Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dân thành phố dâng hương tưởng nhớ vua Hùng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21-4 (Mùng 10 tháng 3 – ÂL), đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã đến dâng hương, tham dự giỗ Tổ Hùng Vương tại đền tưởng niệm các vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc.


Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tưởng niệm các vua Hùng

Đi cùng đoàn có ông Nguyễn Thiện Nhân – Nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP; bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; ông Võ Văn Minh – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, cựu chiến binh… cùng hàng ngàn người dân TP.HCM và các nơi lân cận đổ về dâng hương, tưởng niệm các vua Hùng.


Ông Nguyễn Thiện Nhân – Nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đang dâng hương các vua Hùng


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dâng hương


Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đang dâng hương

Từ sáng sớm, lãnh đạo và người dân TP đã có mặt tham dự giỗ tổ Hùng Vương. Thay mặt lãnh đạo TP, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã nhắc lại công lao to lớn của các vua Hùng thời dựng nước và giữ nước cũng như lòng biết ơn tổ tiên, cội nguồn dân tộc của người Việt Nam. Theo bà Châu, mỗi năm vào dịp Mùng 10 tháng 3 (ÂL), những người con Lạc Việt trên khắp mọi miền đều thành kính hướng về Quốc tổ Hùng Vương, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những linh hồn đã khai sinh, tạo dựng nên non nước Việt Nam giàu đẹp, đắp bồi và gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông qua mấy ngàn năm lịch sử. “Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, bởi chính thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng của dân tộc, văn hóa và truyền thống yêu nước Việt Nam” – bà Châu khẳng định.


Hoa quả lên các vua Hùng


Đại biểu đang dâng hương


Tiết mục âm nhạc dân tộc tại lễ giỗ tổ Hùng Vương

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu, từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mong cho Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa là nhắc nhớ, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng chung một cội nguồn. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hàng triệu “con Lạc cháu Hồng” sinh sống trên dãi đất Việt Nam đã lập hơn 1.400 di tích đền thờ các vua Hùng, tổ chức giỗ tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo trường tồn, đồng thời là dịp quan trọng để chúng ta chuyển tải đến thế giới về một di sản văn hóa giá trị, đặc sắc đã tồn tại hàng ngàn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý, truyền thống của đồng bào cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. “Trong giờ phút thiêng liêng và đầy cảm xúc này, tôi xin thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng các vị đại biểu và toàn thể đồng bào TP cùng thành kính hướng về Quốc tổ với lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào của lớp cháu, con ghi lòng tạc dạ lời dặn dò của chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm thực hiện cho tròn vẹn lời căn dặn ấy: Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” – bà Châu nhấn mạnh.


Nghi thức diễu hành


Một nghi thức tại lễ giỗ tổ Hùng Vương


Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng đông đảo người dân diễu hành tại lễ giỗ tổ Hùng Vương

Sau phần nghi lễ, các đại biểu cùng người dân TP.HCM tổ chức diễu hành, dâng hương, dâng hoa lên Quốc tổ Hùng Vương theo nghi thức cổ truyền; dâng hương, dâng hoa Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngoài phần lễ trang nghiêm, Giỗ tổ Hùng Vương năm nay còn diễn ra các hoạt động như: trưng bày chuyên đề Văn hóa Đông Sơn tại Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc, giới thiệu 37 hiện vật về công cụ sản xuất, vũ khí, trống đồng, đồ dùng sinh hoạt, trang sức, tùy táng… được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ đồng bào khi có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử dân tộc; hội trại truyền thống “Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ 12 năm 2021…

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)