Ngày càng nhiều người dân Nhật Bản lo ngại nước này trở thành máy ATM của Ukraina, phản đối việc Tokyo viện trợ cho Kiev.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba bắt tay trước cuộc hội đàm ở Kiev, ngày 7.1.2024.
Nhật Bản sẽ cam kết chi 15,8 tỉ yên (105 triệu USD) khi công bố một loạt kế hoạch tại hội nghị ngày 19.2 nhằm giúp tái thiết Ukraina – tờ SCMP đưa tin.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Nhật cho rằng, số tiền dành cho Ukraina tốt hơn nên chi cho người già, những người sống sót sau trận động đất tháng trước ở miền trung Nhật Bản và thậm chí còn giảm nợ quốc gia. Theo các nhà phân tích, Ukraina cách xa Nhật Bản về mặt địa lý và vấn đề này nên được các quốc gia châu Âu giải quyết.
Ít nhất 20 thỏa thuận hợp tác giữa Nhật Bản và Ukraina dự kiến sẽ được đưa ra tại hội nghị, bao gồm kế hoạch trị giá 10 tỉ yên cho mạng lưới y tế từ xa trên toàn Ukraina ngay khi hòa bình có thể được đảm bảo.
Nhật Bản đã xác định bảy lĩnh vực trợ giúp ưu tiên, bao gồm lĩnh vực năng lượng, cải thiện điều kiện nhân đạo và đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
Công ty kỹ thuật hạng nặng IHI – một trong khoảng 50 công ty thuộc khu vực tư nhân tham dự hội nghị – có kế hoạch cung cấp những cây cầu tạm thời dễ lắp ráp và sẽ thay thế các nhịp bị hư hỏng trong chiến tranh. Công ty cũng có kế hoạch thành lập một cơ sở sản xuất ở nước láng giềng Romania và vận chuyển các bộ phận đến Ukraina để lắp ráp lần cuối.
Nhật Bản cũng đang tài trợ cho việc thành lập một khoa mới tại Học viện Bách khoa Igor Sikorsky Kyiv để giảng dạy về vị trí an toàn và rà phá bom mìn.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong cuộc họp trù bị ngày 30.1: “Chúng tôi coi việc phục hồi và tái thiết Ukraina là trụ cột đóng góp của Nhật Bản. Điều quan trọng là cả khu vực công và tư phải hợp tác để cung cấp hỗ trợ thông qua cách tiếp cận toàn Nhật Bản”.
Nhật Bản đã cung cấp công nghệ chống mìn, thiết bị y tế, mũ bảo hiểm, áo giáp và các thiết bị quân sự phi sát thương khác cho Ukraina.
Ukraina hoan nghênh sáng kiến của Nhật Bản, khi Thủ tướng Denys Shmyhal nói với Kyodo News rằng, Ukraina “quan tâm đến hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp Nhật Bản” và ông nhìn thấy “tiềm năng to lớn” trong mối quan hệ giữa các công ty Nhật Bản và Ukraina.
Sau gần hai năm chiến tranh, nhu cầu hỗ trợ kinh tế là rất lớn. Ngân hàng Thế giới ước tính vào năm ngoái rằng, quá trình phục hồi sẽ tiêu tốn 411 tỉ USD trong thập kỷ tới – nghĩa là 105 triệu USD của Tokyo sẽ chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều người Nhật không hài lòng với việc này.
Yoichi Shimada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, cho biết: “Cảm giác của tôi là Nhật Bản đang trở thành một máy ATM phân phối tiền mặt mà không có nguyên tắc. Số tiền thuế mà chính phủ Nhật Bản thu mỗi năm là có hạn và trách nhiệm của chính phủ phải là cung cấp cho người dân Nhật Bản và bảo vệ đất nước, chứ không phải viện trợ cho Ukraina”.
Theo Giáo sư Shimada, Nhật Bản cần tập trung vào các ưu tiên của mình, chẳng hạn cung cấp thêm tiền để giúp người dân Bán đảo Noto phục hồi sau trận động đất ngày 1.1. Ngoài ra, theo Giáo sư Shimada, Ukraina nằm trong khu vực địa lý mà các quốc gia thành viên châu Âu của NATO phải chịu trách nhiệm.
Giáo sư Koichi Nakano tại Đại học Sophia ở Tokyo đồng ý rằng, mức độ “mệt mỏi vì chiến tranh” đã xuất hiện trong công chúng Nhật Bản khi cuộc xung đột Ukraina kéo dài và dường như có rất ít cơ hội để kết thúc giao tranh.
Và vì Nhật Bản không phải là thành viên của NATO hay một phần của châu Âu, nhiều người ở Nhật Bản cảm thấy việc các cường quốc châu Âu gây áp lực buộc Nhật Bản phải đóng góp nhiều hơn là điều vô lý.
“Có một số người lạc quan tuyên bố rằng, Nhật Bản cần thể hiện cam kết với châu Âu vì điều đó có nghĩa là các quốc gia đó sẽ đến giúp đỡ chúng tôi ở Đông Á nếu chúng tôi cần trong tương lai, nhưng thật ngây thơ khi tin vào điều đó. Công chúng Nhật Bản ngày càng ít quan tâm đến việc hỗ trợ thêm cho Ukraina vì họ không thấy lối thoát” – Giáo sư Nakano nói.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)