Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dân không nên hoang mang trước biến chủng mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 29-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì buổi họp báo.


Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP phát biểu tại buổi họp báo

Biến chủng gì đi nữa thì biện pháp tốt nhất vẫn là thực hiện nghiêm 5K

Công bố cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, tính đến ngày 25-11, dịch Covid-19 tại TP.HCM đang ở cấp độ 2. Đối với cấp quận, huyện, TP.Thủ Đức, trong số 22 địa phương có 9 địa phương đạt cấp độ 1 và 13  địa phương đạt cấp độ 2. Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 123/312 đạt cấp độ 1; 184/312 cấp độ 2 và 5/312 cấp độ 3.

Về tình hình phòng chống dịch, ông Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 28-11, có 468.013 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Hiện TP đang điều trị 14.580 bệnh nhân, trong đó có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 374 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 28-11, có 1.094 bệnh nhân nhập viện, 1.047 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 277.431), 62 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 17.968).

Theo ông Hải, những ngày qua số ca mắc, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP vẫn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, biến chủng Omicron cũng gây tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, TP khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh.

“Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý các tình huống khi ca mắc mới tăng cao. TP đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế”.

Ông Hải nhấn mạnh bốn việc cần thực hiện trong công tác phòng chống dịch, cũng như trước biến chủng mới Omicron. Theo đó, dù là biến chủng gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp, do đó biện pháp tốt nhất là phải thực hiện nghiêm 5K, trong đó người dân cần giảm tối đa tụ tập đông người. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng này. Cùng với đó, chuẩn bị các kịch bản để đối phó với biến chủng mới Omicron, như xây dựng bệnh viện dã chiến, chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, cũng cố trạm y tế phường xã, tăng cường tiêm vắc xin phòng dịch. Một trong những biện pháp quan trọng khác là tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn, bài bản hơn đối với y tế công và y tế tư, đông y với tây y, quân y và dân y.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo ông Hải, tính đến 28-11, TP đã triển khai tiêm được 7.907.595 mũi 1 và 6.667.714 mũi 2.

Người tạm trú có thể đến công an địa phương để làm căn cước công dân

Liên quan đến việc người dân có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh khác nhưng tạm trú tại TP.HCM sẽ làm căn cước công dân như thế nào? Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP cho biết, những người này có thể đến công an phường, xã, thị trấn, các điểm làm căn cước công dân để được làm căn cước công dân. Lưu ý, khi đi làm căn cước công dân nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để phục vụ cho lực lượng công an kiểm tra trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, như chứng minh nhân dân, bản sao sổ hộ khẩu hoặc bản chính nếu có. “Làm căn cước công dân đòi hỏi thông tin phải chính xác cho nên người dân cần khai báo, cung cấp thông tin chính xác để tránh trường hợp đi lại nhiều lần”.

Liên quan đến vụ việc phạm pháp hình sự, trong đó có trộm cắp tài sản, theo ông Hà, thống kê từ ngày 1-10 đến 28-11, trên địa bàn TP xảy ra 548 vụ phạm pháp hình sự, riêng án trộm cắp tài sản xảy ra 233 vụ, trong đó 156 vụ trộm cắp tài sản mô tô, xe gắn máy. Như vậy cứ 3 vụ trộm cắp tài sản thì có 2 vụ trộm cắp tài sản mô tô xe gắn máy. Ông Hà đánh giá số vụ trộm cắp tài sản gia tăng. Theo đó, công an TP đã có sự chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tập trung các giải pháp để kéo giảm phạm pháp hình sự nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng.

Thông tin về tình hình lao động cuối năm, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP, cho biết, hiện nay có hơn hơn 39.700 lao động quay lại TP làm việc trong các doanh nghiệp. TP có 127 đơn vị tham gia giới thiệu việc làm, trong đó có 2 doanh nghiệp nòng cốt là Trung tâm Dịch vụ việc làm TP và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên có chức năng tổ chức, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn TP. Qua đó, đã tổ chức nhiều phiên trên sàn giao dịch việc làm để kết nối người lao động và thị trường có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn việc làm.

“Tính từ ngày 1-10 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên đã tư vấn, giới thiệu cho hơn 63.000 lao động, giới thiệu đến các doanh nghiệp hơn 26.500 lao động thuộc các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử… Từ giờ đến cuối năm TP sẽ gia tăng nhu cầu lao động để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và chuẩn bị nguồn lao động cho những tháng đầu năm 2022 để thực hiện các đơn hàng, giao hàng cho đối tác. Dự kiến cần đến hơn 33.000 cho đến 42.000 người, tập trung nhiều ở lao động phổ thông với khoảng 70%, phục vụ cho các ngành may mặc, da giày, lương thực thực phẩm, các ngành thương mại dịch vụ…”, ông Lâm cho hay.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)