Nhiều người dân và du khách đã được trải nghiệm mô hình xe đạp công cộng tại TP.HCM. Với 10.000 đồng/giờ, người dân TP.HCM có thể thuê một chiếc xe đạp công cộng để tập thể dục hoặc trải nghiệm quanh TP.HCM. Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiến tới TP văn minh, hiện đại.
Cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM trải nghiệm xe đạp công cộng trên đường Nguyễn Huệ
Triển khai tại 43 vị trí trên địa bàn Q.1
Mô hình xe đạp công cộng đang được triển khai tại 43 vị trí, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn trên địa bàn Q.1. Tại các vị trí trạm xe đều có bản thông tin hướng dẫn cụ thể để người dân có thể dễ dàng nhận biết các trạm tiếp theo để có lộ trình phù hợp. Muốn thuê xe, người dân chỉ cần tải app miễn phí, cài đặt ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ trên điện thoại thông minh. Sau đó, đăng ký tài khoản một lần với thông tin cá nhân hợp lệ và nạp tiền vào tài khoản thuê xe. Qua ứng dụng, người dân còn có thể quét xung quanh để tìm được trạm còn xe thuê gần nhất. Ứng dụng có sẵn mã quét mở khóa xe. Kết thúc hành trình, người dân cất xe vào nơi quy định để khóa xe.
Nhằm ngăn ngừa hành vị trộm cắp, phá hoại xe đạp công cộng, trên xe được tích hợp công nghệ hiện đại, định vị mọi nơi khi xe di chuyển. Văn phòng của đơn vị cung ứng dịch vụ luôn có đội ngũ kiểm tra xe di chuyển bất hợp pháp. Ví dụ, khóa chưa mở mà xe chạy, chỉ sau 5 giây là đã phát hiện xe không hợp lệ và có biện pháp xử lý kịp thời.
Một du khách người nước ngoài quét mã để được trải nghiệm mô hình xe đạp công cộng tại TP.HCM
Theo ông Đỗ Bá Dân (Chủ tịch HĐQT Công ty Trí Nam, đơn vị thực hiện xe đạp công cộng), Q.1 là quận đầu tiên tại TP.HCM triển khai xe đạp công cộng. Trước đó trong 3 ngày thí điểm từ ngày 3 đến ngày 5-12 mô hình xe đạp công cộng được nhiều người dân hưởng ứng. “Sau 3 ngày thử nghiệm, dịch vụ ghi nhận 941 tài khoản người dùng đăng ký, phục vụ thành công 320 chuyến đi với tổng quãng đường 817km. Chuyến đi dài nhất là hơn 15km, chuyến đi có thời gian thuê ngắn nhất là hơn 15 phút”, ông Dân cho biết.
Hay tin TP.HCM triển khai mô hình xe đạp công cộng, bạn Đặng Thị Trúc Hân (sinh viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) đã rủ bạn đến trải nghiệm. Trúc Hân cho biết: “Lần đầu được trải nghiệm xe đạp công cộng em rất thích. Bình thường muốn chạy xe đạp em phải mượn bạn bè hoặc phải mua xe mới có xe chạy, nay TP có mô hình xe đạp công cộng, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có thể thỏa sức chạy xe tập thể dục hoặc khám phá trung tâm TP”.
Trong khi đó, ông Lê Công Hùng (72 tuổi) cho rằng, mô hình xe đạp công cộng được triển khai tạo nhiều điều kiện cho người dân TP.HCM đạp xe nâng cao sức khỏe mà không cần phải tốn nhiều chi phí. “Tôi lớn tuổi nhưng mỗi buổi sáng tôi cùng với hội bạn thân chạy xe 30, 40km. Việc tập thể thao giúp tôi có được sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ, lạc quan”, ông Hùng chia sẻ.
Hướng tới phương tiện giao thông công cộng
Để tạo điều kiện cho giao thông công cộng TP.HCM phát triển, ngày 11-7-2020 Hội đồng nhân dân TP đã thông qua nghị quyết số 25 về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. UBND TP ban hành quyết định số 3998/QĐ-UBND ngày 27-10-2020 với 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và 7 giải pháp hỗ trợ khác.
Phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa để hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng là một trong những nhiệm vụ thuộc đề án này.
Bạn trẻ thích thú với mô hình xe đạp công cộng
Ông Trần Quang Lâm (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho rằng, TP.HCM đang tiến tới đô thị văn minh, hiện đại thì việc phát triển mô hình xe đạp công cộng góp phần thực hiện mục tiêu đó. |
Theo ông Lê Hoàng (Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM), loại hình xe đạp công cộng hoạt động với mục tiêu đa dạng hóa các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm TP; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch. “Đây là sản phẩm dịch vụ mới, thân thiện với môi trường, có khả năng tích hợp với hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt và giao thông công cộng có sức chở lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, cùng với các hoạt động đón chào năm mới 2022 và hưởng ứng không khí Ngành Du lịch TP đang có những hoạt động xúc tiến trong khuôn khổ tuần lễ du lịch TP.HCM, việc đưa mô hình xe đạp công cộng vào hoạt động sẽ góp phần vào quá trình phục hồi du lịch TP”, ông Lê Hoàng cho biết.
Giao thông nói chung không chỉ gắn với việc đi lại của người dân mà còn là sự phát triển của du lịch, sự sôi động, tươi trẻ của TP.
Ông Trần Quang Lâm (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết, trong thời gian sắp tới ngoài những loại hình dịch vụ xe đạp công cộng ra thì vào đầu năm 2022, TP.HCM sẽ tiến hành thí điểm thêm loại hình xe buýt điện và mở lại các đường bay quốc tế với gần 8 quốc gia và 11 TP lớn để từng bước khôi phục du lịch TP sau đại dịch. “Sau một năm, các đơn vị sẽ đưa ra đánh giá mô hình xe đạp công cộng, nếu mô hình thành công, ngành giao thông vận tải TP mong muốn từng bước nhân rộng trên toàn địa bàn”, ông Lâm khẳng định.
Hồ Hậu Giang
Bình luận (0)