Bên cạnh 2 tuyến buýt đường sông từ bến Bạch Đằng đi Thủ Đức và quận 8 sắp khai trương vào tháng 6 này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa duyệt bổ sung thêm 2 tuyến buýt đi quận 7, nhằm làm phong phú thêm cho tuyến buýt này, góp phần giảm tải giao thông đường bộ và phát triển du lịch đường thủy nội đô.
Mô hình tàu buýt đường sông TP.HCM do Công ty Song Anh thực hiện. Đây là mô phỏng của loại phương tiện sẽ được sử dụng khi tuyến buýt được đưa vào vận hành |
Thêm 2 tuyến buýt số 3 và 4
Theo kế hoạch, 2 tuyến buýt đường sông mới được phê sẽ là tuyến số 3 và tuyến số 4. Cụ thể, tuyến số 3 sẽ phát xuất từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và tuyến số 4 cũng từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng. Theo đó, UBND TP đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở GTVT TP tiến hành rà soát tính pháp lý. Qua đó tham mưu đề xuất và dự thảo văn bản cho ủy ban, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét duyệt bổ sung 2 tuyến buýt trên vào dự án theo quy định hiện hành.
Như vậy, tổng cộng TP sẽ có 4 tuyến buýt vận tải hành khách công cộng đường sông, gồm cả tuyến số 1 Bạch Đằng (quận 1) – Linh Đông (quận Thủ Đức) và tuyến số 2 Bạch Đằng – Lò Gốm (quận 8). Theo quy hoạch, tuyến số 1 dài gần 11km, có lộ trình hoạt động qua 7 bến đỗ thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng quận 1 đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, sau đó kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới phường Linh Đông, quận Thủ Đức và ngược lại. Tuyến số 2 dài 10,3km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại. Theo Sở GTVT, hành khách khi sử dụng buýt đường sông sẽ không cần mặc áo phao, vì tàu được thiết kế đảm bảo độ an toàn.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân khi tham gia giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ, dự kiến các tuyến buýt đường sông sẽ được kết nối đồng bộ với hệ thống xe buýt và metro. Nhờ vậy, hành khách khi đến bến Bạch Đằng sẽ có phương tiện thuận lợi để đi đến các địa điểm trong TP theo nhu cầu. |
Được biết, cả 4 tuyến buýt đường sông đều do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư, với tổng thời gian khai thác, vận hành là 50 năm. Theo tính toán của công ty, tuyến số 1 (khai trương vào tháng 6) sẽ được đầu tư 10 tàu, mỗi tàu trị giá khoảng 3,8 tỷ đồng, có sức chứa khoảng 80 hành khách/tàu, thời gian cách chuyến khoảng 30 phút/chuyến. Tất cả các phương tiện sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại gồm hệ thống điều hòa, thiết bị cứu hộ, cứu nạn… Dự kiến khi đưa tuyến buýt số 2 vào hoạt động (tháng 9), 2 tuyến buýt này có thể chuyên chở khoảng 5.000 hành khách mỗi ngày, với giá vé 15.000 đồng/lượt.
Bàn giao mặt bằng bến đỗ trước ngày 10-4
Nhằm tạo thuận lợi cho tuyến buýt đường sông được đưa vào hoạt động như đã dự kiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu các cơ quan ban ngành có liên quan hỗ trợ Công ty TNHH Thường Nhật hoàn tất các thủ tục đầu tư và bàn giao mặt bằng các vị trí bến cho doanh nghiệp này trước ngày 10-4 sắp tới. Đồng thời, các quận liên quan cần trình bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất đối với các bến theo đúng quy định là trước ngày 30-4. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã giao cho Sở GTVT hướng dẫn Công ty TNHH Thường Nhật thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án bổ sung các bến tuyến buýt đường sông theo quy định chung.
Riêng đối với bến Bình Triệu (số T21 khu phố 3, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), lãnh đạo TP đã giao cho Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp cùng địa phương khẩn trương hoàn tất công tác thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư. Đối với bến Vườn Kiểng (thuộc bến Bạch Đằng, quận 1), khi triển khai dự án chủ đầu tư chỉ được cải tạo, sửa chữa nhỏ để đảm bảo cảnh quan chung. Tuy nhiên, cần giữ nguyên hiện trạng của hạng mục theo đúng quy hoạch, không được xây dựng mở rộng diện tích, cơi nới thêm.
Trước thông tin sẽ có tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM, nhiều người dân TP.HCM vô cùng phấn khởi chờ đợi loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng mới toanh này đi vào hoạt động. “Là sinh viên trường đại học ở Thủ Đức, hàng ngày đi lại bằng xe buýt ra vào trung tâm Sài Gòn, tôi và rất nhiều người rất sợ tình trạng kẹt xe ở các tuyến cửa ngõ. Sắp tới sẽ có buýt đường sông, tôi và bạn bè đang háo hức chờ đợi. Tuy nhiên, tôi mong muốn ngành giao thông có kế hoạch giảm giá cho các đối tượng là sinh viên, người già… để khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện này”, Thanh Hoàng, một sinh viên chia sẻ.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)