Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người đẹp gợi cảm hứng cho tranh Dương Tuấn Kiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Bị lãng tai và phản ứng chậm chạp do sức khỏe, tuổi tác, nhưng khi nói về hội họa, Dương Tuấn Kiệt trở nên hoạt bát, hóm hỉnh. Ông chia sẻ, chính những người phụ nữ đẹp duy trì nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào trong ông.

Tại buổi khai mạc triển lãm cá nhân vào ngày 21/5 ở gallery Tự Do, TP HCM, khi được nhiều người hỏi vì sao tranh ông thường có hình ảnh những thiếu nữ mảnh mai, họa sĩ Dương Tuấn Kiệt cười hóm hỉnh: "Phụ nữ là một trong những tặng vật đẹp đẽ và quý giá mà tạo hóa ban cho thế giới này. Vẻ đẹp của họ khiến cho cuộc sống trở nên thi vị hơn. Có lẽ vì thế mà tôi hay vẽ các người đẹp chăng?".

"Thổi sáo", sơn mài Dương Tuấn Kiệt.

Trong 28 bức sơn mài Dương Tuấn Kiệt giới thiệu tại triển lãm, có rất nhiều bức miêu tả vẻ thanh thoát của người con gái Việt Nam. Khuôn mặt trái xoan của người thiếu nữ thấp thoáng trong vườn hoa lá. Người con gái gối đầu trên tóc mây bồng bềnh. Thiếu phụ buồn buồn trước gác chuông nhà thờ trong chiều lộng gió… Các vóc dáng yêu kiều đi vào tranh của họa sĩ 61 tuổi như giấc mộng về những điều lãng mạn. "Đó chẳng phải là người con gái cụ thể nào mà là những hình ảnh đẹp từng ghi dấu hoặc thoáng qua đâu đó… Để rồi sau đấy, khi hồi tưởng, tôi lại háo hức được thể hiện vào tranh của mình", họa sĩ chia sẻ.

Bên cạnh người đẹp, Dương Tuấn Kiệt còn vẽ rất nhiều cảnh sinh hoạt, góc chợ cá lao xao ở miền quê, trẻ chăn trâu đồng chiều, trưa Hội An cổ kính, hoa lá… Do một sự cố từ thời trẻ, thính giác của người họa sĩ này bị suy giảm nhiều. Ông không nghe rõ âm thanh xung quanh và hội họa dường như đã bù đắp lại cho Dương Tuấn Kiệt nhiều thứ. Tranh ông không chỉ đầy sắc màu mà còn chứa cả âm thanh, giai điệu của cuộc sống.

Điều thú vị là thoạt nhìn, các bức sơn mài của Dương Tuấn Kiệt từa tựa như tranh sơn dầu. Đó là do ông đã bỏ qua công đoạn mài bóng cuối cùng khi thực hiện tranh sơn mài khiến cho bức tranh thay vì có bề mặt sáng bóng, mịn và nhuyễn như các bức sơn mài truyền thống lại nhìn thật hơn, gần gũi hơn. "Các công đoạn sáng tác tranh sơn mài cho phép người họa sĩ có thể tạo nên các tác phẩm ngẫu hứng theo ý tưởng riêng của mình.Việc Dương Tuấn Kiệt bỏ qua một vài bước quan trọng trong quá trình thực hiện tranh mang đến các tác phẩm giản dị, lột tả được nét chân chất, ngây thơ trong nguồn cảm hứng của ông", họa sĩ Thu Hà, chủ gallery Tự Do nhận xét.

Dương Tuấn Kiệt bên bức sơn mài "Thiếu nữ" của ông.

Họa sĩ Dương Tuấn Kiệt sinh năm 1940 tại Tân An (Long An). Năm 1959, vì yêu thích hội họa, ông theo học một năm dự bị tại Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Do không đủ tiền để học tiếp, ông chuyển sang vẽ phông cho các rạp phim Sài Gòn như Đại Nam, Kinh Thành, Nguyễn Văn Hảo… và các gánh cải lương, chủ yếu là gánh Tiếng Vang Thủ Đô cho đến năm 1975.

Sau 1975, Dương Tuấn Kiệt từ giã sân khấu cải lương và rạp phim, trở về với ước mơ hội họa thưở nào. Thoạt tiên, ông vẽ tranh lụa, rồi tiếp đến sơn dầu, sơn mài, tranh xé giấy…

Khách thưởng lãm tranh sơn mài Dương Tuấn Kiệt tại phòng tranh Tự Do.

Dương Tuấn Kiệt lao vào sáng tác sơn mài với tất cả say mê và sống hoàn toàn nhờ việc bán tranh, không làm thêm việc khác. Tranh sơn mài của ông đã triển lãm trong nước nhiều lần, và từng được tuyển chọn tham dự nhiều triển lãm quốc tế như: Vietnam Peace in Art ở Washington, Mỹ, Vision from Vietnam tại London, Anh; đặc biệt, cuộc triển lãm A new age, triển lãm tranh sơn mài của 27 họa sĩ tiêu biểu Việt Nam tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội, TP HCM), Colorado, California và Hawaii (Mỹ).

Triển lãm cá nhân của ông tại phòng tranh Tự Do, số 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM, kéo dài đến ngày 21/6.

Bài, ảnh Thoại Hà (Theo VNE)

Bình luận (0)