Không chỉ là nhà soạn nhạc tài ba, tiến sĩ Võ Tá Hân còn được thế giới biết đến như một chuyên gia cao cấp về tư vấn tài chính. Nhưng ít ai biết rằng, trong suốt 20 năm qua, ông còn thầm lặng đi khắp thế giới tìm kiếm hàng triệu cuốn sách gửi về VN.
100 bức thư xin sách
Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Võ Tá Hân may mắn được nhận học bổng sang Mỹ du học. Tốt nghiệp đại học, một năm sau Võ Tá Hân lại tiếp tục lấy bằng thạc sĩ tại Viện công nghệ Massachusetts với luận án: Khu chế xuất và VN sau chiến tranh.
Tiến sĩ Võ Tá Hân (trái) trao sách cho đại diện các trường tại ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM – Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ Mỹ tới Canada, cơ duyên đưa ông vào làm việc tại Ngân hàng Montreal, bắt đầu một sự nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế. Từ Montreal tới Toronto, sang Manila (Philippines) rồi ông chọn Singapore là chốn dừng chân cuối cùng. Tại đây, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như tổng giám đốc một công ty bất động sản, giám đốc điều hành một tập đoàn khách sạn, điều hành một ngân hàng tài chính… Tất cả những thành công trong công việc, các mối quan hệ được thiết lập trước đó đã giúp ông Hân rất nhiều khi bắt tay vào hành trình tìm cách giúp đỡ VN sau này.
Với tư cách là Chủ tịch Hội doanh nhân Canada tại Singapore, năm 2008 ông trở về VN lần đầu tiên. Chuyến đi để lại trong ông nhiều ấn tượng mạnh mẽ về một VN đang phát triển… Trong rất nhiều con đường thì việc chuyển sách về VN được ông xem là một lựa chọn để giúp đất nước phát triển nhanh nhất.
Từ tâm niệm đó, ông bắt tay vào việc soạn thảo 100 bức thư rồi gửi đi khắp nơi. Trong thư có ghi rõ mỗi loại sách xin thành 2 bản, một cho Viện kinh tế Hà Nội và một cho Viện kinh tế TP.HCM. “Nhận được 1.500 cuốn sách trong tay tôi mừng khôn tả, nhưng nhìn số sách ấy xếp chưa đầy một bức tường để chụp tấm ảnh kỷ niệm thì tôi lại thấy đó chỉ là chút muối bỏ biển”, ông Hân tâm sự.
Hành trình đưa kiến thức về nước
Trong một lần đi tham quan sách của NXB Prentice-Hall tại Singapore, ông Hân phát hiện một “núi” sách nằm ngổn ngang. Đau xót khi thấy số sách mới tinh với nhiều thể loại đang đứng trước nguy cơ bị bỏ phí, ông bỏ ra nhiều công sức để thuyết phục được mua lại loạt sách ấy theo giá… giấy vụn. Chẳng hạn, một quyển sách y khoa giá 250 USD thì ông mua lại với giá chỉ 3 USD! Có sách rồi, nhưng để đưa được chúng về nước cũng không ít khó khăn. Ông hợp tác với Fahasa đều đặn chuyển sách về, đến năm 1996 thì số sách chuyển về được khoảng nửa triệu cuốn.
Năm 2007, sau khi thành lập nhóm Vietnam2020 (Tổ chức trí thức Việt kiều tại Singapore), việc vận chuyển sách về VN được tổ chức thường xuyên hơn. Với sự giúp đỡ của các thành viên Vietnam2020, 18.000 quyển sách được chuyển về thư viện Tạ Quang Bửu thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Gần đây nhất, tổ chức này hỗ trợ thành lập thư viện sách tiếng Anh chuyên ngành tại trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) với hơn 20.000 quyển. Cũng thông qua trường ĐH Quốc tế, hơn 20.000 quyển đã được chuyển tới các trường ĐH-CĐ và THPT trong cả nước. Ông Hân cho biết phần lớn trong hơn 40.000 quyển sách này được NXB World Scientific Publishing và trường CĐ Kỹ thuật Temasek (Singapore) tặng.
Sắp tới đây, nửa triệu quyển sách của NXB Wiley được bán cho trường ĐH Quốc tế với giá rẻ đặc biệt sẽ tiếp tục được chuyển về từ New York. Thông tin này chúng tôi biết lúc trò chuyện với ông cách nhau nửa vòng trái đất qua internet, khi ông Hân đang trên đường sang Mỹ để xúc tiến cho việc chuyển số sách này về VN. Ông tâm niệm: “Sách chính là kiến thức. Tôi mong mỏi với số sách được chuyển về sẽ giúp được thật nhiều cho học sinh, sinh viên VN. Chỉ thế thôi là đủ!”.
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)