Công ty Vedan đóng trên địa bàn xã Phước Thái. Các ấp 1A, 1B là khu vực nằm sát bờ sông, đối diện với công ty nên chịu ảnh hưởng khá nặng nề do nước thải trực tiếp từ nhà máy ra sông.
Ông Hai Giác, một gia đình ngư dân 3 đời sống ở đất này cho biết: “Chưa khi nào thấy dòng sông ô nhiễm như hiện nay, cả 15km bờ sông từ nhà máy Vedan trải dài xuống hạ lưu có nuôi trồng, đánh bắt được gì đâu. Tui phải bỏ nghề đi chạy xuồng mướn”.
Bà Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1954, ở ấp 1A, than thở: “Hơn 15 năm trước, dân ở đây sống bằng nghề chài lưới. Con cá con tôm đã giúp cho bà con có cuộc sống ấm no. Thế nhưng, từ năm 1992 khi nhà máy Vedan đóng chân và đi vào hoạt động, xả chất thải ô nhiễm xuống sông Thị Vải thì cá tôm chết hết”.
Nhiều người dân địa phương đã bỏ nghề chài lưới, tha phương tìm kế sinh nhai hoặc ở lại làm thuê làm mướn, làm dịch vụ, buôn bán… Từ đó, nhiều tệ nạn như đề đóm, trai gái… bắt đầu xuất hiện ở vùng quê này.
Ông Nguyễn Văn Nhà (nhà 029, tổ 1, ấp 1A) cho biết: “Nơi đây vốn là 1 làng chài, nay thì không còn nữa. Hơn 10 năm trước cá tôm trên sông chết hết không làm ăn gì được, người dân khiếu kiện dữ quá nên công ty Vedan có bồi thường cho mỗi người làm nghề chài 1 triệu, người làm nghề mò cua 600 ngàn để tìm việc khác”.
Một điều cần nhắc đến là khi xin dự án, lấy đất của nhân dân để xây nhà máy, Vedan có hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong xã. Nhưng 10 hộ ở đây chỉ có 1, 2 người được vào làm, chủ yếu là làm việc trong hợp tác xã bốc vác, hợp đồng bốc vác cho công ty Vedan.
Ông Phan Văn Toàn – Trưởng ấp 1A, cho biết: “Nhà tôi cũng mất 1 hecta đất để xây nhà máy này. Cả 6 đứa con tôi có đứa nào xin vào làm trong Vedan được đâu. Nhưng bệnh viêm mũi thì đứa nào cũng bị ít nhất 1 lần trong năm”.
Ông Nhà cho biết thêm: “Khi công ty Vedan chưa xây dựng nhà máy ở đây, người dân chúng tôi sống rất an toàn, không bị ngập lụt cũng như ô nhiễm. Nhưng từ khi nhà máy dựng lên cũng là lúc người dân sống “ngột ngạt” bởi tình trạng ô nhiễm nặng nề”.
Còn anh Trung, nhà đối diện nhà ông Nhà, tiếc rẻ: “Hồi tôi còn nhỏ, ngày nào cũng nhảy xuống sông này tắm, nước trong xanh lắm. Nhưng sau đó thì thò chân xuống cũng không dám nữa. Ngâm chân trong nước là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy không chịu nổi”.
Ông Đặng Văn Si, 72 tuổi, ở tổ 4 ấp 1A, xã Phước Thái – một nhân chứng sống ở “làng chài lưới” từ năm 13 tuổi đến nay, ngậm ngùi: “Trước chúng tôi dựa vào sông Thị Vải để sống nhưng nay thì chúng tôi đang “thoi thóp” bên sông Thị Vải”.
Sáng 19/9, nhiều người dân trong khu vực này đã tập trung tại nhà ông Nguyễn Văn Nhà để bàn bạc và thống nhất với nhau sẽ khởi kiện tập thể công ty này. Theo đó, các hộ dân sẽ đứng tên chung trong 1 lá đơn kiện và mỗi hộ dân cũng sẽ viết một lá đơn riêng kể chi tiết thiệt hại của gia đình mình để có căn cứ khởi kiện đòi Vedan bồi thường thiệt hại kinh tế và sức khỏe.
Bà Thuận cho biết: “Đến khi dòng nước sông Thị Vải đen đặc, bốc mùi thối lan khắp hang cùng ngõ hẻm các ấp ở đây, chúng tôi đã nhiều lần viết đơn kêu cứu nhờ sự can thiệp của chính quyền nhưng chẳng thấy hồi âm. Hy vọng nhân dịp bắt quả tang sai phạm của Vedan, chính quyền sẽ chú ý can thiệp giúp chúng tôi, trả lại màu xanh cho con sông này, bồi thường các thiệt hại mà 15 năm qua dân xã Phước Thái chịu đựng”.
Tính đến thời điểm hiện nay, các hộ dân ở đây đã tập hợp được gần 40 đơn. Ông Nguyễn Văn Nhà cho biết: họ sẽ tiếp tục vận động dân trong xã làm đơn từ nay cho đến thứ 2 tuần sau để gửi đến các ban ngành có chức năng xem xét.
Tùng Nguyên – Đoàn Quý – Nguyên Tuấn (dantri.com.vn)
Bình luận (0)