Dì Năm – Lữ Kim Đính kể lại những năm tháng hoạt động trong lòng địch
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bao lớp người phụ nữ Việt Nam vì độc lập, tự do của dân tộc, bằng lòng dũng cảm, hy sinh, họ đã xông pha trong mưa bom bão đạn hoặc âm thầm gánh chịu nhiều nguy hiểm trong lòng địch. Và đây là câu chuyện về bà Lữ Kim Đính – nguyên cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM.
Hoạt động hợp pháp trong lòng địch
Khi được hỏi về quãng đời hoạt động cách mạng trước năm 1975, dì Năm (tên thường gọi của bà Lữ Kim Đính) ngồi kể vanh vách, sự kiện nào cũng nhớ hầu như không bỏ quên một chi tiết nào. Đó là câu chuyện về người nữ cán bộ cách mạng trong vỏ bọc một nhân viên của đặc vụ để hoạt động ngay trong lòng địch với những tình tiết li kỳ, gay cấn. Tuy vậy khi biết tôi ngỏ ý viết thành một bài báo thì dì lại xua tay: “Tôi đã theo cách mạng suốt trọn đời nhưng so với chị em khác thì thấy mình vẫn còn may mắn hơn vì không phải chịu cảnh ngục tù như chị Sáu Nở hay phải hy sinh như chị Tư Loan và những chị em cách mạng khác”. Suy nghĩ của dì thật đơn giản nhưng nhìn lại một cách khách quan là một nghĩa cử thật cao đẹp. Điều đó càng khẳng định thêm tấm lòng chung thủy với Đảng và trách nhiệm công dân của một người cán bộ yêu nước.
…Ngay từ nhỏ cô bé Lữ Kim Đính đã có cảm tình với cách mạng bằng truyền thống yêu nước của gia đình. Ngọn lửa căm thù giặc lại dâng trào khi mấy mẹ con nghe tin người cha liệt sĩ Lữ Văn Hiền – một cán bộ y tế xã – đã bị bọn giặc Tây giết hại trong khi làm nhiệm vụ. Giặc giã liên miên, cả gia đình bỏ làng Tân Thạnh (Châu Thành, Bến Tre) dắt díu nhau lên Sài Gòn tản cư. Năm 1946 cô bé Đính quyết định thoát ly gia đình cùng với cô bạn Phan Thị Nở tham gia vào Ủy ban Kháng chiến Gia Định. Có lập trường vững vàng, nhiều thành tích trong công tác chỉ sau 3 năm cô gái tuổi 18 đã vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ thắng lợi đã thành cơ hội lớn cho Kim Đính trở về nội thành hoạt động bí mật. “Có lẽ tôi là người có số may mắn nhất khi được nhận vào làm việc trong sở Mỹ mà không có trở ngại nhiều như một số đồng chí hoạt động bí mật khác”, dì Năm nhớ lại. Thế nhưng theo lời bà Sáu Nở, may mắn đó lại có cơ sở vì dì Năm đã được một viên đổng lý quen thân với gia đình giới thiệu vào làm trong cơ quan đặc vụ của địch qua lời giới thiệu của ông Lê Văn Trà – người anh ruột của đồng chí Lê Văn Trảo vốn là Bí thư một chi bộ Đảng trong chiến khu.
Sau năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Nội bộ trong phủ bình định của Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàng lục đục. Mỗi lần như vậy là thay toàn bộ ê-kíp làm việc và đó cũng là cơ hội cho dì Năm được “người nhà” đưa vào. Một thuận lợi khác là dì biết đánh máy chữ giỏi ngay từ hồi ở vùng căn cứ chiến khu D (thuộc xã An Nhơn Tây, Tân Uyên, Bình Dương). Như có năng khiếu bẩm sinh, mỗi khi dì đặt 2 bàn tay lên bàn phím là y như rằng các con chữ cứ hiện ra đều tắp, hầu như không trật một lỗi chính tả nào. Không những thế cách canh lề của dì cũng rất đẹp và nhanh. Đó cũng là một lý do chính đáng mà cô gái họ Lữ dễ dàng qua nhiều bước sát hạch để nghiễm nhiên vào làm việc trong sào huyệt địch một cách chính thức.
Nhiệm vụ nguy hiểm
Khi biết tin nữ Đảng viên Lữ Kim Đính được vào làm việc cho đặc vụ địch, tổ chức ta rất phấn khởi. Đồng chí Chín Bảo (tức Nguyễn Văn Bảo) từng là một Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp ở trong R bí mật ra giao nhiệm vụ trực tiếp cho dì. Tuy nhiên muốn lấy được tài liệu mật từ tay bọn chúng cũng không phải dễ. Dì kể: “Thời gian đầu mới vào làm không phải tất cả tài liệu đều được đánh máy một lúc, nhất là các hồ sơ mật liên quan đến quân sự và chính trị. Những tài liệu đó chỉ được đánh máy từng tờ một, xong thì giao lại cho người quản lý. Hết tờ này mới được đánh tờ khác nên dù tài liệu có bị lọt ra ngoài cũng không đầy đủ”. Hơn nữa – theo dì – kẻ địch không bao giờ có một phút chủ quan, lơ là. Chúng luôn âm thầm theo dõi và canh chừng các nhân viên ở đây rất chặt chẽ. Tuy nhiên đức tính nhanh nhẹn và cẩn trọng đã giúp cô gái trẻ bằng mọi cách để lấy được tài liệu ra ngoài một cách trót lọt. Thời điểm này, theo nhận định của tổ chức, muốn an toàn tuyệt đối và bảo vệ tính mạng cho dì thì không thể liều lĩnh như vậy mãi. Các đồng chí lãnh đạo đã quyết định chỉ lấy thứ gì mà kẻ địch không đa nghi mới được. Thế là sau đó chỉ có những tờ giấy than đã đánh máy thay vì đưa vào thùng rác thì lại cất giấu vào trong người. Cách làm việc tuy có thay đổi nhưng hiệu quả thì cũng không kém. Nhờ vậy mà một số bí mật về quân sự và hoạt động sắp diễn ra của bọn Mỹ cán bộ đằng mình biết rõ như trong lòng bàn tay. Hiệu lực hơn là có biết bao đợt càn quét và tấn công của quân địch chúng ta đã kịp thời ngăn chặn nên tổn thất cho quân và dân ta được hạn chế.
May mắn nữa lại đến với dì khi bọn chúng có đợt tuyển người tín cẩn vào đánh máy chữ cho ông bộ trưởng Bộ Nội vụ mà dì là người được “ưu tiên” trước hết. Tuy nhiên theo khẳng định của tổ chức, càng tiến sâu vào sào huyệt của bọn chúng thì người cán bộ phải được bảo vệ an toàn. “Đồng chí Chín Bảo ra lệnh tuyệt đối không cho tôi lấy bất cứ tài liệu ra ngoài khi tôi vào đánh máy cho ông bộ trưởng vì như thế là sẽ bị lộ. Tuy nhiên để có thông tin đầy đủ thì Chín Bảo yêu cầu tôi phải nhớ hết mọi chi tiết trong đầu qua đôi mắt quan sát của mình”, dì Năm nhớ lại. Cũng có lẽ chính vì thế mà mỗi lần ra vào bọn chúng dù có kiểm soát chặt đến đâu cũng không phát hiện ra được “tài liệu” đặc biệt mà dì Năm để trong người.
Vững vàng trong gió bão
Nguy cơ bị mất việc làm cũng có lúc đã đe dọa dì. Số là bọn chúng đòi hỏi phải có giấy giá thú để hợp thức hóa hồ sơ. Đang rối bời vì chưa biết chạy cách nào thì có may mắn có ông Trần Quang Cơ – vốn là chỗ thân quen trong gia đình – đã “ra tay cứu giúp”. Sau một tuần chạy chọt tờ giấy giá thú của vợ chồng dì đã được chính quyền ngụy công nhận một cách nghiễm nhiên mặc dù lúc này chồng dì là ông Trình Phi Hổ vẫn đang ở trong vùng chiến khu. “Cũng nhờ tờ giấy giá thú đó mà 4 đứa con gái của tôi trước đây phải mang họ Lữ của mẹ đã được trả lại họ Trình của cha một cách hợp pháp”, một nụ cười thật mãn nguyện trên khuôn mặt dì khi nhớ lại câu chuyện này.
Với công việc vô cùng nguy hiểm này, lúc nào dì cũng đặt mình trong những tình huống khó khăn nhất để tìm cách ứng phó. Nhờ dì báo tin mà một cán bộ nằm vùng của ta bán ở sạp thịt đã kịp thời trốn thoát. Lúc quay trở về bọn chúng tức giận chửi đổng liên tục dì nghe vừa mừng nhưng lại vừa lo. Những lúc đó dì chỉ có tâm niệm bọn chúng còn tin thì mình cứ làm nếu có bị lộ thì cũng đành phải chấp nhận như các đồng chí của mình. Thiếu can đảm, không có dũng khí thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà tổ chức đã tin tưởng giao phó. Cũng trong hoàn cảnh khốc liệt này biết bao cám dỗ vây quanh kể cả mặt tình cảm. Những tên sĩ quan như đại tá Nghĩa hoặc đổng lý Nguyễn Văn Liêm tìm cách mua chuộc người thiếu phụ còn mặn mà nhan sắc bằng vật chất và cả tình cảm nhưng dì vẫn từ chối tất cả. Dì kể: “Một lần đổng lý Nguyễn Văn Liêm gợi ý làm hộ chiếu cho tôi đi nghỉ mát ở Hồng Kông nhưng tôi đã tìm cách từ chối khéo như mấy lần trước đến nỗi ông ta bảo tôi hoặc là tu sĩ hoặc là cộng sản chứ không ai khác”.
Chỉ đến khi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi thấy dì được làm lại toàn giấy tờ căn cước và vẫn tham gia công tác bình thường bọn chúng mới “hiểu” dì là người của cách mạng nhưng lúc đó tất cả đã muộn rồi.
Được trở về làm cán bộ Phòng tổ chức Sở GD-ĐT TP.HCM trong niềm vui của người cách mạng được nhìn thấy ngọn cờ độc lập tự do của đất nước dưới nắng sớm, dì Năm còn tự hào hơn khi 3 cô con gái của dì đều theo nghiệp giáo viên công tác tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật và Sở GD-ĐT.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Nỗi đau từ chiến tranh của dì vẫn còn đó khi đất nước thống nhất: Cô con gái đầu lòng mất tích từ năm 1968 trong phong trào đấu tranh sinh viên giờ vẫn bặt vô âm tín; anh cán bộ Trình Phi Hổ – chồng của dì – mới từ chiến khu ra cũng bỏ mấy mẹ con ra đi vì một căn bệnh hiểm nghèo bộc phát. Thế nhưng bao giờ dì cũng nghĩ là mình vẫn còn nhiều hạnh phúc và may mắn vì không phải chịu cảnh đòn roi trong tù ngục như các đồng chí khác, vẫn được sống cho đến ngày nhìn đất nước thống nhất và từng ngày thay da đổi thịt.
|
Bình luận (0)