Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Người đi đò không mặc áo phao: Cần chế tài đủ mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh sát giao thông đường thủy đang lập biên bản một chiếc đò không đảm bảo an toàn

Vụ chìm đò làm 42 người tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình tử nạn; và cách đây không lâu vụ chìm đò tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An làm 19 học sinh mất tích thật đáng thương tâm. Chuyện chìm đò đã xảy ra nhiều lần, vậy mà chính quyền các địa phương chưa quan tâm đến điều kiện an toàn của người đi đò, nhất là học sinh.
Phải mặc áo phao khi đi đò
Có thể kể ra rất nhiều vụ TNGT đường thủy xảy ra ở các bến đò đã làm nhiều người bị thiệt mạng. Trong đó, các bến đò ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguy cơ xảy ra tai nạn nếu không được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Để tránh những tai nạn đáng tiếc khi đi đò, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Cục CSGT đường thủy, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cuộc vận động người đi đò mặc áo phao kéo dài từ tháng 6-2005 đến nay. Theo đó, tại những nơi được chọn làm điểm đều được trang bị miễn phí áo phao cho các chủ đò tự nguyện đăng ký, đảm bảo an toàn cho khách đi đò có điều kiện lựa chọn phương tiện có áo phao và phương tiện không có áo phao để tham gia giao thông. Mục đích của cuộc vận động là xây dựng thói quen mặc áo phao mỗi khi đi đò, tạo sự đồng thuận của dư luận về biện pháp này trước khi nâng thành quy định bắt buộc. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện số lượng áo phao cấp cho các bến đò cả nước lên đến hơn 27.000 chiếc. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người đi đò mặc áo phao.
Cần xử lý những người không mặc áo phao
Gần đây các cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra tại các bến đò hầu hết áo phao đều được cất trong cabin, hoặc treo trên mũi tàu, không biết đến bao giờ mới có dịp mang ra sử dụng. Cũng theo kết quả kiểm tra của các lực lượng chức năng thì hầu hết chủ đò và hành khách đều không mặc áo phao khi đi đò. Chị Trần Thị Ngọc, hành khách tại bến đò Cát Lái quận 2 cho rằng: mặc áo phao bất tiện, nó quá nóng đối với thời tiết Việt Nam, vả lại thời gian qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong thì đã phải cởi ra rồi, cho nên… không cần thiết phải mặc”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy khi có sự cố đáng tiếc xảy ra, liệu có kịp chạy đến cabin lấy áo phao mặc không?” thì nhận được câu trả lời: “Trời kêu ai nấy dạ”. Tại bến đò Bình Quới, anh Trần Trung Thành, chủ bến đò cho biết: “Từ khi chúng tôi nhận áo phao đến nay đã hơn 2 năm, nhưng khi xuống đò có yêu cầu hành khách mặc thì cũng không ai mặc, mà chủ đò thì không thể bắt hành khách mặc được. Theo tôi Nhà nước nên có chỉ thị bắt buộc mặc áo phao cũng như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, gắn máy”.
Theo ghi nhận của Giáo Dục TP.HCM, hiện tất cả 45 bến đò đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM đều có đầy đủ áo phao do chủ đò tự trang bị nhưng có một thực tế là bà con vẫn chưa có thói quen mặc áo phao cứu sinh. Những chiếc áo được phát vì thế chỉ được “treo cho có” ở trên đò…
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải có những chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những người vi phạm giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Chính quyền địa phương, nhất là cấp phường, xã cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ tính mạng của mình mỗi khi tham gia giao thông nói chung và giao thông đường thủy nói riêng.
Lê Hữu

Bình luận (0)