Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người dạy, học cần gì ở sách giáo khoa?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy học theo giáo án điện tử tại Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM. Ảnh: A.K

Sách giáo khoa (SGK) cần những tiêu chí nào? Các tiêu chí đó phải đạt được những yêu cầu ra sao? Đó là vấn đề mà dư luận đang quan tâm trước đề án đổi mới chương trình (CT) SGK sắp tới của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra bản dự thảo tiêu chí viết SGK để chuẩn bị lấy ý kiến dư luận.

SGK phải hấp dẫn học sinh

Theo ông Phạm Minh Diệu, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thông thường, với một cuốn SGK, nội dung phải hay, hấp dẫn, thiết thực. Nhìn vào bộ tiêu chí dự thảo của Bộ GD-ĐT cũng đã thấy cái hay, cái hấp dẫn nhưng vẫn cần phải có gì đó nhấn mạnh thêm. Hiện nay, SGK có nhiều cuốn học sinh không thích vì nội dung chưa hay, chưa thiết thực. Do đó, SGK mới, ông Diệu mong bộ phải soạn lại, rà soát lại. “Với SGK hiện nay, hình thức trình bày tranh ảnh đưa vào chưa “ngon” lắm. Mở SGK ngữ văn của một số nước thấy kênh hình đẹp đẽ vô cùng. Còn của Việt Nam tranh trước không ăn nhập với tranh sau, không đẹp, có vẻ như nền hội họa của nước ta hơi nghèo nhưng có thể không huy động hết nguồn lực, phải có đánh giá của kênh hình” – ông Diệu đề nghị.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Thị Phương Nga, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng dự thảo bộ tiêu chí khá công phu nhưng lại chưa thấy bóng dáng của người thụ hưởng SGK là học sinh. Bà Nga đề nghị sách phải hướng tới đối tượng là người học nên ngôn ngữ nhất thiết phải thân thiện, tránh những bài tập mang tính mệnh lệnh khô cứng như vẫn thường thấy, nhất là với lứa tuổi tiểu học. Ông Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cùng quan điểm khi cho rằng hiện SGK đưa vào quá nhiều thuật ngữ khoa học, viết theo kiểu tư duy của người lớn cũng là nguyên nhân khiến sách bị đánh giá là hàn lâm, nặng kiến thức. “Văn phong trong sách phải dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi, phù hợp với vùng miền. Muốn làm được như vậy thì người viết phải rất tinh tế, hiểu tâm lý, ngôn ngữ của trẻ em từng lứa tuổi”, ông Long nêu quan điểm.

SGK phải mở

Theo ông Đỗ Ngọc Thống – Thường trực Ban soạn thảo CT-SGK phổ thông của Bộ GD-ĐT, một điểm mới hoàn toàn có trong dự thảo bộ tiêu chí biên soạn SGK là việc hỗ trợ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hỗ trợ kiểm tra đánh giá học sinh. Theo đó, mỗi bài học có kèm theo phần hướng dẫn, gợi mở cách thức tổ chức dạy học, yêu cầu hoạt động trải nghiệm sáng tạo, gợi ý đề tài để thầy, trò cùng tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng. Trong mỗi bài học, ngoài hệ thống câu hỏi bám sát mục đích, yêu cầu giáo dục, sẽ có đề xuất gợi ý hình thức kiểm tra đánh giá. Ông Thống cũng cho biết, SGK, tài liệu hướng dẫn sắp tới sẽ được biên soạn theo hướng mở. SGK hiện đại, nội dung ứng dụng sẽ cao. Tuy nhiên, trước quan điểm này của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Minh Diệu cho rằng SGK mở là cần thiết nhưng băn khoăn lớn nhất của ông là mở đến đâu? “Mở thế nào có hướng dẫn được thêm không. Nhưng có thể nói sẽ có sự mở không đứng đắn và có tiêu chí nào để “kiểm soát” vấn đề này?” – ông Diệu đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: Mở của SGK thế nào? Không thể quy định mở đến đâu miễn là mở đừng sai. Còn học sinh nói đúng hay không thì tùy người dạy học. Khi dạy học, giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh mở đến mức nào. Sách thì không thể thiếu nội dung cơ bản mà CT đã quy định, không nhất thiết phải viết hết nhưng phải có để cho học sinh đề cập đến.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hiển cũng cho biết, đối với SGK điện tử, cũng phải tuân theo quy định của SGK bình thường, ngoài ra có thêm quy định khác như yêu cầu tương tác. Còn yêu cầu gì nữa sẽ phải nghĩ thêm.

Theo dự thảo bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông mà bộ công bố thì việc đánh giá sẽ thực hiện qua 18 tiêu chí chia thành 5 nhóm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đây sẽ là căn cứ để các chuyên gia, hội đồng quốc gia thẩm định SGK phổ thông; để các tác giả, nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách phù hợp với CT môn học; Hỗ trợ người dạy, người học và các bậc phụ huynh lựa chọn sử dụng sách trong quá trình dạy và học. Theo sự phân công của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn một bộ SGK phù hợp với CT mới để đảm bảo việc đổi mới giáo dục phổ thông đúng tiến độ và quy trình đề ra. Mặt khác, khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia vào công việc này. Bộ có trách nhiệm ban hành tiêu chí đánh giá và tổ chức thẩm định. Sách nào được bộ thẩm định mới được giới thiệu và phát hành.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)