Ông Nguyễn Văn Lự (giữa) kể lại chuyện đào hầm cho các bạn sinh viên nghe. Ảnh: Phúc Linh |
Năm nay đã 89 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ rất rõ từng ngóc ngách, từng nắp hầm, từng chi tiết của địa đạo Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa – quận Tân Phú – TP.HCM). Địa đạo do ông cùng 11 người khác trực tiếp đào nên. Ông là Nguyễn Văn Lự (tức Cù Lự), một người đã đi qua hai cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước.
Đội quân 12 người
Năm 1947, năm mà cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn cam go, ác liệt, kẻ thù suốt ngày lùng sục, bắt bớ những người mà chúng nghi là Việt Cộng. Trước tình hình đó, một số người hoạt động cách mạng đã đưa ra ý tưởng sống và hoạt động dưới lòng đất để địch không thể phát hiện. Từ ý tưởng này, một đội quân 12 người được thành lập với nhiệm vụ chính là đào hầm bí mật làm nơi ém quân cho những trận đánh lớn.
Đến bây giờ, đội quân 12 người ngày ấy chỉ còn duy nhất một người, 11 người kia, hoặc đã hy sinh trong kháng chiến, hoặc do tuổi cao sức yếu mà qua đời. Người còn lại của đội quân đào địa đạo đó chính là ông Nguyễn Văn Lự.
Theo lời kể của ông Lự, việc đào hầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, đầu tiên phải đào một giếng giả, thường là ở những nơi kín đáo, ngụy trang cẩn thận để địch không phát hiện ra. Từ miệng giếng giả đó, người thợ ngồi xếp bằng tròn, dùng cuốc chim (một loại cuốc nhỏ) phá vỡ lớp đất trước mặt mà nhích tới. Những người ngồi sau kéo đất ra chuyền lên trên. Để tránh bị địch phát hiện, số đất đào được đều mang đi trồng khoai mì, đậu. Muốn xác định đúng hướng, người ngồi sau phải cầm đèn ở một khoảng cách nhất định để rọi bóng người ngồi trước lên vách. Người ngồi trước cầm cuốc đào vào cái bóng của mình, đào sao cho bóng ngay thẳng, tròn trịa là lòng hầm đi đúng ni tấc và phương hướng. Ngoài ra, cũng còn phối hợp kiểm tra với người trên mặt đất. Người ở trên áp tai vào mặt đất, người ở dưới vỗ mạnh vào trần hầm, trên dưới đều nghe rõ ám hiệu là được. Mỗi đêm đào như vậy cũng được vài chục mét. Do phải thức khuya làm việc nên đội đào hầm thường được “bồi dưỡng” bằng những nồi cháo trắng hay những củ khoai mì…
“Đào địa đạo là một công việc rất nguy hiểm, phải làm việc vào ban đêm trong điều kiện thiếu ánh sáng, thiếu không khí và điều quan trọng nhất là phải không cho địch phát hiện trong khi làm việc, vì nếu phát hiện được, chắc chắn kẻ thù sẽ giết cả đội quân và phá hủy địa đạo”, ông Lự cho biết như thế!
Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng những người lính ấy chẳng hề nao núng, sợ hãi hay bỏ cuộc, họ quyết tâm đào thật nhanh, thật chắc để bộ đội ta sớm có nơi để ém quân, tạo cơ sở chiến đấu với kẻ thù. Địa đạo Phú Thọ Hòa được hình thành thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, bất khuất của người dân thôn Lộc Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Địa đạo hoàn thành đã tạo nên nguồn sinh lực mới cho bộ đội ta làm nên những trận đánh vẻ vang như đánh kho bom Phú Thọ Hòa, nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất làm tiêu hao sinh lực địch. Những chiến công này có sự tác động gián tiếp từ bàn tay, khối óc của người lính đào địa đạo.
Ước nguyện cho tương lai
Chiến tranh đã lui vào quá khứ, dư âm của những đêm nào đốt đèn đào địa đạo cũng vơi dần trong trí nhớ của một cụ già 89 tuổi. Nhưng bài thơ về 12 anh lính họ Cù (thực ra họ Cù không phải là họ khai sinh của những người lính đó, họ Cù vừa là mật danh, vừa ghi nhận sự cần cù, chịu khó của những người lính đào địa đạo) luôn in sâu trong tâm trí ông Nguyễn Văn Lự: “…Dòng họ Cù ra đời trong khói lửa/ Dũng cảm cần cù đào địa đạo đánh Tây/ Những vị họ Cù gan góc hăng say/ Với những lưỡi cuốc đêm đêm khoan vào lòng đất…”. Nhờ có “dòng họ” Cù ấy mà đất nước ta mới có một địa đạo Phú Thọ Hòa giúp quân đội ta đi đến nhiều thắng lợi mới. Hiện, ông Lự sống một mình trong căn nhà trên đường Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú). Hôm chúng tôi đến thăm, ông vừa xuất viện về nhưng vẫn cố gắng trò chuyện rất vui vẻ.
Nhưng khi nhắc đến chuyện khu di tích đang ngày càng xuống cấp, gương mặt đầy vết chân chim của người chiến sĩ năm xưa thoáng vẻ buồn. “Đây là một di tích cấp quốc gia, là một chứng cứ lịch sử cho tinh thần, trí tuệ, binh pháp của người Việt Nam cần được gìn giữ, bảo tồn cho đời sau, để người Việt Nam còn biết đến lịch sử nước nhà qua những hiện vật, những di tích chứ không chỉ trên giấy, báo, phim ảnh” – ông tâm sự. Đó là một ước nguyện thấm đẫm tinh thần dân tộc mà một người cựu chiến binh, một người đã chôn vùi tuổi thanh xuân mình nơi lòng đất để tạo nên một “kiệt tác” lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa.
Công Luận
Năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia. Kể từ đây, ông Lự lại có công việc mới, giới thiệu và kể lại những chuyện “ngày xưa” cho các đoàn tham quan. |
Bình luận (0)