Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người dịch Quốc ca cho trẻ khiếm thính

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Hòa đang dạy học sinh khiếm thính ở Trường Anh Minh

Bước vào nghề, cô là một giáo viên (GV) văn của tỉnh Lâm Đồng. Rồi như một cơ duyên, cô rời cao nguyên – nơi cô sinh ra và lớn lên để đến Đồng Nai, trở thành GV dạy học trò khiếm thính. Trải qua bao thăng trầm cô vẫn lặng lẽ một mình đến với những em học sinh khiếm thính tại các mái ấm nhà mở. Bởi theo cô “mình vẫn còn nặng lòng với các em”. Cô là Trịnh Thị Quý Hòa – người dịch Quốc ca và Đội ca cho trẻ khiếm thính.
Tôi đến phòng trọ của cô (đường Nơ Trang Long – Bình Thạnh – TP.HCM) vào một buổi chiều, khi cô vừa chạy xe từ Đồng Nai về. Căn phòng trọ nhỏ mà ngăn nắp, đơn sơ như chính chủ nhân của nó. Cô đã trải lòng với tôi về những năm tháng trong cuộc đời làm GV dạy trẻ khiếm thính của mình. Trong lúc nói chuyện thỉnh thoảng cô lại “múa tay” như đang nói với người khiếm thính, rồi cô bảo: “Xin lỗi em, cô mắc bệnh nghề nghiệp”.
Duyên nợ với trẻ khiếm thính
Thời còn trẻ, chưa một lần cô nghĩ rằng mình sẽ dạy trẻ khiếm thính, bởi cô không phải là một GV chuyên biệt. Nhưng rồi như duyên nợ, cô bước vào “thế giới trẻ khiếm thính” cho đến nay. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, cô về nhận công tác ở Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng). Năm 1990, do gặp chuyện riêng, cô rời thành phố Đà Lạt xuống Đồng Nai dạy hợp đồng ở một trường bán công. Và để thỏa niềm mơ ước được đi dạy từ thiện, cô thường dành thời gian đến các cô nhi viện dạy cho trẻ mồ côi. Khi cô dạy lớp học có trẻ khiếm thính và trẻ bình thường, lúc đầu cô suy nghĩ “những em này chỉ là học cho có, còn để các em tiếp thu được bài là điều không tưởng”. Thế nhưng suy nghĩ đó của cô đã phải thay đổi. Đó là trong một buổi chấm bài, cô tâm đắc nhất một bài văn miêu tả về một khu vườn và cho điểm cao để tuyên dương trong lớp. Hôm sau lên lớp, khi gọi tên em đó thì không thấy tiếng trả lời mà chỉ thấy một cánh tay giơ lên. Lúc này cô mới biết em HS đó bị câm không nói được. Rồi cô nghĩ, những HS bị tật dù không nói được, nhưng các em có nhiều cách để nói và có đôi mắt để nhìn, niềm khao khát học tập và được hòa nhập với những người bình thường của các em là rất lớn. Từ đó cô bắt đầu chú ý đến trẻ khuyết tật nhiều hơn và luôn tìm cách thay đổi phương pháp dạy. Cô nói: “Phương pháp dạy ở đây không chỉ là bằng việc nói mà phải kết hợp hành động của tay chân để tác động trực tiếp vào trực quan nhằm giúp HS có thể cảm nhận được”. Lâu dần, cô “nghiện” dạy trẻ khuyết tật khi nào không hay. Cho đến năm 1998, một người bạn của cô chuyển về Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai làm phó giám đốc đã mời cô về đây công tác. Và từ đó, cô Hòa chính thức bước vào nghề dạy trẻ khiếm thính với cương vị là GV hợp đồng dạy theo thời vụ. Với 10 năm gắn bó ở Trung tâm Dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, cô không chỉ là GV mà còn là người bạn, người mẹ của các em. Đến năm 2008, cô được chuyển lên làm GV cấp 2, nhưng do không có hộ khẩu nên vẫn là GV hợp đồng. Và một lần nữa như đi tìm cho mình một hướng đi mới, cô xin nghỉ dạy chuyển về Sài Gòn và hiện đang là GV dạy trẻ khiếm thính Trường Anh Minh (Bình Thạnh). Có một điều rất ít ai biết, cho đến nay dù trải qua bao nhiêu năm đi dạy nhưng cô vẫn chỉ là GV dạy hợp đồng, ngoài đồng lương nhà trường trả, không được hưởng một chế độ nào khác… “Nhưng nếu còn sức khỏe, tôi vẫn tiếp tục đi dạy. Dạy đến hơi thở cuối cùng. Vì đó như là duyên nợ của tôi” – cô nói.
Người dịch Quốc ca và Đội ca
Khi dạy, để bổ sung vốn từ cho HS khiếm thính, cô thường dẫn các em đi dã ngoại để được nhìn tận mắt những sự vật, sự việc mà khái quát thành khái niệm. Và trong một lần cô dẫn học trò đi ngang qua một ngôi trường phổ thông. Thấy HS của trường đứng nghiêm trang chào cờ rồi hát Quốc ca. Vậy là cô phải giải thích cho học trò của mình “Các bạn HS đó đang hát Quốc ca và Đội ca theo nghi lễ chung của HS tiểu học”. Những buổi sau đó, cô cũng muốn cho học trò của mình hát Quốc ca nhưng các em bị câm không thể hát được… Điều đó đã khiến cô trăn trở rất nhiều. “Trẻ bị câm có thể không hát được, nhưng cũng phải hiểu được bài Quốc ca, bài Đội ca chứ. Và tất nhiên tại sao không để các em hát bằng ngôn ngữ của chính các em?”. Những suy nghĩ ấy được cô “thai nghén” trong đầu nhưng cô không biết làm thế nào khi cho rằng việc này quá sức so với một GV mới vào nghề như mình. Rồi dịp may đã đến, năm 2000, cô Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai tham dự hội thảo ở Philippines về khen những em học sinh bị câm “hát” Quốc ca Philippines rất hay, bây giờ, cô Hòa mới mạnh dạn trình bày ý tưởng để rồi cả đêm đó, cô nhẩm bài Quốc ca cho đến sáng. Nhưng để tìm từ cho các em hiểu hết được ý nghĩa lịch sử, văn hóa của bài Quốc ca là một điều không đơn giản. Cô quyết định đi tìm người câm điếc có kinh nghiệm truyền những ký hiệu ngôn ngữ rồi tập hợp thành một nhóm để thống nhất. Hơn một tuần lên Trường Điếc (Bình Dương) để hỏi, sưu tầm những ký hiệu ngôn ngữ từ những người câm điếc lớn tuổi, tập hợp lại. Thế nhưng khi thống nhất những ký hiệu lại thành một để ghép vào bài Quốc ca, cô đã gặp không ít khó khăn khi mỗi người đưa ra một ý, khiến cô không biết xử lý thế nào. Vậy là cô phải vào thư viện, tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca để các ký hiệu được chuẩn hơn. Cuối cùng, sau hai tháng đánh vật với từng ký hiệu ngôn ngữ, cô đã tự “dịch” được bài Quốc ca ra thành ký hiệu dành cho học trò khiếm thính của mình. Sau khi hát thử tại trường thành công, nhiều trường ở Đồng Nai đến học, nhờ cô chỉ và dần dần được phổ biến rộng trên toàn tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Viện Khoa học giáo dục biết được đã đưa bài Quốc ca dành cho người khiếm thính của cô Hòa lên để chỉnh sửa, thống nhất trên cả nước cho đến ngày nay. Không chỉ có Quốc ca, sau đó một năm, cô Hòa cũng hoàn thành bài Đội ca cho các em. Và ít ai biết, cô cũng là một trong những người đầu tiên làm nên cuốn Từ điển ký hiệu ngôn ngữ dành cho người câm điếc. Cuốn từ điển này đang được Trường Đại học Sư phạm sử dụng và tiếp tục bổ sung vốn từ.
Hiện nay, ngoài những tiết dạy chính ở Trường Anh Minh, sáng cô vẫn đều đặn cùng “con ngựa sắt” xuống tận Long Thành (Đồng Nai) dạy cho hai trung tâm cô nhi viện không lấy tiền, chiều lại chạy về TP.HCM.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Cô tâm sự: “Cuộc sống độc thân, không vướng bận chuyện gia đình nên hễ có trường mời là tôi đến với các em. Vả lại, như mắc nợ với trẻ khuyết tật vậy và tôi đã tìm thấy niềm vui ở những buổi dạy cho các em”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)