nhà là nơi sản sinh ấu trùng giòi và sau đó phát triển thành nhặng”.
Ông Nguyễn Hữu Nhân (nguyên cán bộ tuyên truyền Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh) cho rằng: “Ruồi xuất hiện dày đặc có thể xung quanh môi trường ô nhiễm nặng do lối sống sinh hoạt của người dân, điều kiện làm việc của các nhà máy, xí nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, để phòng tránh ruồi cần đậy, bảo quản thức ăn thật kỹ; dọn dẹp rác, khu vực ô nhiễm thường xuyên…”.
Về thực trạng phun thuốc nhiều lần mà ruồi vẫn phát sinh, ông Nhân khẳng định: “Ruồi lây lan nhanh trên diện rộng, đặc biệt thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Dù đã phun xịt nhiều lần nhưng dịch ruồi vẫn hoành hành là do bị lờn thuốc. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lựa chọn và thay đổi loại thuốc phù hợp”.
Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM – cho biết đã triển khai các biện pháp phòng chống muỗi, ruồi và các loại côn trùng khác như xịt thuốc, xử lý dứt điểm các bãi rác tự phát gây ô nhiễm…
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)