Tốt nghiệp cử nhân luật ở ngôi trường ĐH KHXH&NV TP.HCM danh tiếng, anh lại chọn cho mình nghề… báo, vì đam mê. Sau 12 năm lăn lộn với nghề, thêm một lần anh lại quyết định rẽ theo ngã khác: Về quê thuê đất trồng rau an toàn. Anh là Trần Văn Bảy, ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Rau an toàn được anh Bảy đóng gói ngay tại cơ sở trong trang trại |
Đánh thức đồng quê
Còn đường bê tông dẫn ra cánh đồng thôn Phú Sơn Nam độ này không còn trơ chân rạ như xưa, bù lại đó là một màu xanh ngút mắt của các loại rau thương phẩm mọc vút lên và chi chít quả trong những vòm nhà lưới. “Trang trại rau an toàn của chú Bảy đó. Cả cánh đồng này, ruộng rau của chú ấy là rộng nhất!”, người phụ nữ chăn bò bên đường nói. Câu chuyện đánh thức đồng quê của anh Bảy bắt đầu qua chất giọng trầm ấm. Sinh ra và lớn lên ở miền quê Hòa Khương, cuộc sống dù bắt đầu không chọn cánh đồng quê làm kế mưu sinh nhưng trong anh, tình yêu ruộng đồng với kí ức ấu thơ đầu trần chân đất vẫn vẹn nguyên và đầy thao thức. Cách đây 2 năm, nhận thấy dự án Qseap đầu tư cho cánh đồng rau an toàn, tình yêu ấy lại trỗi dậy trong anh: “Thời điểm ấy mình nhận thấy tiềm năng của cây rau thương phẩm. Nhu cầu của người tiêu dùng hướng về rau sạch rất lớn trong khi các loại rau an toàn trên các sạp rau không nhiều. Sau nhiều đêm trăn trở, mình quyết định gác nghiệp bút để trở về làm… nông dân trồng rau!”. Anh tiến hành các khâu thuê đất, đồng thời với đó mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng rau an toàn, tìm mua những nguồn giống có nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu để đảm bảo. “Mình phải tìm hiểu, nắm chắc kỹ thuật mới thực hiện tốt quản lý và hướng dẫn lại cho những nhân công của mình!”, anh nói. Sau thời gian thử nghiệm anh đã mạnh dạn đưa ra cánh đồng với diện tích đến 2ha trong năm đầu. Với loại rau thu trái như mướp, bí đao, bí đỏ, bầu, dưa leo, dần anh mở thêm rau ăn lá như rau mùng tơi, dền đỏ, rau muống… Rau anh chia làm nhiều thời điểm xuống giống nên thu hoạch không bị gián đoạn. Xen lẫn giữa những ruộng rau đang thời điểm nhú mầm nảy lộc, có những thửa đang đơm hoa, nhiều thửa khác vào vụ thu hoạch, đâu đó đã có những thửa đang tàn. Anh Bảy bảo: “Mình phải tính toán làm sao để luôn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng lại vừa để đất có thời gian nghỉ dưỡng, tái tạo chất mùn, khoáng”. “Năm nay mình vừa mở rộng thêm 2ha, dự định nếu đủ điều kiện mình sẽ tiếp tục thuê thêm 5ha nữa”, anh nói. Theo tay chỉ của anh, một cánh đồng trơ gốc rạ đang dần được đánh thức với màu xanh hoa trái đầy sức sống.
Từ ruộng rau đến bếp ăn
Vừa là ông chủ, anh kiêm luôn cả làm nông dân. Từ sáng đến tối, đôi chân anh in dấu khắp nơi trên ruộng đồng. Khi lên luống phủ bạt, lúc chăm cây, thu hoạch, chiều tối lại cặm cụi làm đất để ươm giống. Anh nói: “Để có được sản phẩm an toàn, mình phải rất kỹ trong khâu chọn nguồn gốc giống, rồi tự tay ươm giống để đảm bảo quá trình cây sinh trưởng tốt, khỏe”. Trồng ra cây rau, không nghĩ việc bán ra cho thương lái, anh Bảy bảo, sản phẩm cần phải đến tận tay người tiêu dùng, giúp họ giảm bớt chi phí. Đầu tháng 8-2016, anh cùng hai người bạn thành lập Công ty cổ phần PIHKA chuyên cung cấp rau sạch song song với trang điện tử tiện cho người tiêu dùng tìm hiểu và đặt hàng khi không có điều kiện đến điểm bán hoặc ruộng rau. “Rau mình bán ra cho người tiêu dùng hay các điểm bán đều bắt buộc yêu cầu đồng giá. Nghĩa là điểm bán phải bán cùng giá rau mà mình bán cho người tiêu dùng. Tất nhiên họ không thiệt thòi vì khi cung cấp hàng sỉ, mình đã tính hoa hồng cho họ. Làm như vậy để tránh được việc tăng giá vô tội vạ, làm mất thương hiệu rau PIHKA”. Với quan điểm đưa rau từ ruộng đến bếp ăn không qua trung gian như vậy, mỗi ngày bình quân anh bán ra 100kg rau ăn lá và 300kg rau ăn quả.
Anh chia sẻ: “Hiện rau của tôi đang dần được biết đến ở Đà Nẵng và một số nơi ở Quảng Nam. Tôi tính không chỉ trồng rau để bán theo dây chuyền khép kín mà bà con trong thôn, nếu muốn trồng rau mình cũng sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn, hỗ trợ họ trong khâu ươm giống và thu mua sản phẩm”.
Rời miền quê nghèo với nghề nông một nắng hai sương, bôn ba khắp nơi với đam mê nghề báo rồi quay lại nghề nông, anh Bảy vẫn bảo rằng, nghề nào cũng có niềm tự hào và cái vất vả riêng, chỉ cần đam mê là đủ.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bình luận (0)