Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người dân TPHCM bắt đầu hai tuần mua hàng giảm tiếp xúc

Tạp Chí Giáo Dục

Mua hàng thiết yếu tại 2.833 điểm bán được Sở Công Thương công bố, mua qua điện thoại, ứng dụng (app), mua theo phiếu được phát là những phương thức mua hàng hóa an toàn khi TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ 0g ngày 9/7.

Mua online, đi chợ theo phiếu

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM – nguồn thực phẩm được các doanh nghiệp của TPHCM dự trữ có thể đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong sáu tháng và sở đã đưa ra nhiều kế hoạch cung ứng hàng hóa đến người dân.

Sau khi các chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, sở đã nhanh chóng hướng dẫn các chợ thay đổi phương thức hoạt động và đến nay đã dần ổn định, từ buôn bán trực tiếp đã chuyển sang hình thức buôn bán online, giảm tiếp xúc trực tiếp. Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn vẫn đảm bảo cung ứng rau quả, thịt heo cho phía tây bắc của TP.HCM, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền vẫn đảm bảo nguồn cung thịt heo, thủy hải sản cho các chợ truyền thống và các kênh bán lẻ. 

Thịt cá, tại chợ truyền thống vẫn dồi dào. Ảnh chụp tại chợ P.11, Q.Tân Bình, TPHCM sáng 8/7. Ảnh: T.Hoa

Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các chuỗi cung ứng hiện đại ở TPHCM để bổ sung, gia tăng hàng hóa phục vụ của người dân. Hiện TPHCM có 106 siêu thị hiện đại bán lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên doanh thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini, tiện ích, hơn 28.700 cửa hàng bách hóa có lương thực, thực phẩm phục vụ cho 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Hiện còn 110/237 chợ vẫn hoạt động.

Có thể thấy, hệ thống phục vụ nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu rộng khắp, đa dạng. Bên cạnh đó, lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua tiểu thương vẫn về TPHCM tương đối dồi dào. 

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ngày 8/7, các sàn thương mại điện tử lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi về vận chuyển và đơn đặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam khi mua bán qua kênh trực tuyến. Cụ thể, sàn Sendo có chương trình “Đi chợ tại nhà”, “Tuần lễ nông sản Việt”,  sàn Tiki có chương trình “Đi chợ online” bán thực phẩm tươi sống, ShopeeFarm bán nông sản tươi, sàn Voso, Postmart, Lazada bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm.

Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, sự thiếu hụt thịt, thủy hải sản tại các siêu thị, chợ chỉ diễn ra cục bộ ở một số thời điểm trong ngày và hầu hết đã được bổ sung ngay. Sở Công thương TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa, đảm bảo vừa có hàng, vừa an toàn cho người mua. 

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op – thông tin thêm hệ thống bán lẻ này đang liên kết thêm với các đối tác như Zalo, Momo, Grab, Now, Baemin… để các kênh này có thể nhận đặt hàng, giao hàng cho khách. Do quá trình chuẩn bị nền tảng kỹ thuật quá ngắn, lượng khách hàng truy cập, đặt hàng tăng gấp mười lần so với trước đây nên đôi lúc mạng bị nghẽn. Saigon Co.op đang tổ chức lại để việc bán hàng online được trơn tru, bài bản, đồng thời phối hợp với công an địa phương, UBND các quận, huyện để hướng dẫn người dân đi mua hàng theo từng khung giờ.

Trên các phiếu đi siêu thị, sẽ có số điện thoại đặt hàng của từng cửa hàng, siêu thị của từng địa bàn. “Việc phát phiếu đi siêu thị là để người dân giảm thời gian chờ, thời gian đi ra đi vô chứ không cấm người dân đi siêu thị” – ông Nguyễn Anh Đức nói. 

Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Vissan – cho hay gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm tươi sống tại Vissan tăng gấp 2-3 lần, thực phẩm chế biến cũng tăng nhẹ. Bình thường, Vissan giết mổ, tiêu thụ khoảng 600-700 con heo/ngày, nhưng trong hai ngày trở lại đây, tăng lên 1.200-1.500 con/ngày do tâm lý của người dân cũng như có sự dịch chuyển phương thức mua sắm từ các kênh truyền thống sang kênh hiện đại. 

Theo ông Nguyễn Ngọc An, thị phần tiêu thụ của Vissan tăng, nhưng tổng nhu cầu tiêu thụ của xã hội không tăng là do hai ngày nay, các kênh phân phối truyền thống tạm ngưng hoạt động. Về giá, Vissan sẽ không tăng giá mặt hàng bình ổn thị trường, ngược lại có thể giảm giá theo chương trình của công ty hoặc của đối tác (siêu thị). Trong thời gian tới, nguồn thịt tươi sống của Vissan vẫn đảm bảo cung ứng bình thường do nguồn cung ứng từ các tỉnh Đông Nam bộ vẫn dồi dào. 

Nhiều mặt hàng ở chợ tăng giá

Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 8/7 tại một số cửa hàng như Bách Hóa Xanh, Co.opFood, VinMart, các siêu thị Lotte Mart, Tops Market ở Q.Tân Bình, vẫn có tình trạng người dân xếp hàng, chờ mua thực phẩm. Tại một số cửa hàng tiện lợi, các loại thịt, cá, tôm, trứng, mì tôm tạm hết hàng do khách dồn đến mua từ 7g sáng. 

Nhiều cửa hàng tiện lợi chiều ngày 8/7 được bổ sung thêm nhiều hàng hóa

Tại chợ P.11, Q.Tân Bình (còn gọi là chợ Bà Hoa), khoảng 10g nhưng các sạp thịt heo, thịt gà, các loại thủy sản vẫn còn khá nhiều hàng, nhưng các loại cá biển miền Trung, rau thì đã trống trơn. Các tiểu thương tại đây cho biết, tầm 5-6g, người dân đã tranh thủ đi chợ sớm nên thực phẩm hết sớm. Tại đây, giá dưa leo, cà chua, cải bẹ xanh, khổ qua, hành tây trong chợ khoảng 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cách đây một tuần (ngày 29/6); ớt xanh, xà lách Đà Lạt 60.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; cải ngọt, rau muống, mồng tơi 30.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg; riêng cải bó xôi 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 đồng/kg. Lượng cá biển về chợ ít hơn nên giá cá cũng tăng thêm 20.000 đồng/kg. 

Cũng ở chợ P.11, giá thịt heo bắt đầu tăng mạnh, các loại thịt heo đều tăng thêm 20.000 đồng/kg so với tuần trước. Hiện giá thịt ba rọi là 210.000-220.000 đồng/kg; cốt lết, đùi, nạc dăm đồng giá 160.000 đồng/kg; sườn non 170.000 đồng/kg, giò heo 140.000 đồng/kg. “Chợ đầu mối đóng cửa, phải lấy hàng từ công ty bên ngoài, họ ép lấy cả con chứ không cho mình lựa chọn như trước nên tiểu thương không dám lấy nhiều vì sợ ôm hàng” – một tiểu thương bán thịt tại chợ này giải thích. 

Ông Nguyễn Thành Danh – Trưởng phòng Kinh tế Q.1 – cho biết hầu hết các chợ ở quận này đã tạm ngưng kinh doanh, chỉ còn chợ Đa Kao hoạt động và bán các mặt hàng thiết yếu. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, chợ vẫn hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa về chợ vẫn dồi dào. 

Ông Nguyễn Thanh Phước – Trưởng ban Quản lý chợ Minh Phụng (Q.6) – cho biết chợ sẽ ngưng kinh doanh sau ngày 8/7. Ngoài chợ này, toàn bộ chợ truyền thống khác ở Q.6 cũng sẽ ngưng hoạt động. 

Bắt đầu hỗ trợ tiểu thương gặp khó khăn do đại dịch 

Ngày 8/7, Sở Công Thương TPHCM công bố triển khai chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, thương nhân được hỗ trợ 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng đối với chợ hạng I; 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng với chợ hạng II và 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng đối với chợ hạng III trong sáu tháng (từ tháng 7 đến 12/2021). Thương nhân sẽ nhận hỗ trợ một lần cho toàn bộ sáu tháng trước ngày 31/7.

Chính sách này áp dụng cho tiểu thương các chợ truyền thống có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ; có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh đã được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh dừng hoạt động thì không áp dụng quy định này.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, đơn vị quản lý chợ sẽ rà soát, lập danh sách thương nhân đủ điều kiện được hỗ trợ gửi UBND cấp quận, huyện thẩm định, phê duyệt và bố trí kinh phí hỗ trợ. Căn cứ danh sách được phê duyệt và kinh phí được bố trí, UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, đơn vị quản lý chợ chi trả cho thương nhân thông qua tài khoản hoặc chi trả trực tiếp với những trường hợp không có tài khoản.

Theo Thanh Hoa – Quốc Thái/PNO

 

Bình luận (0)