>
Tiến hành xác minh tại một số doanh nghiệp hoạt động XKLĐ, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện người lao động phải đóng tiền phí môi giới lao động cao hơn so với quy định từ 30 – 50 USD cho các công ty môi giới phía Malaysia. Thậm chí, họ còn phải chi từ 350 – 1.500 USD một người cho các công ty môi giới lao động phía Đài Loan dù pháp luật Đài Loan quy định không được thu phí môi giới của người lao động.
Thu tiền vé máy bay: Vượt trên 40 tỷ
Qua kiểm tra công tác thu chi tài chính tại Trung tâm Lao động ngoài nước, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trung tâm này thu của người có nhu cầu đi XKLĐ 350 USD một vé máy bay đi Hàn Quốc, trong khi giá thực mua chỉ là 320 USD một vé. Như vậy, số tiền vé chênh lệch mà hơn 29.000 lao động đã phải nộp cho Trung tâm là trên 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm này còn thu hơn 16 tỷ đồng tiền lệ phí đào tạo, giáo dục định hướng của người lao động, nhưng thực chi cho việc này chỉ hơn 7,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ không phát hiện khoản chi nào từ việc làm lý lịch tư pháp cho người lao động và ngày 14/5/200, Bộ LĐ-TB-XH đã có quyết định hủy bỏ khoản thu này nhưng trên thực tế, Trung tâm vẫn thu hơn 4,6 tỷ đồng của người lao động.
Trong khi đó, Thanh tra cũng phát hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước “cắt” 735 triệu đồng từ phí thẩm định hồ sơ lao dộng để hỗ trợ Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị, hội thảo, thăm hỏi, chúc tết…
Học tiếng tràn lan, được “bay” có hạn
Hàng năm, căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về nhu cầu số lượng lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước trình Bộ LĐ-TB-XH kế hoạch phân bổ số lượng cho các địa phương, đơn vị để tổ chức cho người lao động học tiếng, sơ tuyển tiếng Hàn Quốc, làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước. Sau đó, phía Hàn Quốc sẽ tổ chức thi kiểm tra tiếng Hàn và cấp giấy chứng chỉ. Những hồ sơ đủ điều kiện sẽ được Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc thông báo rộng rãi trên mạng internet để các chủ sử dụng lao động lựa chọn, sau đó lao động Việt Nam mới được làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc. Điều này cho thấy việc xuất cảnh đi lao động tại Hàn Quốc không hề dễ dàng và từ năm 2004 đến nay vẫn còn 11.349 lao động chưa được xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc, gây tâm lý không tốt đối với gia đình và bản thân người lao động.
Theo Phó tổng Thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Sản, việc người lao động tham gia học tiếng Hàn thường cao gấp 2 thậm chí 3 – 4 lần chỉ tiêu được phân bổ đã gây ra tình trạng lãng phí thời gian và tiền của người lao động. Trong khi đó, một số doanh nghiệp không có chức năng cũng tuyển chọn lao động để thu tiền bất hợp pháp của người lao động cao hơn so với quy định từ 5 – 12 lần, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình người lao động cũng như gây bức xúc trong xã hội.
Liên quan đến những sai phạm trong việc XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm trong việc thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và chậm phối hợp trong việc sửa đổi các khoản thu phí không hợp lý đối với người lao động. Quỹ này được hình thành năm 2004, có số thu trên 92 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thanh tra, quỹ mới chi… 2,4 tỷ đồng. |
Bình luận (0)