Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Người đi đường còn thờ ơ với mức phạt nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Chạy xe trên vỉa hè vẫn là lựa chọn của nhiều người

Từ ngày 20-5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 146/2007/NĐ-CP. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông (ATGT) đường bộ trước đây chỉ bị nhắc nhở thì nay sẽ bị xử phạt cao, thậm chí thật nặng, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.
Gần 10 ngày thực thi Nghị định 34/2010/NĐ-CP về phạt nặng các hành vi vi phạm Luật ATGT nhưng hầu như tình trạng vi phạm vẫn còn nhan nhản khắp nơi.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các tuyến đường lớn của thành phố như Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Lũy Bán Bích, Âu Cơ… tình trạng vi phạm Luật ATGT vẫn còn rất nhiều.
Đa phần những lỗi mà người dân vi phạm vẫn là không đội mũ bảo hiểm (MBH), chạy lấn tuyến, đi ngược chiều hoặc nhỏ hơn là đậu xe lấn chiếm lòng lề đường, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, nghe điện thoại khi tham gia giao thông…
Phạt nặng: chưa phát huy tác dụng
Theo nghị định, người điều khiển, người ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH, hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng. Tuy nhiên, hình ảnh người đi xe đạp điện và trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH hiện nay còn khá phổ biến. Nhiều người dù có MBH vẫn không đội mà treo trên xe.
Từ trước đến nay, đã có không ít trường hợp dẫn đến tai nạn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện giao thông phải né tránh người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do chưa có quy định nên người đi bộ dẫu sai trong trường hợp này cũng không bị xử phạt. Mặc dù tới thời điểm này, hành vi này bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng nhưng tình hình người đi bộ vi phạm vẫn diễn ra ở khắp nơi.

Hình ảnh đi ngược chiều vẫn diễn ra khắp nơi

Hơn 10 giờ sáng, có mặt tại đường Trường Chinh (quận Tân Bình), chúng tôi quan sát được có rất nhiều xe gắn máy chạy ngược chiều. Song song đó, hình ảnh người đi bộ băng sang đường không đúng vạch, leo qua dải phân cách xuất hiện khắp nơi trên đường phố.
Tâm lý người đi bộ vẫn là “đi bộ sẽ không bị phạt, do đi gần nên băng sang đường cho tiết kiệm thời gian”. Suy nghĩ này đã làm cho tình trạng giao thông thêm hỗn loạn.
Bên cạnh đó, việc xử phạt người đi bộ vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cũng gặp khá nhiều khó khăn và chưa thật sự triệt để. Anh Phan Đình Tuấn – CSGT thuộc đội CSGT Tân Sơn Nhất, Q. Tân Bình, thường xuyên điều khiển giao thông tại giao lộ CMT8 – Hoàng Văn Thụ cho biết: “Không chỉ tuyến đường này mà còn nhiều tuyến khác nữa có lô cốt nên việc muốn người đi bộ chấp hành đúng theo luật cũng khó thực hiện, vì thế mình cũng không thể phạt họ được. Nhiều vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường nên khó có thể xử phạt vì lỗi không hoàn toàn thuộc về họ”.
Cần ý thức hơn

Người đi bộ vẫn rất thờ ơ với luật

Theo lực lượng CSGT, vào giờ cao điểm vẫn còn tình trạng xe máy đi sai làn đường quy định hoặc đi ngược chiều, tuy nhiên nếu tập trung xử phạt các trường hợp vi phạm này sẽ gây ùn tắc giao thông. CSGT Nguyễn Quốc Lập, trực tại chốt Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) nói: “Vào giờ cao điểm, nhất là những lúc cúp điện, lượng xe rất đông nên chúng tôi không có thời gian để quan sát và xử phạt hết các lỗi”. Do đó vào giờ cao điểm, tại các giao lộ trọng yếu, CSGT ưu tiên điều hòa giao thông hơn là xử lý vi phạm.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số tuyến đường thuộc các quận trung tâm TP.HCM, ở những giao lộ, những tuyến đường ít quan trọng và thường xuyên vắng bóng CSGT thì tình trạng người đi bộ, các loại xe vi phạm vẫn còn phổ biến. Cụ thể là tại giao lộ Hùng Vương – Lê Hồng Phong (Q.10), vì đường Hùng Vương là đường ngược chiều, lại ít xảy ra ùn tắc nên lực lượng CSGT không có mặt thường xuyên. Do đó, người dân cứ vô tư cho xe chạy lên vỉa hè ngược chiều suốt một đoạn đường dài, gây cản trở cho người đi bộ mặc dù đoạn đường này đã treo các băng rôn phổ biến về Nghị định 34 của Chính phủ.
Riêng tại các tuyến đường có lô cốt hay công trình thi công, lực lượng CSGT chỉ có thể điều tiết giao thông chứ khó xử phạt. Vấn đề bất cập hiện nay là nhiều tuyến đường trong nội thành lẫn ngoại thành đều bị chi phối bởi các công trình hoặc lô cốt, nên việc thực thi Nghị định 34 của Chính phủ vẫn còn nhiều khó khăn. CSGT rất vất vả khi phải điều tiết một khối lượng lớn các xe lưu thông khi đi qua đoạn đường hẹp, dừng xe để xử phạt thì lại gây ùn tắc. Hơn nữa, CSGT cũng khó có thể quan sát và phát hiện được hết các lỗi vi phạm.
Nghị định 34 không chỉ tăng hình thức xử phạt, tăng cường việc đảm bảo ATGT đường bộ mà còn tăng ý thức chấp hành cho người tham gia giao thông. Song trên thực tế, nếu không được tuyên truyền sâu rộng để người dân tự giác chuyển đổi hành vi, thì họ vẫn vi phạm bởi hành vi xử phạt chỉ tác động đến một vài cá nhân.
Bài, ảnh: Mẫn chi – Bích Chi

Bình luận (0)