Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người đi nhặt mảnh vỡ thời gian

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây hơn 45 năm, trong một trận thảm sát của địch đã cướp đi hàng trăm mạng sống của một ngôi làng người Cơ Tu bên dãy Trường Sơn ở miền Tây Thừa Thiên Huế. Sau thảm họa, có 13 đứa trẻ mồ côi được đưa về cô nhi viện ở Đà Nẵng. Trong số đó có cô bé tên A Chước Đen đã làm cuộc hành trình ngược dòng ký ức tìm về cội nguồn và đã cho ra đời cuốn sách Làng T’Râu của tôi vào thượng tuần tháng 4-2011…

“Bảy năm hoàn thành cuốn Làng T’Râu của tôi là khoảng thời gian tôi sống có ý nghĩa nhất”, A Chước Đen bộc bạch

Ngược ký ức tìm đường về quê mẹ
Cụ Trần Bốn nhớ lại buổi sáng kinh hoàng vào tháng 4 năm 1963: “Sáng đó, bọn chỉ điểm dẫn giặc đến chỗ dân sơ tán. Chúng tỏa ra vây kín các chòi và các căn hầm tránh bom, sau đó chúng phóng rốckét vào bà con, tưới xăng đốt hết. Đến khi lửa cháy ngút trời, du kích tụi tui mới biết mà về”, giọng cụ Bốn tắc nghẹn.
Cách nhà ông Bốn không xa, bà Hồ Thị Sen (74 tuổi) đón chúng tôi trên bậc thang nhà sàn với ánh mắt ngơ ngác pha chút kinh hãi khi nhìn thấy người lạ. Khi biết chúng tôi muốn nghe kể chuyện về vụ thảm sát năm 1963, bà lẩm bẩm trong tận cùng đau đớn nói về nỗi khiếp hãi ấy bằng tiếng Cơ Tu “Ka khin, ka pơn” (khủng khiếp lắm).
Theo lời các cao niên trong làng, làng T’Râu năm đó có gần 190 nhân khẩu, và có ngót nửa số ấy chết oan ức trong ngọn lửa ngút trời.
Sau cuộc càn quét ấy, có 13 đứa trẻ may mắn sống sót đã bị bắt đưa về cô nhi viện Đà Nẵng. Lúc đó, cô bé A Chước Đen mới tầm 3, 4 tuổi. Cô lớn lên như mầm cây vươn mình vượt qua mọi giông bão bằng những đoạn ký ức mơ hồ về thân phận của một đứa trẻ mồ côi chưa đủ khả năng nhớ rõ mình là ai, ra đi từ đâu.
Sau ngày hòa bình lập lại, hầu hết những đứa trẻ cô nhi người Cơ Tu năm ấy được đi học trung cấp y ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. A Chước Đen đổi sang Đinh Thị Đen. Rồi nghĩ cuộc đời buồn. Buồn đến cả cái tên nên cô lại đổi sang Đinh Thị Hải Đăng với niềm tin vững lòng trên mọi bước đường gian truân để tìm quê mẹ.
Năm 1978, chị nhận công tác tại một xã miền núi tỉnh Quảng Nam. Suốt 16 năm công tác ở chốn thâm sơn cùng cốc ấy, trong giấc mơ của mình A Chước Đen luôn trở đi trở lại hình ảnh mờ tỏ về một ngôi làng ở một vùng núi nào đấy. Sau đó chị lấy chồng và chuyển công tác về thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Năm 1993, chị xin nghỉ việc theo chế độ trợ cấp một lần và chuyển về mở tiệm cắt tóc nhỏ bên góc đường Lý Thường Kiệt, thành phố Đà Nẵng.
Sống giữa chốn phồn hoa đô hội, khát khao được có người thân càng thôi thúc A Chước Đen tìm kiếm. Gặp bất cứ người vùng cao nào chị cũng đem chuyện mình ra kể rồi dò hỏi tung tích về ngôi làng, về những người phụ nữ cổ đeo kiềng bạc, miệng ngậm tẩu thuốc, lưng đeo gùi. Rồi phận trời run rủi, câu chuyện buồn lan xa dần theo chân những người buôn hàng rong và đến tai cụ Trần Văn Ca (nguyên Bí thư xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế trước đây). Ông Ca cũng có đứa cháu gọi bằng cậu ruột thất lạc năm 1963 nên đã lặn lội về Đà Nẵng tìm manh mối của cháu. Tuy lần đó A Chước Đen không gặp cậu nhưng cơ duyên tìm về quê đã có lối mở!
Tháng 3 năm 2003, A Chước Đen bắt đầu hành trình tìm về làng T’Râu (ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế). Lần đầu tiên được người cậu ruột dẫn về làng cũ – nơi chỉ còn dấu tích những thân gỗ dựng nhà cháy sém trơ trọi giữa nắng mưa, bước chân A Chước Đen khựng lại. Phải mất gần trọn cuộc đời, đứa con Cơ Tu lưu lạc mới được thỏa lòng khóc trên mảnh đất mình sinh ra. Chị gọi tên mẹ nức nở khi bám chặt cánh tay người cậu già nua lần về nơi ngọn lửa đã cướp mất tình mẫu tử, đẩy chị đến cuộc sống mồ côi. Không thể đưa mẹ về, năm 2004, chị gom góp những đồng tiền dành dụm bấy lâu trở lại Nam Đông xây biểu tượng nấm mộ chung cho những đồng bào Cơ Tu xấu số lên hai tảng đá lớn.
Tìm lại được bản làng, gốc gác với một đứa trẻ thất lạc gần cả cuộc đời âu đó là niềm hạnh phúc. Nhưng trong lòng đứa trẻ cô nhi ấy vẫn đau đáu, day dứt về món nợ với mẹ cha, với linh hồn bản làng. Và từ đó chị quyết định gom nhặt, chắp vá những trang nhật ký dang dở trong những chuyến hành trình tìm về cội nguồn của mình để tri ân nơi chôn nhau cắt rốn…
Viết sách để trả nợ bản làng
 “Dù cuộc sống hiện tại rất chật vật, cuốn sách vừa in ra còn nợ kinh phí. Nhà văn Hoàng Minh Nhân – người cha tinh thần đã ra đi quá đột ngột là một mất mát lớn đối với tôi, nhưng tôi sẽ tiếp tục viết cuốn thứ hai về Thung Lũng khe Ma Xua – cái khe gắn liền với bao kỷ niệm buồn vui của cha mẹ và bản làng tôi”, A Chước Đen thổ lộ.
Làm cái công việc “vẽ chữ” đối với bất cứ ai cũng là công việc nặng nề, khó khăn và đầy trách nhiệm. Đối với một đứa học trò vừa học qua lớp 6 như A Chước Đen lại càng vất vả. Đặt bút xuống trang bản thảo, chị chẳng có gì ngoài vốn kinh nghiệm sống về những tháng năm sấp ngửa giữa cuộc đời. Chị bảo: “Từ ngày tìm đường về quê mẹ (năm 2003), chuyến đi nào tôi cũng ghi lại. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là để giải tỏa nỗi lòng, để tâm sự với mẹ cho thỏa lòng khát khao, mong nhớ”. Chị chưa hề nghĩ rằng, sẽ có một ngày mình đem những dòng thư gửi về… quá khứ ấy để viết thành sách. Rồi tình cờ cuộc đời đưa đẩy cho chị gặp nhà văn Hoàng Minh Nhân. Và nhờ nguồn động viên của ông, chị đã bắt tay vào viết nên cuốn hồi ký Làng T’Râu của tôi từ những dòng nhật ký ghi lại của những năm về trước.
Trước khi cuốn sách hoàn thành, A Chước Đen phải nhờ đến một “đội ngũ” bạn bè, không ngoại trừ chồng chị giúp sửa lỗi… chính tả. Đặc biệt, ngay cả khi nhà văn Hoàng Minh Nhân trở bệnh nặng, mắt mờ, hàng ngày chị và ông vẫn tiếp tục công đoạn đọc, sửa theo một cách đặc biệt: A Chước Đen đọc và thu âm rồi mang đến mở cho ông Nhân nghe, chỗ nào thấy khập khễnh, ông ra hiệu dừng băng để chỉ cho chị cách sửa sang ngôn từ và ý tứ… 
Suốt bảy năm ròng rã, vượt qua bao khó khăn về sự hạn chế kiến thức, gánh nặng áo cơm, lời than thở của chồng con về sự bê trễ công việc mưu sinh, cuối cùng bản thảo cuốn hồi ký Làng T’Râu của tôi của chị dần dần lộ rõ hình hài.
Thế nhưng, viết là một chuyện, đầu tư kinh phí in sách lại là chuyện khác. Chị thăm dò giá in khắp nơi nhưng rồi mỗi lần nghe người ta trả lời về giá cả chị lại ngậm ngùi buông tiếng thở dài và mang bản thảo ra về.
Đầu năm 2010, chị may mắn gặp nhà văn Dương Kiện (tác giả cuốn Tiếng cồng Ama), và đã được ông nhiệt tình giúp đỡ. Cuối cùng, đến đầu tháng 4 năm 2011, sau bao nhiêu năm đau đáu nỗi lòng chị đã bật khóc mãn nguyện khi cầm trên tay cuốn sách như ân nhân từng cứu rỗi tâm hồn chị trong những tháng ngày tuyệt vọng cùng cực.
“Bảy năm qua tôi thấy cuộc đời mình sống có ý nghĩa. Đây là món quà tri ân mà tôi dành tặng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em dòng họ đồng bào thôn T’Râu cùng các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc…”, nâng niu cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, A Chước Đen nở nụ cười tươi, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài…
Trong ráng chiều, hoàng hôn tím sẫm dòng Hàn giang, giọng A Chước Đen trầm bổng hồi tưởng về những ngày xa xưa, tôi chợt ngộ ra rằng không có niềm hạnh phúc nào êm dịu bằng lòng yêu thương. Chính chị – một đứa trẻ cô nhi là nhân chứng sống động nhất để bắc chiếc cầu nối giữa quá khứ – hiện tại và hướng về tương lai bằng niềm tin tươi sáng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)