Hiện tại, một bộ phận người dân vẫn sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm để sinh hoạt và ăn uống, đây là nguyên nhân giảm chất lượng sống.
Do nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng, nông dân P.Tam Phú, Q.Thủ Đức không thể sử dụng nước giếng để tưới cây như trước. Ảnh: T.A |
92/100 mẫu nước ngầm ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM, 100 mẫu nước ngầm trên địa bàn được kiểm nghiệm thì có đến 92 mẫu bị ô nhiễm. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm cũng như các chất ô nhiễm nhiều hay ít tùy thuộc vào từng khu vực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước ngầm giảm, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ việc quản lý hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường.
Nước ngầm ô nhiễm nặng, là nguyên nhân gây các bệnh vàng da, ung thư… nhưng tình trạng khai thác, khoan giếng vẫn tràn lan tại một số địa phương, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành tập trung nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy và xí nghiệp.
TS. Ngô Đình Quân (Viện Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các KCX-KCN khai thác triệt để nước ngầm để giảm chi phí sản xuất. Tại các khu dân cư thì người dân có thói quen sử dụng nước giếng, không qua xử lý là nguyên nhân gây bệnh tật về lâu dài. Nguy hiểm hơn là tình trạng khoan đào giếng tràn lan đã “mở đường” cho nước thải ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước ngầm.
Các chuyên gia môi trường cũng lo lắng về tình trạng tăng dân số tự nhiên và cơ học quá nhanh đã kéo theo sự xáo trộn về môi trường. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quy hoạch dân số của TP.HCM đến năm 2020 là 10 triệu dân nhưng đến thời điểm này dân số TP đã vượt con số 13 triệu. Hơn nữa, chất thải rắn, chất thải độc hại cũng tăng nhanh khi số doanh nghiệp, nhà máy ngày càng tăng và thiếu quy hoạch tập trung, đồng bộ…
Ông Quân cũng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể, song chúng đều xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng từ giai đoạn chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp đến sự kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng mai tại KP.2, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức cho biết, trước đây còn có thể dùng nước giếng để tưới cây nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng phải tưới bằng nước sạch của nhà máy cung cấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hầu như hộ nào cũng lắp đặt hồ chứa nuôi cá. Trước khi tưới cây, kiểm tra có cá chết thì không thể lấy nước đó tưới cây được.
“Cứu” nguồn nước ngầm
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết, hiện tại mỗi ngày TP.HCM thải ra trên 8.000 tấn rác sinh hoạt, 300 tấn rác y tế và 200 tấn rác thải nguy hại. Lượng rác thải ra ngày một tăng, về cơ bản thực hiện tốt công tác thu gom nhưng việc xử lý còn nhiều hạn chế.
Hạn chế lớn theo bà Mỹ là công nghệ xử lý rác còn lạc hậu, giải pháp chôn lấp như lâu nay không còn phù hợp với điều kiện của TP, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Chính vì vậy, trong năm 2017, sở sẽ tập trung cải thiện các giải pháp để tăng hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giải pháp hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, theo ông Quân là cấm khai thác nước ngầm một cách tràn lan trong khu dân cư cũng như KCX-KCN, riêng một số trường hợp do điều kiện thực tế có thể cho phép nhưng cần quy định cụ thể về lượng nước khai thác/ ngày đêm. Với tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới như hiện nay, những năm tới Việt Nam là một trong những quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu tài nguyên nước, vì vậy việc hạn chế khai thác là cấp bách.
T.Anh
Bình luận (0)