Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dân không nên hoang mang với Ebola

Tạp Chí Giáo Dục

Đo thân nhiệt của hành khách đến từ vùng có dịch tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 12-8. Ảnh: K.Anh
Trước thông tin dư luận xôn xao về việc tại Việt Nam đã có trường hợp mắc bệnh Ebola, sáng 12-8, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: “Trước thông tin Việt Nam có một ca bệnh Ebola ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi khẳng định đây là thông tin không chính xác. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào và tại các nước châu Á chưa có trường hợp nào được xác định đã nhiễm bệnh này.”
Nguy cơ lây nhiễm virus Ebola vào Việt Nam rất thấp
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về dịch bệnh Ebola do Bộ Y tế tổ chức sáng 12-8 tại Hà Nội, ông Masaya Kato, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra nhận định, thực tế cho thấy nguy cơ lây nhiễm virus Ebola vào Việt Nam rất thấp.
Bộ Y tế nhận định dịch diễn biến phức tạp tại các nước Tây Phi nhưng người dân không nên hoang mang, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nào mắc bệnh này.
Phân tích về việc tại sao nguy cơ mắc bệnh tại Việt Nam thấp, ông Masaya Kato giải thích, bệnh Ebola lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người, động vật nhiễm virus nhưng đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm lan tràn thấp vì chưa có nguồn xác định.
Bên cạnh đó, ông Masaya Kato cũng bày tỏ quan điểm cho rằng thời gian qua Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã có những kế hoạch hành động phòng chống dịch cũng chuẩn bị rất tốt, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan thấp.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, dịch bệnh mới nổi có những biến đổi không lường hết được nên càng hạn chế các bệnh vào Việt Nam càng tốt. 
Đại diện của WHO nhấn mạnh, ngành y tế Việt Nam cần tập trung vào khâu phòng chống tốt hơn như thực hành tốt khâu quản lý bệnh nhân, thực hiện tốt việc phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng và cộng đồng để tuyên truyền tốt về dịch bệnh.
Kiểm soát, giám sát sức khỏe du khách từ vùng dịch
Ngày 12-8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm (Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế – TTKDYTQT) thì: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo về việc triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh do virus Ebola, trung tâm đã triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, tại khu vực cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất, trung tâm đã triển khai việc giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đã đến, lưu trú tại 4 quốc gia đang có dịch Ebola bùng phát (gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria). Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân phát tờ rơi, các địa chỉ của các cơ sở y tế để du khách có thể liên hệ khi cần.
Mỗi ngày, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 chuyến bay từ khu vực Trung Đông (nơi có thể có những chuyến bay có hành khách từ vùng Tây Phi nhập cảnh về Việt Nam), với khoảng 750 hành khách. Tính đến trưa 12-8, tại TP.HCM mới chỉ có một du khách người Nigeria nhập cảnh nhưng trong tình trạng sức khỏe tốt”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cũng cho biết: Tùy theo tình huống thực tế, TP.HCM sẽ đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch Ebola cụ thể. Hiện nay, khi chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nên TP triển khai thực hiện theo hướng kiểm tra sàng lọc tại Sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế để cách ly kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ. Trong đó, TTKDYTQT là “lá chắn” đầu tiên để ngăn chặn bệnh do virus Ebola tại Sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nơi đây có 4 máy đo thân nhiệt hành khách từ xa – 2 máy hoạt động thường xuyên, 2 máy còn lại sẽ bổ sung khi hành khách quá đông. Kiểm dịch viên y tế của trung tâm đã được hướng dẫn những quy trình giám sát, kiểm soát, xử lý dịch bệnh theo quy định. Kiểm dịch viên y tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kiểm tra nội dung khai báo y tế của hành khách và đóng dấu xác nhận đã kiểm tra trước khi hành khách làm thủ tục nhập cảnh, quá cảnh. Tờ khai báo y tế có đủ các nội dung như tên, tuổi, vùng quốc gia xuất phát; các triệu chứng sốt, tiêu chảy, vàng da, xuất huyết, khó thở… Khi phát hiện hành khách nghi ngờ nhiễm Ebola, kiểm dịch viên y tế áp dụng biện pháp cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển đến bệnh viện điều trị bằng xe chuyên dụng.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu 3 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Trong đó, người bệnh là người lớn sẽ được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới; nếu là trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2. Cả 3 bệnh viện hiện đã bố trí đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị, hóa chất dự phòng để điều trị những bệnh truyền nhiễm.
H.Triều – T.Giang
Nói về cơ chế lây truyền của bệnh Ebola, vị đại diện của WHO phân tích rõ, có hai cách lây truyền virus Ebola. Thứ nhất là lây trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm virus có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong, động vật nhiễm virus. Thứ hai là lây gián tiếp qua tiếp xúc với dịch xét nghiệm, nước mắt, nước tiểu, máu vướng ra môi trường như bàn, giường chiếu, quần áo… Đường lây truyền virus của trẻ cũng tương tự như người lớn. Ngoài ra, virus cũng có thể lây qua đường sữa mẹ, nếu người mẹ bị bệnh.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)