Người dạy phải luôn đồng hành với người học ngay từ đầu tiết học
|
“Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động nhà trường với mục đích phát huy tính tích cực sáng tạo, phát huy năng lực hành động của người học”. TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận – đã khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết phong trào “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học” năm học 2011-2012 tổ chức ngày 17-2.
Xóa bỏ dần cách dạy thụ động
TS. Ninh Văn Bình cho biết xu hướng đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông là giảng dạy theo hướng cá thể hóa, giảm lý thuyết tăng thực hành, xóa bỏ tình trạng thầy đọc – trò chép còn “rơi rớt” như hiện nay. Theo cô Hoàng Thị Thanh Vương – giáo viên (GV) Trường TH Cao Bá Quát – dạy học sinh (HS) cách học như thế nào cho phù hợp cũng là một con đường đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực tiễn cho thấy, cách dạy của GV chỉ có một nhưng cách học của các em thì thật đa dạng “muôn hình muôn vẻ”. Mỗi em đều có sở trường và sở đoản riêng vì theo cô mỗi con người là một cá thể độc lập. Như vậy để dạy học có hiệu quả thì người thầy phải biết tập hợp, quy tụ điểm mạnh và cả mặt yếu của HS từ đó giúp các em tư duy tốt hơn, học tập độc lập hơn. Cũng theo cô Vương, nhìn vào thực tế thì không phải em nào cũng tích cực học tập, vẫn còn HS chưa phát huy hết khả năng tiềm ẩn của mình, học theo kiểu gượng ép mà chưa có hứng thú. Do không biết cách học nên có em chưa hợp tác được cùng GV, thiếu tự tin trong giao tiếp, nhàm chán khi nghe giảng bài…
Song song đó, các hoạt động trên lớp tổ chức chưa có chiều sâu, lúc này lúc kia vẫn mang nặng tính biểu diễn, hình thức.
Muốn khắc phục tình trạng trên, theo ThS. Nguyễn Công Quốc Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm – chúng ta cần xóa bỏ dần cách dạy thụ động nặng lý thuyết, xa rời thực tế. Làm sao để các tiết dạy sinh động hơn, hiệu quả hơn. Phải đoạn tuyệt với cách làm việc “đơn thương độc mã” của người thầy, quá phụ thuộc vào bảng đen phấn trắng và hiện tượng thầy đọc – trò chép máy móc, thụ động. Người dạy phải là người đối thoại và luôn đồng hành với người học ngay từ đầu tiết học.
Những bài học kinh nghiệm
TS. Ninh Văn Bình đã đánh giá: Tại Phú Nhuận, phong trào tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học được chia làm hai giai đoạn tương ứng với cấp quận và cấp trường. Ở cấp quận, mỗi bậc học được thực hiện điểm tại hai trường do Phòng GD-ĐT chọn. Từ giai đoạn 2, các chuyên viên xuống cơ sở dự gần một ngàn tiết dạy do GV tự nguyện đăng ký. Việc chia ra hai giai đoạn là cách tổ chức khoa học để phong trào có tính bền vững và không “giẫm đạp lên nhau”.
Từ những hoạt động này, không chỉ nhận thức GV có sự chuyển hóa mà ý thức học tập của HS cũng được khơi nguồn, cơ sở vật chất theo đó được củng cố và có sự đầu tư tốt hơn. Ban giám hiệu không đứng ngoài quỹ đạo mà quan tâm chăm lo đến từng tiết dạy cụ thể của GV. Nếu ở bậc mầm non có nhiều hoạt động như giáo dục trẻ, đổi mới nội dung được nâng cao thì ở bậc tiểu học, tính tích cực của HS đã được thầy cô phát huy một cách khéo léo. Các tiết dạy ở bậc THCS đã chú trọng đến việc xác định đúng mục tiêu bài dạy; lượng hóa, giảm tải kiến thức trong giáo án và hệ thống câu hỏi.
Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng nhận thấy những mặt yếu kém còn tồn tại như: GV còn ôm đồm kiến thức trong quá trình truyền thụ, phương pháp học tập theo nhóm không phải lúc nào cũng có hiệu quả cao, một vài tiết dạy còn lúng túng trong việc xây dựng ma trận đề kiểm tra sau tiết dạy. Đơn vị nào hiệu trưởng bám sát kế hoạch chung của ngành và triển khai đồng bộ thì GV thực hiện nghiêm túc, đạt yêu cầu hơn.
Bài học kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học từ quận Phú Nhuận là người thầy không chỉ vận dụng phương pháp khéo léo mà cần phải có phong cách cởi mở, gần gũi và thân thiện. Xác định nội dung bài học theo chuẩn kỹ năng kiến thức và hướng giảm tải kết hợp với ra đề sát đối tượng, trọng tâm kiến thức.
Bài, ảnh: P.N.Q
“Làm tốt công tác tuyên truyền để tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của PHHS và xã hội trở thành nguồn lực hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện thành công đổi mới phương pháp giảng dạy”, ThS. Võ Cao Long – Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận nhận định. |
Bình luận (0)