Người dân ở khu vực phong tỏa nếu có vấn đề về sức khỏe cần được cấp cứu có thể gọi “115” để được Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe, kíp cấp cứu đến sơ cấp cứu và chuyển viện nếu cần.
Nội dung này được nêu trong hướng dẫn xử lý tình huống khi người dân sống ở khu vực phong tỏa có vấn đề về sức khỏe (chưa xác định trường hợp nghi mắc Covid-19) của Sở Y tế TP.HCM vừa gửi đến các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm cấp cứu 115 TP; trung tâm y tế TP.Thủ Đức và quận, huyện.
Người dân ở những khu vực phong tỏa nếu có vấn đề về sức khỏe cần được cấp cứu có thể gọi “115” để được cấp cứu kịp thời
Hướng dẫn nêu, người dân ở khu vực phong tỏa có vấn đề về sức khỏe cần được cấp cứu có thể gọi “115” để được Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe, kíp cấp cứu đến sơ cấp cứu và chuyển viện nếu cần. Trường hợp người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh mà không phải cấp cứu như khám thai, chạy thận nhân tạo, hóa trị, xạ trị… cũng có thể gọi “115” để Trung tâm cấp 115 cứu điều phối xe đủ điều kiện vận chuyển người cách ly theo quy định đến các bệnh viện khám, chữa bệnh.
Sở Y tế giao các bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh và cấp cứu người bệnh đến từ các khu vực phong tỏa thực hiện theo quy trình tiếp nhận người bệnh thuộc nhóm có yếu tố dịch tễ. Giao trung tâm y tế, phòng y tế TP.Thủ Đức, các quận, huyện hướng dẫn người dân tại các khu vực phong tỏa để biết và thực hiện.
Đơn vị này cũng đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thông báo cho các UBND phường, xã, thị trấn, các bộ phận trực tại khu vực phong tỏa hỗ trợ, tạo điều kiện để xe cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh vào khu vực phong tỏa để sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện.
Theo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM diễn biến rất phức tạp, số trường hợp phải cách ly tập trung ngày càng tăng. TP đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và cấp cứu cho người dân từ các khu vực bị phong tỏa đến các bệnh viện vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người bệnh trở nên cấp bách. Vì thế, các đơn vị cần nghiêm túc triển khai thực hiện, không để xảy ra trường hợp người bệnh ở các khu vực phong tỏa không được điều trị, cấp cứu kịp thời hoặc bị gián đoạn chăm sóc đối với các bệnh lý mạn tính cần theo dõi thường xuyên, định kỳ.
N.Trinh
Bình luận (0)