“Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng không đủ mạnh để chấm dứt ước mơ. Cứ mỗi lần vấp ngã, câu nói ấy lại nâng tôi dậy, cho tôi thêm nghị lực và niềm tin để đi tiếp trên con đường gian khó mà mình đã lỡ yêu. Đó là con đường đến với nghề giáo cao cả…”.
Người thầy khiếm thị Nguyễn Văn Long đã chia sẻ như thế sau hơn ba mươi năm kiên trì đeo đuổi ước mơ trở thành giáo viên. Ngày nay, ước mơ đó đã trở thành hiện thực, và câu chuyện của anh đã trở thành tấm gương, thắp lên ánh sáng về niềm tin trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Người thầy khiếm thị Nguyễn Văn Long đã đạt ước mơ dạy
các em học sinh cùng cảnh ngộ.
Nếu chỉ còn bóng tối
Năm 1977, bố mẹ Long mang chín người con từ Quảng Bình vào vùng kinh tế mới tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), chưa kịp an cư thì Long mắc bệnh sởi. Khi ấy, Long ba tuổi. Đôi mắt dần chuyển sang mờ đục, và ánh sáng không còn đến với cậu bé đang hăm hở ngắm nhìn cuộc sống.
Ngày ngày, nghe bạn bè cùng trang lứa đi học về ê a đánh vần, đọc thơ, Long đã rất thích. Năm lên mười, một ngày kia nghe radio và biết có trường dành cho người mù ở TP.HCM đang tuyển sinh, Long quyết định xin ba mẹ cho đi học. Rồi học hết THCS, chưa có trường phổ thông hoà nhập, nếu muốn lên cấp ba thì phải học bổ túc. Thương cậu học trò hiếu học, hiệu phó lúc đó là thầy Tâm phải năn nỉ giải thích, và cả cam kết về năng lực học tập, Long mới được trường Nguyễn An Ninh nhận vào học. Ý chí, quyết tâm và nghị lực đã giúp cậu học trò xa nhà luôn vươn lên trong học tập, học lực ba năm học và tốt nghiệp phổ thông của anh đều xếp loại giỏi.
Nhưng rồi một lần nữa, cánh cửa tri thức khép lại khi Long chạm tay. Không bỏ cuộc, một lần nữa anh tìm mọi cách mở cánh cửa đó. Và không phụ những gian khó, Long đã được thi đại học và đậu cả hai trường đại học Sư phạm và Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Long chọn học ngành lịch sử và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường với điểm số kỳ thi đại học xếp thứ nhì toàn khoa. Thời gian đầu ở giảng đường, Long gặp khó khăn từ mọi phía: đi lại, giao tiếp cho đến học tập. Khó nhất là tài liệu, giáo trình bằng chữ nổi thì hoàn toàn không có. Dần dần, nghị lực và lòng hiếu học của anh được thầy cô quý mến, thương yêu, bạn bè cảm phục; người chở đi lại, người giúp đọc sách, thu băng nên những khó khăn của Long đã vơi đi ít nhiều.
Sẽ nhóm lên ánh sáng
Suốt những năm tháng miệt mài học tập, Long chỉ ấp ủ duy nhất ước mơ sẽ có ngày làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ có chung hoàn cảnh như mình. Lắm lúc nản, vì ai nghe qua ước mơ đó cũng khuyên Long đừng đeo đuổi nữa, nó không hợp với một người khiếm thị. “Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng không đủ mạnh để chấm dứt ước mơ!” – câu nói ấy lại nâng đỡ tinh thần Long. Và cái ước mơ tưởng như viển vông của cậu bé khiếm thị ấy cứ lớn dần lên trong những lần tưởng như phải gác lại con đường học tập.
Còn nhiều lắm những gian khó mà với người bình thường chắc đã bỏ cuộc, Long lại bảo “nhỏ lắm”. Vì bằng niềm tin và nghị lực anh đã vượt qua. Ước mơ trở thành thầy giáo sau mười năm kiên trì đứng lớp không biên chế cũng đã thành sự thật trong sự ngưỡng mộ của nhiều người. Đến nay, thầy Nguyễn Văn Long là một trong tổng số 63 cán bộ giáo viên; là một trong ba thạc sĩ của trường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), thầy đứng lớp môn lịch sử và giáo dục công dân.
Chẳng thể đếm hết những chông gai để có ngày hôm nay, nhưng sự lạc quan, tin yêu mà thầy góp nhặt được trong đời cũng không nhỏ. Thầy mang đi sẻ chia cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ với hy vọng “mai sau các em sẽ trở thành người có ích cho xã hội”.
Theo Thanh Hà
SGTT
Bình luận (0)