Xóm giềng không ngớt dị nghị khi chứng kiến một ông già không vợ con từ nơi khác đến, tối ngày chăm lo cho 5-6 cô gái mang thai vượt mặt và vài đứa trẻ nheo nhóc…
Ông Ba "khùng" hạnh phúc bên một đứa "cháu nội"
“Tụi bây không còn nghe tao nữa phải không?”. “Anh Ba làm việc khác thì tụi em sẵn sàng ủng hộ, còn làm chuyện “trời ơi” ấy, anh Ba… khùng mất rồi”. “Tao khùng hay tụi bây thờ ơ, không dám nhìn thẳng vào sự thật? Tại sao lại để những đứa trẻ đó phải chết? Nếu chúng không chết thì sinh ra cũng thành đầu trộm đuôi cướp, hậu quả này ai gánh?”…
Đây là một trong rất nhiều lần tranh luận giữa người thương binh già Nguyễn Minh Mẫn (Ba Mẫn) với đồng đội cũ hiện là lãnh đạo một số cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành thành lập cơ sở từ thiện Từ Tâm Nhân Ái (TTNA) để nuôi dưỡng những phụ nữ mang thai bị phụ tình, trẻ sơ sinh, người già không nơi nương tựa… Cũng vì lao tâm khổ tứ lo việc này mà ông Ba bị nhiều người cho là… khùng! TTNA hiện đang chăm sóc miễn phí 28 đứa trẻ, 20 thai phụ bị người yêu bỏ và 40 cụ già.
Lo chuyện “bao đồng”
“Người khỏe giúp người yếu, người đến trước dìu kẻ đến sau, mỗi người cố gắng một chút nên giờ cũng ổn rồi. Lúc đầu, mọi việc cứ khó trăm bề” – ông Ba tâm sự. TTNA khi mới mở, năm 2006, chỉ là một căn nhà cấp 4 sơ sài ở Tân Uyên – Bình Dương.
Xóm giềng không ngớt dị nghị khi chứng kiến một ông già không vợ con từ nơi khác đến, tối ngày chăm lo cho 5-6 cô gái mang thai vượt mặt và vài đứa trẻ nheo nhóc. Nghe những đứa trẻ ấy chốc chốc cứ mè nheo réo gọi “Ông nội ơi, ông nội à”, không ít người tặc lưỡi, dè bỉu: “Cha nội thì có!”.
Hằng ngày, trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông Ba la cà đến các trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tư ở Bình Dương, Đồng Nai, nơi tập trung đông đảo nữ công nhân. Đến đâu, ông cũng để lại địa chỉ, số điện thoại của mình cùng lời dặn: “Có cháu nào lỡ làng tìm đến đây muốn bỏ đi núm ruột của mình, xin làm phước liên lạc với tôi, mọi chi phí tôi chịu”.
Nhân viên các cơ sở y tế dường như không ai rỗi hơi để làm cái việc mà ông lão “khùng” nhờ vả. Song một hôm, ông Ba nhận được điện thoại từ một bệnh viện gọi đến đóng viện phí cho một ca sinh mổ mà thai phụ không có khả năng thanh toán.
Đến nơi, ông thấy đứa bé đỏ hỏn không có nổi chiếc tã lót bên cạnh người mẹ trẻ rũ rượi như tàu lá héo. Có người khuyên cô gái: “Đưa thằng bé cho người khác nuôi, kiếm ít tiền!”. Ông Ba cự nự rồi quay sang cô gái, ôn tồn: “Về với bố, bố lo, mẹ con cứng cáp rồi bây đi làm kiếm tiền nuôi nó”. Người mẹ trẻ quê tận Bắc Giang này vẫn có vẻ nghi hoặc, song khi hiểu ra cô đã ngất lịm đi. Ông Ba đưa hai mẹ con về TTNA và đặt tên cho đứa bé là Trần Hội Nghĩa.
Kẻ góp của, người góp công
Thời gian thấm thoắt trôi, một đồn mười, mười đồn trăm, TTNA dần dần có được đội ngũ “vệ tinh” cùng chăm lo cho những hoàn cảnh cơ nhỡ. Ông Ba sẵn lòng tiếp nhận bất cứ trường hợp bất hạnh nào. Ông bộc bạch: “Tuyệt vọng, bế tắc lắm, họ mới cần đến mình. Nếu mình câu nệ, kết cục của họ sẽ rất khó lường”.
Thuyết phục những cô gái lầm lỡ giữ lại thai về TTNA chờ ngày sinh nở đã khó, song gian nan hơn là chuyện tương lai cho họ và những đứa trẻ. Các bà mẹ trẻ ở TTNA khi sinh con được lo toàn bộ viện phí, mẹ con được nuôi dưỡng chu đáo.
Khi đứa trẻ 3 tuổi, ông Ba sẽ lo cho chúng ăn học. Lúc này, các bà mẹ sẽ được ông xin đi làm tại các cơ quan, xí nghiệp quen biết, lãnh lương được giữ riêng làm vốn.
Hiện, chi phí cho việc ăn ở, học hành… của gần 90 con người ở TTNA gói ghém lắm cũng trên 30 triệu đồng mỗi tháng. Mọi chi phí của TTNA lúc đầu chủ yếu dựa vào đồng lương hưu và trợ cấp thương binh của ông Ba. Năm 2007-2008, số người cơ nhỡ đến TTNA tăng lên từng tháng.
Ông Ba trăn trở tìm cách kiếm kinh phí chăm lo cho họ. Ông quyết định cho một doanh nghiệp thuê một nửa căn nhà của mình ở quận 9 – TPHCM do Nhà nước cấp, nửa căn còn lại kinh doanh vựa gạo; tổ chức chăn nuôi gà lấy trứng, nuôi bò sữa, trồng rau xanh… Tất cả số tiền kiếm được đều đắp đổi cho hoạt động của TTNA.
Mặt khác, ông Ba vận động các tổ chức nhân đạo quen biết và liên hệ với anh em, đồng đội cũ, kẻ góp của, người góp công. Không ít người trước kia kịch liệt phản đối cho rằng ông “khùng”, nay đã tình nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cho TTNA. Hiện đã có 7 cựu chiến binh là những đồng đội cũ của ông Ba thay nhau gánh vác, chia sẻ công việc ở TTNA với ông.
Không vợ con nhưng có đại gia đình
Trò chuyện cùng tôi, ông Huỳnh Văn Sáng, nguyên huyện đội phó Huyện đội Tân Uyên, nhớ lại: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ ông Ba rỗi hơi làm chuyện bao đồng. Thỉnh thoảng, tôi ghé qua TTNA, thấy ông cứ tất bật lo cho đám trẻ ăn học, săn sóc các cụ già… Tôi chợt nghĩ mình đã nghỉ hưu, thời gian rảnh rỗi nhiều, thôi thì đến phụ ông một tay, không ngờ càng làm càng thấy vui, càng thấy ông Ba có lý”.
Khi TTNA xây dựng lại, ông Sáng tình nguyện đem số tiền dành dụm dưỡng già đến phụ một tay. Ông Sáng kể: “Ông Ba đi báo cáo điển hình toàn quốc, được Nhà nước đầu tư 300 triệu đồng nâng cấp TTNA. Có thêm khoản tiền này vẫn chưa thấm vào đâu, ông Ba rút hết tiền tiết kiệm rồi đi vay mượn thêm. Thấy vậy, tôi bèn phụ “bơi” với ổng”.
Hai căn nhà của TTNA mới xây xong đúng dịp Tết vừa rồi, hết 480 triệu đồng, một căn dành cho người già, căn còn lại cho các phụ nữ mang thai và trẻ em. Ông Ba Mẫn dự tính: “Làm xong 2 căn nhà này nợ đã thúc tận lưng. Tuy nhiên, tôi định khi trả xong nợ sẽ vận động kinh phí xây dựng một nơi cho các cụ già không đi lại được ra ở riêng cho tiện chăm sóc”.
Cũng như không ít người khác, chiến tranh đã lấy đi hạnh phúc riêng tư của ông Ba Mẫn. Không vợ con, song ông Ba lại có một đại gia đình với những thành viên đến từ khắp 3 miền đất nước. Nghĩ đến TTNA, tôi lại nhớ đến lời ông: “Trước những nỗi đau, tôi là người không có kỹ năng từ chối”. Lo toan cả ngày với bộn bề công việc tại TTNA, song đêm đêm ông vẫn cặm cụi viết Con không có tội, một cuốn sách như những trang nhật ký về công việc hằng ngày của ông.
Thí điểm “Mô hình gia đình”
Ông Nguyễn Minh Mẫn, SN 1945, tại Bến Cát – Bình Dương. Khi đang học tú tài năm cuối, ông vào chiến khu D tham gia cách mạng, trở thành y sĩ chuyên khoa ngoại Bệnh viện Phân khu 5. Qua nhiều trận đánh giáp lá cà với địch để bảo vệ thương binh, ông bị thương (hạng 3/4, tỉ lệ thương tật 49%). Năm 1973, ông được cử ra miền Bắc học tiếp ĐH y khoa nhưng vừa ra đến nơi thì cấp trên điều động nhận nhiệm vụ tham gia dẫn đường cho bộ đội vào giải phóng Sài Gòn.
Đất nước thống nhất, công việc bộn bề, giấc mơ trở lại giảng đường y khoa của ông Mẫn đành bỏ dở. Sau khi công tác ở Sở Công nghiệp TPHCM, ông được phân công về Trung tâm Nuôi dưỡng người già, tàn tật Đồng Nai và làm phó giám đốc. Năm 2006, ông nghỉ hưu và bắt đầu tiến hành thành lập cơ sở Từ Tâm Nhân Ái (TTNA).
Năm 2008, TTNA được Bộ LĐ-TB-XH chọn làm thí điểm “Mô hình gia đình” và được Nhà nước đầu tư 300 triệu đồng nâng cấp, ông Mẫn được chọn báo cáo điển hình toàn quốc. Ngoài cơ sở chính ở Tân Uyên – Bình Dương, hiện TTNA đã có thêm 2 chi nhánh ở Đồng Nai.
|
Theo Bích Hà
Người lao động
Bình luận (0)